Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Gần 30 năm đi khiếu nại mảnh đất 172m²
Thứ hai: 14:50 ngày 06/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
“Đất có giấy tờ chứng minh nguồn gốc nhưng không được trả lại. Vì đây là đất kỷ niệm của gia đình nên tôi đành chấp nhận mua lại theo hình thức hoá giá nhưng vẫn không được bán, thậm chí muốn được thuê cũng không thành, trong khi người khác lại thuê được”. Đó là bức xúc của ông Nguyễn Văn Bu (SN 1948, ngụ tổ 10, đường 787A, ấp Hoà Phú, xã An Hoà, huyện Trảng Bàng.

Ông Bu chỉ chỗ cái máng xối ló qua văn phòng ấp (An Phú cũ) khoảng 20cm bị phạt đến 2 lần.

 “Trường kỳ” khiếu nại

Cầm trên tay những tờ giấy cũ kỹ, chữ viết trên giấy có cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt, ông Bu cho biết, đây là các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất của gia đình.  Ông Bu kể, phần đất 172m² (toạ lạc tại địa chỉ trên) mà ông đang khiếu nại nằm trong tổng thể diện tích 993m² của gia đình, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc từ đời ông nội và đời cha để lại. Cụ thể, phần đất này do ông nội của ông là Nguyễn Văn Vỏ đứng bộ năm 1911, sau đó để lại cho cha ông là Nguyễn Văn Lâm thừa hưởng.

Năm 1992, ông Lâm có làm Tờ thuận phân chia đất đai cho 8 người con, trong đó, phần đất 172m² thuộc về ông Nguyễn Văn Bu và vợ là Cao Thị Muồng. Trước đó, khoảng năm 1960, phần đất này bị chính quyền chế độ cũ chiếm lấy để xây dựng nhà bảo sanh. Sau năm 1975, đất được UBND xã An Hoà trưng dụng để xây cất một trường mầm non. Khoảng năm 1997, khi trường mầm non chuyển đi nơi khác thì thay vào đó là văn phòng làm việc của ấp An Phú. Năm 2012, ấp này được tách ra và cũng chuyển đến chỗ khác, từ đó đến khoảng đầu tháng 11.2016, đất và văn phòng ấp An Phú cũ bỏ không. Được biết, gần đây, UBND xã An Hoà đã ký hợp đồng cho một tư nhân thuê.

Ông Bu kể tiếp, từ những năm đầu thập niên 1990, gia đình đã nhiều lần nộp đơn xin lại phần đất của cha ông nhưng không được giải quyết. Chính quyền địa phương xã An Hoà cho biết đất này là đất thành quả cách mạng, được quản lý và sử dụng theo dạng đất công. Ông Bu tiếp tục nộp đơn lên các cấp cao hơn.

Nhiều năm khiếu nại bất thành, ông Bu đành chấp nhận không khiếu nại nữa, chuyển sang xin được thuê đất nhưng vẫn không được chấp nhận. Mãi cho đến ngày 13.12.2016, Văn phòng HĐND - UBND huyện Trảng Bàng có Công văn số 218 gửi cho UBND xã An Hoà về việc truyền đạt ý kiến của lãnh đạo huyện đối với đơn thỉnh cầu của ông Bu. Cụ thể, xin trích một đoạn công văn: “phần đất này ông Bu đã khiếu nại nhiều năm, nhưng đến năm 2014 ông cam kết rút lại đơn không khiếu nại nữa, nay nếu UBND xã không còn nhu cầu sử dụng đất thì trả và bán đấu giá cho ông.

Đồng thời, ông nhiều lần xin thuê lại mặt bằng để lập quán buôn bán nhưng xã không ký hợp đồng với ông… Qua xem xét nội dung đơn thỉnh cầu, lãnh đạo UBND huyện chuyển đơn của ông Nguyễn Văn Bu đến UBND xã An Hoà kiểm tra, xem xét và giải quyết theo thẩm quyền. Đồng thời, báo cáo kết quả giải quyết về UBND huyện theo quy định”.

Tính đến thời điểm này, ông Bu chưa thấy chính quyền địa phương đá động gì với gia đình ông về chuyện hoá giá hay cho thuê đất, trong khi Chủ tịch UBND xã đã ký hợp đồng cho một tư nhân khác thuê. Bên thuê đất đã tiến hành xây cất dãy nhà tường kiên cố, mái tôn, lắp hệ thống cửa sắt khá chắc chắn. Điều đáng nói là dãy nhà này lại nằm trong lộ giới của đường tỉnh lộ 787A.

Ông Bu thắc mắc: “Nhà xây như vậy liệu có được cấp phép? Cấp trên có đồng ý với chủ trương này hay không? Trường hợp vi phạm rõ ràng như vậy có bị xử phạt chưa? Chứ riêng gia đình tôi có làm cái máng xối nhà hơi ló qua bên phần đất 172m² (trên không, khoảng 20cm) thì đã bị phạt đến hai lần rồi! Nghiệt nỗi, lần thứ 2 phạt đến 6 triệu đồng, tôi năn nỉ mãi mới giảm xuống còn 5 triệu đồng nhưng không ghi biên lai thu tiền phạt, mà lại buộc tôi nộp tiền và ký tên vào tờ giấy ủng hộ xây dựng văn phòng ấp, nếu không làm theo thì phần ló của cái máng xối sẽ không được tồn tại”.

