Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Lo ngại về chính sách kinh tế, dự trữ ngoại hối và sức khỏe của hệ thống ngân hàng là lý do Fitch quyết định hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của Việt Nam từ BB- xuống B+.
Theo báo cáo được Fitch công bố trong ngày 29.7, có 2 chỉ tiêu bị đánh tụt hạng, đó là định mức tín nhiệm đối với các khoản vay dài hạn bằng nội tệ, ngoại tệ và đối với trái phiếu ngoại tệ của Việt Nam, đều bị hạ một bậc từ BB- xuống B+. Trong khi đó, đánh giá đối với các khoản vay ngắn hạn vẫn được Fitch giữ ở điểm B.
Do bị tụt hạng tín dụng dài hạn, Việt Nam đã lùi 4 bậc so với điểm đầu tư (xếp hạng tín dụng quốc gia nằm trong khoảng BBB đến AAA được coi là có điểm đầu tư - investment grade). Đây cũng là trường hợp hiếm hoi trong số các nền kinh tế mới nổi bị hạ xếp hạng tín dụng trong báo cáo này của Fitch (Indonesia, Ukraine và một số quốc gia khác đều nhận được đánh giá lạc quan).
Chất lượng tín dụng tại Việt Nam chưa được đánh giá cao. |
Theo Fitch, thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong năm 2010 nhiều khả năng sẽ được duy trì ở mức cao, khoảng 7,6% GDP trong khi chi tiêu Chính phủ vẫn phụ thuộc một phần vào nợ nước ngoài.
Dẫn lời bà Ai Ling Ngiam, Giám đốc Fitch khu vực châu Á, hãng tin Bloomberg cho biết, sở dĩ tổ chức này hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của Việt Nam là do nhu cầu sử dụng vốn bên ngoài của nền kinh tế tiếp tục tăng trong khi nguồn cung yếu đi. Đại diện của Fitch cũng cho rằng khung chính sách kinh tế của Việt Nam hiện chưa thực sự nhất quán và hệ thống ngân hàng còn tồn tại nhiều yếu kém.
Về dự trữ ngoại hối, Fitch trích dẫn số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra tháng trước khi cho rằng lượng ngoại tệ dự phòng của Việt Nam đã giảm xuống mức 7 tuần nhập khẩu so với con số 10 tuần vào cuối tháng 12 năm 2009. Trong khi đó, thâm hụt cán cân vãng lai được dự báo ở mức 9,9% GDP cho năm 2010, giảm so với mức 10,4% của 2009.
Theo nguồn số liệu riêng, Fitch cho rằng dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt khoảng 13,8 tỷ USD vào cuối tháng 3.2010. Lượng dự trữ này hiện đã được cải thiện một cách tương đối. Sau những điều chỉnh hồi đầu năm, tỷ giá đồng Việt Nam so với đôla Mỹ hiện ổn định ở mức 19.075 đồng một USD.
Theo nhận định của một số chuyên gia quốc tế, tuy bị hạ một bậc tín nhiệm theo đánh giá của Fitch nhưng các khoản tín dụng của Việt Nam vẫn tương đối an toàn. Theo ông Matt Hildebrandt, chuyên gia kinh tế của JPMorgan Chase tại Singapore, việc quản lý nợ của Việt Nam tương đối tốt.
“Việc bị hạ bậc tín nhiệm là do chất lượng tín dụng của Việt Nam chưa tốt như những quốc gia láng giềng như Indonesia hay Phillipines. Tuy nhiên, tôi cho rằng sẽ không có chuyện Việt Nam tiếp tục tụt hạng trong những lần đánh giá tiếp theo của Fitch và độ rủi ro đối với các khoản vay tại thị trường này là rất thấp”, ông Hildebrandt cho biết.
(Theo VNE)