BAOTAYNINH.VN trên Google News

Gần 30 năm theo nghề “leo cây gòn”

Cập nhật ngày: 23/03/2015 - 04:11

Phơi khô trái gòn sau khi mua về.

Tình cờ nhìn thấy một người đàn ông đang đu bám thân mình trên ngọn cây gòn thật cao ở gần bệnh viện huyện Hoà Thành, sẵn máy trên tay tôi chụp vội vài tấm ảnh rồi nhanh chân phóng xuống tầng trệt, chạy bay đến chỗ cây gòn cách đó hơn 200 mét. Tôi đến nơi, người đàn ông leo cây gòn cũng vừa tụt xuống tới mặt đất, anh hí húi gom lá gòn cho vào bao để chở về. Không có thời gian để trò chuyện nhiều vì anh nói anh còn bận đi hái ở nơi khác. Tôi chỉ kịp hỏi thăm tên tuổi và nơi ở của anh cùng với lời hẹn sẽ gặp lại một ngày gần đây.

Vậy mà mấy tháng sau tôi mới có cơ hội tìm đến nhà của anh Then- tên đầy đủ là Nguyễn Văn Then. Nhà anh nằm trong một con hẻm gần nghĩa địa Bàu Ếch, thuộc xã Trường Tây, huyện Hoà Thành. Lần này thì lại không gặp được anh Then. Theo lời chỉ dẫn của vợ anh, tôi tìm đến nơi anh đang bẻ trái gòn cách đó vài cây số. Tôi đứng một bên kiên nhẫn quan sát công việc mưu sinh không kém phần khó nhọc của anh Then. Anh dùng cây sào dài có gắn lưỡi liềm cặm cụi giật hái từng trái gòn trên cao trong suốt hơn cả tiếng đồng hồ…

Quê anh Then ở Bến Cầu. Là con trong một gia đình nông dân, lớn lên anh Then cũng được cha mẹ chia cho ruộng đất nhưng vì làm không đủ ăn, nên ruộng đất cũng dần tiêu tan hết. Trước kia, anh Then cũng từng có thời gian làm việc ở một cơ quan lâm nghiệp nhưng do trình độ học vấn chỉ lớp 4 nên không thể tiếp tục công việc lâu dài. Sau khi có vợ, anh nghỉ việc rồi theo vợ về Bàu Ếch sinh sống cho đến bây giờ. Không học vấn nhưng có sức khoẻ, anh cùng với vợ đi làm mướn, kiếm tiền bằng chính sức lao động cơ bắp của mình.

Một lần, anh Then được người đàn ông nọ- mọi người quen gọi là chú Hai Trầu hoặc ông Hai Trầu mướn bẻ lá gòn và trái gòn. Lá gòn là để bán cho các cơ sở se nhang, còn trái gòn mang về phơi khô, tuốt lấy bông cân ký đem bán cho lái (để cung cấp cho các cơ sở may gối nằm). Anh Then theo làm mướn cho ông Hai Trầu một thời gian, đến khi ông Hai Trầu không còn đủ sức khoẻ để làm, anh tiếp nối nghề của ông. Theo đuổi nghề này, ngày nào anh Then cũng phải leo lên cây gòn cao 5-7 mét hoặc hơn. Gặp cây nhiều cành, nhiều nhánh còn đỡ, đụng phải những cây chìa cành thoi loi ra giữa trời mới ớn; biết là nguy hiểm, vẫn phải cố bặm gan để leo trèo, bẻ cho đến trái gòn hay những tầng lá gòn cuối cùng. Mua trái gòn hay lá gòn, phần lớn anh Then đều mua “mão”, việc định giá chủ yếu do kinh nghiệm thông qua quan sát bằng mắt để ước tính khối lượng lá hoặc trái trên cây, phải khéo tính sao cho khỏi lỗ. Thoả thuận giá cả với người bán xong xuôi, anh tự leo lên cây gòn, dùng cây sào bằng tre hoặc trúc có gắn lưỡi liềm để giật, cắt từng trái hoặc từng nhánh lá gòn xuống đất. Hái xong lại hì hục, lui cui tự thu gom lá chở về. Tất cả các công đoạn anh đều chỉ làm “mình ên”. Gần 30 năm qua anh đã miệt mài làm cái công việc như thế; không chỉ trong tỉnh nhà, anh còn rong ruổi sang tận Bình Dương, Bình Phước, Củ Chi... Những nơi anh đến mua gòn dần thành địa chỉ quen. Vậy mà có lúc xui xẻo, khi quay lại chỗ cũ để mua thì đã có người khác “phỗng tay trên” rồi, thế là lại phải cất công đi xa hơn.

Công việc “leo cây gòn” của anh Then gần như diễn ra quanh năm. Độ giữa tháng Giêng là bắt đầu đi mua trái gòn cho đến hết tháng Năm thì lại bắt đầu mua lá gòn cho đến cuối năm. Theo lời anh Then, cây gòn có loại cho trái nhưng cũng có loại không có trái mà chỉ rặt lá là lá. Dù là thu hái trái gòn hay lá gòn cũng đều vất vả như nhau. Công việc tuy ổn định nhưng mức thu nhập lại thấp. Nhiều năm trước, anh Then còn kiếm được kha khá nhưng về sau, khi số người cùng làm nghề như anh xuất hiện ngày một nhiều hơn, thu nhập của anh từ đó cũng teo tóp lại. Hiện tại, mỗi ngày anh Then kiếm được không quá một trăm ngàn đồng- khó mà đủ để trang trải các khoản chi tiêu thiết yếu hằng ngày của gia đình, nói chi chuyện tích luỹ. Chị Tốt- vợ anh, hoàn cảnh riêng trước khi lấy chồng cũng chẳng thuận lợi gì. Gia cảnh khó khăn, chị và những người khác trong gia đình đều chấp nhận cảnh sống lây lất theo kiểu làm được ngày nào ăn ngày nấy. Lấy chồng rồi, chị cũng chẳng sung sướng gì hơn, vẫn lam lũ kiếm sống bằng nghề làm mướn, phụ chồng lo kinh tế gia đình. 3 năm nay, kể từ khi mẹ chị Tốt phải nằm một chỗ do tuổi cao sức yếu và bệnh tật, không còn đủ sức để đi nhặt ve chai, bọc mủ nữa, chị phải nghỉ ở nhà vừa chăm mẹ, chăm cháu ngoại, vừa làm công việc nhà. Kinh tế gia đình hầu như chỉ phụ thuộc vào một mình anh Then. Vợ chồng anh cũng có với nhau 3 mặt con, nay tất cả đều đã lớn, có gia đình riêng và đều lăn lộn kiếm sống với nghề làm thuê, làm mướn nên chẳng giúp được mấy cho cha mẹ. Qua bao năm dài, vợ chồng anh Then vẫn không đủ khả năng để xây dựng nhà cửa; may nhờ địa phương xây tặng cho một căn nhà tình thương cách đây đã hơn 4 năm. Căn nhà trông còn khá mới nhưng bên trong trống huơ trống hoác, không có bàn ghế gì, ngoại trừ chiếc bàn thờ.

Thấm thoát đã gần 30 năm anh Then theo đuổi cái nghề “leo cây gòn” đầy cực nhọc mà anh hiện vẫn đang làm. Trả lời câu hỏi của tôi: sao không tìm cái nghề nào khác cho đỡ vất vả hơn, anh Then cười, vẻ an phận: “Quen rồi anh à! Không có vốn liếng nên không làm nghề gì khác được. Không có chữ nghĩa, làm gì cũng ngại lắm. Vả lại, nghề này mình làm chủ mình, không phải chịu sự quản lý của ai, khoẻ làm, mệt nghỉ, lại không lo mất vốn, làm đủ sống là được rồi”. Tuy anh nói là “được”, là “đủ sống” nhưng tôi biết đó chỉ là cách tự an ủi, tự động viên mình của một người đàn ông chất phác, cần cù luôn biết nỗ lực lao động để vươn lên vượt qua cảnh ngộ. Cuộc sống của gia đình anh vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn lắm, bằng chứng là vợ anh- chị Tốt vẫn đang ao ước có một cái radio hay cái máy cassette “cũ thôi cũng được” để chị nghe đài FM, đài Tây Ninh, vậy là thoả mãn rồi!

Tôi chia tay vợ chồng anh Then, chị Tốt, thầm xót xa cho cái ước mơ quá đơn sơ, nhỏ nhoi của người phụ nữ nghèo và tự hẹn với lòng mình- nhất định phải tìm cách giúp cho chị được toại nguyện.

NGHIÊM KHÁNH