Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tính đến ngày 8.8.2019, toàn tỉnh phát hiện 438 ha bắp bị nhiễm sâu keo mùa thu. Trong đó, nhiễm nhẹ 346 ha, trung bình 92 ha, phân bố tại 8 xã thuộc 3 huyện, Dương Minh Châu; Gò Dầu và Tân Châu.
Sâu keo mùa thu gây hại trên cây bắp.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV), trên toàn tỉnh, diện tích bắp còn trên đồng khoảng 676 ha, phân bố tại 6/9 huyện, phần lớn là diện tích bắp trồng xen trong cao su, hợp đồng cung cấp cho Trang trại bò sữa Tây Ninh (Vinamilk). Trong đó, vụ Hè Thu xuống giống 910 ha, còn trên đồng 257 ha; vụ Mùa 2019 đã xuống giống 419 ha, đạt 31% so với kế hoạch vụ (1.350 ha).
Tính đến ngày 8.8.2019, toàn tỉnh phát hiện 438 ha bắp bị nhiễm sâu keo mùa thu. Trong đó, nhiễm nhẹ 346 ha, trung bình 92 ha, phân bố tại 8 xã thuộc 3 huyện, Dương Minh Châu; Gò Dầu và Tân Châu. Qua điều tra sơ bộ, diện tích nhiễm sau khi phun thuốc hoá học cho thấy mật số sâu keo đã giảm khoảng 70%, mức độ nhiễm chủ yếu ở mức nhẹ.
Xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu có diện tích nhiễm sâu keo mùa thu khoảng 217 ha, trên cây bắp có thời gian xuống giống từ 15-60 ngày. Theo UBND xã, tình hình sâu keo mùa thu gây hại ở mức độ nhẹ. Sau khi phát hiện sâu hại, lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV cùng ngành chức năng huyện đã đến địa phương hướng dẫn cho nông dân cách nhận biết sâu keo và các biện pháp phòng trừ.
Qua thống kê của ngành chức năng, diện tích bắp còn trên đồng của huyện Dương Minh Châu khoảng 394 ha, chủ yếu ở giai đoạn từ khi xuống giống đến 30 ngày sau trồng (185 ha), từ 30-60 ngày sau trồng (209 ha). Trạm Trồng trọt và BVTV Dương Minh Châu cho biết, đến nay, trên địa bàn huyện có 267 ha bị nhiễm sâu keo mùa thu. Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ 232 ha, nhiễm trung bình 35 ha. Trạm đã hướng dẫn nông dân phòng trừ cho số diện tích bị nhiễm này. Qua kiểm tra, theo dõi, hiệu quả phòng trừ đạt trên 90% đối với cây bắp từ 15-30 ngày sau trồng; từ 70%-80% đối với cây bắp trên 30 ngày sau trồng.
Từ ngày 30.7 đến 5.8, trên địa bàn huyện chưa phát hiện thêm diện tích nhiễm sâu keo. Thời gian tới, Trạm Trồng trọt và BVTV và UBND các xã tiếp tục theo dõi diễn biến phát sinh của đối tượng sâu keo mùa thu trên cây bắp và các cây trồng khác nhằm phát hiện sớm để có các biện pháp phòng trừ kịp thời.
Anh Ngô Thanh Trung, nông dân ở ấp Bến Rộng (xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu) cho biết, gia đình anh thuê đất nông trường để trồng bắp (xen cây cao su) với diện tích khoảng 70 ha. Đến 20 ngày sau khi xuống giống thì phát hiện toàn bộ diện tích bị nhiễm sâu keo mùa thu. Sau khi phun thuốc phòng trừ, đến nay, tình trạng sinh trưởng của cây bắp đã ổn định, mức độ sâu hại đã giảm.
Ông Trương Anh Dũng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Đức cho biết, sau khi phát hiện sâu keo mùa thu gây hại trên địa bàn, ngành chức năng huyện và xã đã vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ, hiện nay, địa phương và nông dân vẫn liên tục theo dõi tình hình sâu bệnh để áp dụng kịp thời các biện pháp phòng trừ nhằm bảo đảm hiệu quả cao nhất.
Ông Trần Văn Re- Trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV Gò Dầu cho biết, trên địa bàn huyện có 149 ha bắp nhiễm sâu keo mùa thu ở xã Thạnh Đức. Trong đó có 57 ha nhiễm nhẹ, 92 ha nhiễm trung bình. Do phát hiện sớm nên sau khi phun thuốc phòng trừ, mật độ đã sâu giảm. Qua kiểm tra, sau 3-5 ngày phun thuốc, hiệu quả phòng trừ đạt khoảng 80%-90%.
Thời gian tới, Trạm tiếp tục triển khai cho mạng lưới cộng tác viên trên địa bàn, gửi thông báo cho UBND các xã để phổ biến, tuyên truyền một số nội dung như: đối với diện tích bắp đã thu hoạch, nông dân cần vệ sinh đồng ruộng kỹ. Trong công tác phòng trừ cho bắp vụ Mùa sắp tới, ông Re đề nghị các địa phương rà soát lại diện tích bắp mới xuống giống từ 5-10 ngày, phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra có sâu keo mùa thu phá hoại hay không, không lơ là để sâu keo mùa thu bùng phát.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, những diện tích nhiễm sâu hại đã được nông dân tập trung phòng trừ bằng thuốc hoá học, hiệu quả kiểm tra sau khi phun 7 ngày ước đạt 70%-90% tuỳ theo giai đoạn cây bắp. Tính đến ngày 8.8.2019, sâu keo mùa thu mới xuất hiện trên cây bắp, chưa ghi nhận xuất hiện trên cây mía.
TRÚC LY