Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Gần 70 năm thù địch Mỹ - Iran
Thứ năm: 17:49 ngày 09/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đối với nhiều người Iran, "tội lỗi" đầu tiên của Mỹ là cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohammad Mossadegh năm 1953.

Mossadegh đã đưa ra một số cải cách và được nhiều người dân Iran tín nhiệm. Tuy nhiên, việc ông quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ Iran năm 1951 là một bước đi quá xa đối với người Anh, bên kiểm soát dầu của Iran trong nhiều năm qua Công ty Dầu mỏ Anglo-Iranian (ngày nay là British Petroleum).

Tổng thống Trump (phải) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: TNS.

Tình báo Mỹ và Anh kết hợp kích động cuộc đảo chính năm 1953 và sau đó dựng lên chính quyền thân Mỹ do Vua Mohammad Reza Pahlavi đứng đầu. Mossadegh bị quản thúc tại gia trong suốt phần đời còn lại.

Năm 1979, hàng triệu người Iran đứng lên chống lại Vua Mohammad Reza Pahlavi, người bị coi là tham nhũng và độc tài, trong Cách mạng Hồi giáo Iran. Vua Pahlavi bị phế truất tháng 2/1979.

Lãnh đạo Hồi giáo giáo Ayatollah Ruhollah Khomeini, người sống lưu vong trong khi chỉ đạo các cuộc biểu tình chống lại Vua Pahlavi, trở lại Iran tháng 2/1979. Sau một cuộc trưng cầu dân ý, Cộng hòa Hồi giáo Iran được thành lập ngày 1/4/1979, đánh dấu sự chuyển mình từ quốc gia quân chủ bù nhìn thân phương Tây sang quốc gia thần quyền (lãnh đạo được cho là có kết nối trực tiếp với thần thánh của nền văn hóa) chống phương Tây.

Phản đối Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cho phép Vua Pahlavi đến Mỹ chữa bệnh, sinh viên Iran tháng 11/1979 xông vào chiếm đại sứ quán Mỹ tại Tehran, giữ 52 con tin trong 444 ngày (ban đầu Iran giữ 66 con tin nhưng thả dần một số người sau đó).

Các con tin được trả tự do vào 20/1/1981, cùng ngày Tổng thống Ronald Reagan nhậm chức. Khủng hoảng con tin được coi là lý do hàng đầu khiến Carter không đắc cử nhiệm kỳ hai và cũng là lý do Mỹ - Iran cắt đứt quan hệ ngoại giao năm 1980.

Sinh viên Iran xông vào đại sứ quán Mỹ tại Tehran tháng 11/1979. Ảnh: AFP.

Năm 1980 - 1988, Mỹ hỗ trợ lãnh đạo Iraq Saddam Hussein trong cuộc chiến chống Iran. Các tài liệu CIA giải mật vào năm 2013 cho thấy tình báo Mỹ đã cung cấp vị trí của quân Iran cho Iraq.

Năm 1983, một kẻ đánh bom tự sát tấn công doanh trại thủy quân lục chiến Mỹ tại Beirut, Lebanon, giết 241 quân nhân Mỹ. Washington cáo buộc Hezbollah, nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Shiite do Iran hậu thuẫn, thực hiện.

Năm 1988, tàu chiến Mỹ USS Vincennes bắn hạ máy bay chở khách Iran Air Flight 655, khiến toàn bộ 290 người thiệt mạng. Vụ tấn công xảy ra khi các tàu Mỹ và Iran chạm trán ở vịnh Ba Tư. Chính phủ Mỹ tuyên bố đây là tai nạn trong khi chính quyền Iran cho rằng đây là hành vi có chủ đích.

Quan hệ song phương tiếp tục xấu đi khi Tổng thống George W. Bush gọi Iran là một phần của "trục ma quỷ", cùng với Iraq và Triều Tiên trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang năm 2002. Ông cho rằng những nước này đe dọa hòa bình thế giới bằng cách theo đuổi vũ khí hủy diệt hàng loạt, cung cấp vũ khí cho khủng bố.

Trong khi đó, Tổng thống Iran cánh hữu Mahmoud Ahmadinejad, người đắc cử năm 2005, khiến Washington lo ngại khi tuyên bố Israel, đồng minh chủ chốt của Mỹ, phải bị "xóa sổ khỏi bản đồ".

Năm 2002, một nhóm đối lập Iran tiết lộ Iran phát triển các cơ sở hạt nhân bao gồm nhà máy làm giàu uranium. Mỹ cáo buộc Iran bí mật theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân nhưng Iran bác bỏ.

Mỹ và các nước thực hiện những nỗ lực ngoại giao với Iran để yêu cầu họ từ bỏ hạt nhân nhưng không đạt được thành công. Liên Hợp Quốc, Mỹ và EU ra nhiều vòng trừng phạt nặng nề đối với chính quyền Mahmoud Ahmadinejad khiến kinh tế Iran tổn thất nặng nề, tiền tệ Iran mất 2/3 giá trong hai năm.

