Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
G20 tăng cường hợp tác ứng phó ảnh hưởng của dịch COVID-19
Chủ nhật: 18:37 ngày 23/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo ông Taro Aso, dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng có thể gây ra nguy cơ nghiêm trọng đối với nền kinh tế vĩ mô của thế giới khi làm đình trệ các hoạt động sản xuất...


Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại một bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 22/2. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso ngày 22/2 cho hay Bộ trưởng Tài chính của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí tăng cường hợp tác trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc đang nổi lên như một nguy cơ tiềm ẩn đối với kinh tế thế giới.

Đây là cuộc họp đầu tiên của G20, diễn ra trong hai ngày 22-23/2 ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc và khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới rơi vào tình trạng gần như đình trệ trong khi phải triển khai một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh này lan rộng.

Theo ông Taro Aso, dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng có thể gây ra nguy cơ nghiêm trọng đối với nền kinh tế vĩ mô của thế giới khi làm đình trệ các hoạt động sản xuất, khiến hoạt động đi lại của người dân và hàng hóa lưu thông gặp khó khăn cũng như làm gián đoạn các chuỗi cung cấp.

Trung Quốc đã không cử Bộ trưởng Tài chính hay Thống đốc Ngân hàng Trung ương của nước này đến tham dự hội nghị trên của G20 trong bối cảnh Bắc Kinh đang nỗ lực ứng phó dịch COVID-19.

Cũng tại cuộc họp trên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2020 là 5,6%, thấp hơn mức ước tính tăng 6% mà cơ quan này đưa ra hồi tháng 1/2020 và đây dự kiến là mức tăng trưởng thấp nhất của kinh tế Trung Quốc kể từ năm 1990.

Trong khi lưu ý rằng những bất ổn liên quan tới dịch COVID-19 là “quá lớn để có thể đưa ra dự đoán chính xác” cũng như nhiều tình huống có thể xảy ra tùy theo diễn biến cụ thể của dịch bệnh trên, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết IMF dự đoán tình hình kinh tế của Trung Quốc sẽ “trở lại bình thường” trong quý 2/2020 nên tác động của dịch COVID-19 đối với kinh tế thế giới sẽ tương đối nhỏ và mang tính ngắn hạn.

Vì vậy, IMF dự đoán tăng trưởng năm 2020 của nền kinh tế thế giới sẽ giảm khoảng 0,1 điểm phần trăm.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda cho rằng Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, có thể bị ảnh hưởng gián tiếp của dịch COVID-19 do xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chậm lại, các chuỗi cung cấp ngừng trệ và lượng du khách Trung Quốc đến nước này sụt giảm.

Theo ông Kuroda, Nhật Bản sẽ theo dõi sát diễn biến của các lĩnh vực trên và do không thể dự đoán chính xác thời điểm dịch COVID-19 kết thúc nên tình trạng bất ổn vẫn ở mức cao. Tuy vậy, ông Kuroda cho hay kinh tế Nhật Bản vẫn trên đà hồi phục ở mức vừa phải.

Nguồn vietnam+

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục