Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Gạch nung chưa được chứng nhận hợp quy tràn lan trên thị trường 

Cập nhật ngày: 01/08/2022 - 00:16

BTN - Theo quy định, gạch nung dùng trong xây dựng phải được Sở Xây dựng chứng nhận hợp quy mới đủ điều kiện lưu thông trên thị trường. Tây Ninh hiện tại có nhiều lò gạch nung mỗi ngày cung cấp hàng trăm ngàn viên đủ kích cỡ phục vụ nhu cầu xây dựng trong tỉnh.

Dù  lò gạch này giấy chứng nhận sản phẩm hợp quy hết hạn từ năm 2019 nhưng vẫn “vô tư hoạt động” (ảnh chụp tại một lò gạch trên địa bàn xã Phước Vinh, huyện Châu Thành)

Theo quy định tại Thông tư 28/2012/TT-BKHCN ngày 12.12.2012 về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; ngày 31.12.2019, Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng, mã số QCVN 16:2019/BXD tại Thông tư số 19/2019/TT-BXD.

Theo đó, các sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng quy định tại QCVN 16:2019/BXD được sản xuất trong nước, nhập khẩu trước khi lưu thông trên thị trường và sử dụng vào các công trình xây dựng phải được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy của Sở Xây dựng nơi tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh.

HƠN 70 HỘ KINH DOANH, DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT GẠCH NUNG XÂY DỰNG KHÔNG CÓ GIẤY CHỨNG NHẬN HỢP QUY

Theo quy định, gạch nung dùng trong xây dựng phải được Sở Xây dựng chứng nhận hợp quy mới đủ điều kiện lưu thông trên thị trường. Tây Ninh hiện tại có nhiều lò gạch nung mỗi ngày cung cấp hàng trăm ngàn viên đủ kích cỡ phục vụ nhu cầu xây dựng trong tỉnh.

Theo cán bộ kỹ thuật của một công ty xây dựng, việc pháp luật quy định gạch nung xây dựng phải được công bố hợp quy, hợp chuẩn là để bảo đảm chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Trên địa bàn tỉnh có hơn 70 hộ, doanh nghiệp sản xuất gạch không có giấy chứng nhận hợp quy còn hiệu lực. Nhiều lò gạch đã hết hạn từ năm 2019 nhưng vẫn sản xuất gạch để bán ra thị trường, bất chấp sự an toàn của người tiêu dùng.

Tại một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng ở phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành. Sau khi được chủ cửa hàng giới thiệu giá cả từng loại gạch ống, gạch thẻ, gạch cháy… phóng viên đề nghị chủ cửa hàng cho biết cơ sở sản xuất các loại gạch trên có chứng nhận hợp quy hay không, chủ cửa hàng điện thoại hỏi cơ sở, sau đó trả lời là: Xây nhà ở tư nhân có ai đòi hỏi giấy hợp quy, hợp chuẩn đâu, chỉ công trình dự án mới nhà nước mới cần (!?). Người chủ cửa hàng gay gắt nói với phóng viên: “Mua được thì mua, không mua được thì thôi chứ mua có bao nhiêu gạch đâu mà đòi hỏi giấy hợp quy chuẩn”.

Chúng tôi rời đi, không biết số gạch nung mà cửa hàng trên, cũng như nhiều cửa hàng khác có được cung cấp bởi các lò gạch được cơ quan thẩm quyền cấp giấy đạt quy chuẩn hay không? Sự băn khoăn này là có cơ sở, bởi trong thực tế, không ít hộ dân dành dụm, chắt chiu cả đời mới xây được cho mình căn nhà với hy vọng bền bỉ theo năm tháng nhưng lỡ mua “nhầm” gạch đểu thì sao?

Trong khi đó, đối với các công trình dự án đầu tư công hay dự án tư nhân có ký hợp đồng với nhà thầu, đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng phải cung cấp cho chủ đầu tư giấy chứng nhận hợp quy còn thời hạn, sản phẩm gạch nung mới được phép đưa vào sử dụng. Người dân chỉ biết đến cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng hay lò gạch mua gạch mà không biết về những quy định trên. Đây là vấn đề mà cơ quan quản lý xây dựng của địa phương cần quan tâm khi kiểm tra công trình để bảo đảm quyền lợi cho người dân.

NHIỀU LÝ LẼ BIỆN BẠCH KHÔNG THỂ CHẤP NHẬN

Phóng viên liên hệ với UBND xã Phước Vinh, huyện Châu Thành để cùng cán bộ địa phương đi đến tận các lò gạch tìm hiểu. Tại xã này có 7 lò gạch, 1 lò đã đóng cửa, còn 6 lò vẫn đang sản xuất.

Khi phóng viên đặt vấn đề, lò gạch này giấy chứng nhận hợp quy đã hết hạn từ năm 2019, theo quy định phải tạm ngừng sản xuất, không được cung cấp sản phẩm ra thị trường. Chủ lò gạch nại lý do “quên” làm giấy chứng nhận sản phẩm hợp quy vì sản xuất gạch ngày càng khó khăn, đất sét giá thành cao, duy trì sản xuất để chủ yếu tạo công ăn việc làm cho nhân công, rồi tình hình dịch bệnh Covid-19, dự kiến thay đổi công nghệ…

Tuy nhiên khi phóng viên hỏi: Nếu những viên gạch do lò gạch cung cấp xảy ra sự cố đáng tiếc do không đạt chất lượng, trách nhiệm chủ lò gạch như thế nào? Chủ lò gạch liền “bẻ lái” là mới nhờ công ty tư vấn ở Thành phố Hồ Chí Minh làm thủ tục xin Sở Xây dựng công bố sản phẩm đạt chuẩn hợp quy, chắc khoảng 1 tháng nữa sẽ có (!?).

Cùng cán bộ địa phương đến một lò gạch khác cũng được nghe những lý lẽ biện bạch như vậy, thậm chí chủ lò gạch này còn cho biết, hầu hết các cơ sở sản xuất gạch trong khu vực đều hết hạn giấy chứng nhận hợp quy.

Rõ ràng yếu tố an toàn cho công trình xây dựng không được quan tâm. Việc các cơ sở sản xuất gạch vì lợi nhuận mà quên đi trách nhiệm của họ đối với người tiêu dùng là một điều không thể chấp nhận được.

Điều 16 Thông tư 28/2012/TTBKHCN về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân công bố hợp quy:

1. Thông báo trên các phương tiện thông tin thích hợp về việc công bố hợp quy của mình đảm bảo người sử dụng sản phẩm, hàng hoá đó dễ dàng tiếp cận.

2. Duy trì liên tục và chịu trách nhiệm về sự phù hợp của các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường đã công bố hợp quy; duy trì việc kiểm soát chất lượng, thử nghiệm và giám sát định kỳ.

3. Sử dụng dấu hợp quy đối với sản phẩm, hàng hoá đã được công bố hợp quy theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Thông tư này trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Lập sổ theo dõi và định kỳ hằng năm báo cáo việc sử dụng dấu hợp quy cho tổ chức chứng nhận được chỉ định.

4. Khi phát hiện sự không phù hợp của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường đã công bố hợp quy trong quá trình lưu thông hoặc sử dụng, tổ chức, cá nhân phải:

a) Kịp thời thông báo bằng văn bản về sự không phù hợp với cơ quan chuyên ngành;

b) Tạm ngừng việc xuất xưởng và tiến hành thu hồi các sản phẩm, hàng hoá không phù hợp đang lưu thông trên thị trường trong trường hợp sản phẩm, hàng hoá không phù hợp có rủi ro cao gây mất an toàn cho người sử dụng; ngừng vận hành, khai thác các quá trình, dịch vụ, môi trường liên quan khi cần thiết;

c) Tiến hành các biện pháp khắc phục sự không phù hợp;

d) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên ngành về kết quả khắc phục sự không phù hợp trước khi tiếp tục đưa các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường vào sử dụng, lưu thông, khai thác, kinh doanh.

T.P