Nói xong, ông Bu trưng ra hai tờ giấy để minh chứng về việc mình bị phạt đến hai lần trong cùng một vụ việc. Tờ thứ nhất là biên lai thu tiền phạt 300.000 đồng, với lý do xây dựng nhà lấn chiếm không gian đất văn phòng ấp An Phú (ngày 31.12.2008); tờ này ông Bu không có ý kiến gì và sẵn sàng nộp tiền phạt.

Tờ thứ hai là Biên nhận nộp tiền 5 triệu đồng, lý do “ủng hộ xây dựng văn phòng ấp” (ngày 11.4.2013); tờ giấy này khiến ông Bu không phục, mặc dù ông cũng đã miễn cưỡng ký tên và nộp tiền để bảo vệ cái máng xối lỡ xây khá kiên cố. “Khi nhận 5 triệu đồng, một cán bộ xã còn hứa (bằng miệng) rằng sau này có xây dựng công trình gì cũng chừa ra khoảng trống 1m đất tính từ ranh nền nhà tôi qua đất văn phòng ấp. Thế nhưng, hiện tại người thuê đất đã cố tình xây bức tường sát với nền nhà tôi luôn rồi”.

Biên nhận “ủng hộ tiền xây văn phòng ấp” 5 triệu đồng.

Vẫn chậm hơn một bước?

Ngày 30.12.2016, UBND xã An Hoà có Báo cáo số 560 trả lời Công văn số 218 của Văn phòng HĐND-UBND huyện Trảng Bàng. Báo cáo trình bày, thửa đất đang đề cập có nguồn gốc là đất thành quả cách mạng. Vào những năm 1960, chế độ cũ có xây dựng một ngôi nhà trên phần đất này (nhà bảo sanh, theo ông Bu).

Sau năm 1975, UBND xã An Hoà tiếp quản và trưng dụng làm văn phòng ấp An Phú, đến năm 2012 thì tách ấp này ra thành hai ấp là Hoà Phú và An Phú. Hiện nay, thửa đất nằm trong quy hoạch lộ giới nên không thể xây dựng văn phòng ấp được, xã đã chọn điểm khác để xây mới hai văn phòng ấp.

Đến khoảng đầu quý 3 năm 2015, ông Nguyễn Phước Thọ (ngụ thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu) có đến liên hệ với xã để hỏi thuê nhà và đất (văn phòng ấp An Phú cũ) làm điểm kinh doanh trại hòm. UBND xã đã thoả thuận với ông Thọ xong, chuẩn bị ký hợp đồng thì ông Bu cũng đến xã hỏi thuê nhưng xã đã từ chối. Sau đó, ông Thọ có việc khác nên đã không ký hợp đồng.

Khoảng giữa tháng 11.2016, ông Võ Thanh Phương (ngụ ấp An Quới, xã An Hoà) có đến liên hệ với chính quyền địa phương, hỏi thuê nhà và đất tại vị trí nói trên. UBND xã đã tiến hành ký hợp đồng số 06/HĐ-UBND với ông Phương. Hợp đồng được ký trong thời hạn 5 năm, với giá cho thuê là 1 triệu đồng/tháng.

Khi phóng viên hỏi “dự án làm đường có thể sẽ diễn ra bất cứ lúc nào, việc ký hợp đồng như vậy có gây cản trở công tác giải phóng mặt bằng?”, ông Nguyễn Công Hường, Chủ tịch UBND xã An Hoà giải thích: “Hợp đồng có điều khoản ghi rõ, trong quá trình thực hiện, nếu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định triển khai quy hoạch mở rộng tuyến đường 787A, ông Phương phải tự tháo dỡ cơ sở vật chất trên đất mà không được yêu cầu bồi thường hoặc hỗ trợ kinh phí. Tất nhiên, bên cho thuê sẽ thông báo cho ông Phương biết trước 1 tháng”.

Trong đơn gửi cho Báo, ông Bu nêu rõ, nếu UBND xã An Hoà trưng dụng mảnh đất này vào mục đích công như xây dựng trường học, văn phòng làm việc của cơ quan Nhà nước, trạm y tế… thì gia đình ông không có ý kiến gì. “Còn đằng này xã đồng ý cho tư nhân thuê vì mục đích kinh tế, năm lần bảy lượt từ chối nguyện vọng của gia đình tôi từ bấy lâu nay, như vậy là không thể chấp nhận được”, bà Muồng bức xúc.

Riêng ông Bu quả quyết: “Tôi đã đến liên hệ với UBND xã An Hoà để thuê đất từ trước đó khá lâu, vào khoảng tháng 8 năm 2014. Tôi còn nhớ lúc đó bộ phận Tư pháp của xã có soạn sẵn một bộ hợp đồng về việc này, chỉ chờ Chủ tịch xã ký. Nhưng không rõ vì lý do gì mà Chủ tịch xã cứ lần lựa mãi không ký cho đến ngày hôm nay”.

Như vậy, mặc dù từ rất lâu ông Bu đã có nguyện vọng được trả lại đất, hoặc mua hoá giá hay thuê, nhưng vẫn chậm hơn một bước so với những người mới liên hệ gần đây. Gần 30 năm ông Bu cầm hồ sơ đi khiếu nại chỉ vì một mảnh đất- mà theo ông không lớn về giá trị vật chất, cái lớn lao mà gia đình ông muốn lưu giữ là giá trị về mặt tinh thần.

Quốc Sơn

Tin cùng chuyên mục