Tháng 9/2013, một tháng sau khi Tổng thống Iran theo chủ trương ôn hòa Hassan Rouhani nhậm chức, ông và Tổng thống Mỹ Barack Obama điện đàm, đánh dấu cuộc trò chuyện đầu tiên giữa lãnh đạo đứng đầu hai nước trong hơn 30 năm.

Năm 2015, sau một loạt hoạt động ngoại giao, Iran và các cường quốc Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức đạt được thỏa thuận hạt nhân. Iran đồng ý hạn chế các hoạt động hạt nhân và cho phép thanh sát viên quốc tế đến kiểm tra, đổi lại, họ được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.

Tuy nhiên, quan hệ song phương lại xấu đi kể từ khi ông Trump lên nắm quyền. Ông Trump ngày 8/5/2018 đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015, đánh giá đây là "thỏa thuận tệ nhất mọi thời đại". Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt, khiến kinh tế Iran rơi vào suy thoái.

Giới chuyên gia cho rằng Trump luôn coi Iran là "cái gai trong mắt". Ông không chỉ muốn kiềm chế sức mạnh của Iran mà còn muốn cắt giảm sự hiện diện của họ ở Trung Đông, phong tỏa ảnh hưởng của họ bên ngoài biên giới, tước bỏ những vũ khí chiến lược của Tehran và thậm chí còn ám chỉ tới việc thay đổi chế độ ở quốc gia này.

Tháng 5/2019, Mỹ thắt chặt các lệnh trừng phạt nhắm vào xuất khẩu dầu của Iran. Iran sau đó bắt đầu chiến dịch chống lại áp lực. Trong hai tháng sau, 6 tàu dầu bị phá hoại ở vịnh Oman. Mỹ cáo buộc Iran đứng sau các cuộc tấn công.

Ngày 20/6, Iran bắn hạ một máy bay không người lái Mỹ trên eo biển Hormuz. Mỹ nói rằng máy bay hoạt động trên vùng biển quốc tế trong khi Iran cho rằng nó đã vào không phận của mình. Iran bắt đầu từ bỏ các cam kết chính trong thỏa thuận hạt nhân từ tháng 7/2019.

Giới phân tích đánh giá Iran tiến hành các động thái cứng rắn nhằm thể hiện họ đã hết kiên nhẫn. Họ muốn đẩy căng thẳng trong khu vực lên cao, khiến các nước khác lo lắng và phải can thiệp để kiềm chế Mỹ. Mục tiêu của Tehran là buộc Washington chấm dứt chiến dịch gây áp lực tối đa và trở lại với thỏa thuận hạt nhân.

Cuối tháng 12/2019, một cuộc tấn công rocket khiến một nhà thầu Mỹ thiệt mạng tại căn cứ ở Kirkuk, đông bắc Iraq. Mỹ cáo buộc Kataeb Hezbollah, dân quân Iraq được Iran hậu thuẫn, đứng sau vụ này và trả đũa bằng cuộc không kích giết hàng chục chiến binh. Những người ủng hộ dân quân Iraq sau đó biểu tình tại sứ quán Mỹ ở Baghdad ngày 31/12/2019 và 1/1/2020, khiến Mỹ phải điều thêm khoảng 100 lính thủy đánh bộ đến bảo vệ sứ quán.

Ông Trump cáo buộc Iran xúi giục biểu tình tại sứ quán và đe dọa Tehran sẽ phải "trả giá lớn" trong dòng tweet ngày 31/12. Ngày 3/1, Mỹ không kích hạ sát tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), bên ngoài sân bay Baghdad. Washington nói rằng họ tấn công để ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm tàng nhằm vào Mỹ trong khi Iran gọi đây là "hành vi khủng bố quốc tế" và thề sẽ trả thù.

IRGC ngày 8/1 phóng 22 tên lửa vào các căn cứ của lực lượng Mỹ và liên quân tại Iraq. Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei nói rằng vụ tập kích là "cái tát vào mặt" Mỹ, đồng thời tuyên bố Tehran xem Washington là kẻ thù. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif khẳng định Tehran đã "hoàn thành" trả đũa và "không tìm kiếm sự leo thang hay chiến tranh, nhưng sẽ tự bảo vệ mình trước mọi cuộc xâm lược".

Ngày 8/1, ông Trump cho biết đòn tập kích tên lửa của Iran không gây thiệt hại đáng kể và Washington sẵn sàng tìm kiếm hòa bình với Tehran. Ông cho biết Mỹ sẽ áp các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung đối với Iran.

Phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Iran được coi là dấu hiệu xuống thang căng thẳng. "Trump không muốn một cuộc chiến không hồi kết", Thượng nghị sĩ Rand Paul viết trên Twitter. "Tôi hy vọng tình hình sẽ tiếp tục xuống thang và có thêm các nỗ lực ngoại giao.

Nguồn VNE

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục