Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Gặp gỡ lãnh đạo UBND tỉnh: Cán bộ, giáo viên nêu nhiều ý kiến về chế ðộ chính sách, chuyên môn
Thứ sáu: 07:54 ngày 22/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 20.9, tại Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong cùng lãnh đạo sở, ban, ngành liên quan có buổi gặp gỡ với giáo viên, cán bộ quản lý ngành.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong phát biểu chỉ đạo.

Nhiều ý kiến tại cuộc gặp đề nghị cải thiện chế độ chính sách đối với giáo viên; xem xét chỉ áp dụng một bộ sách giáo khoa; giữ nguyên mức học phí đối với học sinh; đào tạo giáo viên tại chỗ…

Kiến nghị không tăng học phí

Bà Dương Ngọc Yến, công tác tại Trường mầm non Trưng Vương (huyện Châu Thành) nhìn nhận, giáo viên mầm non đang chịu nhiều thiệt thòi, áp lực công việc nhưng chế độ chính sách không hợp lý, trong đó có việc chuyển hạng, xếp hạng giáo viên theo chức danh nghề nghiệp.

Trả lời thắc mắc này, ông Trần Hoà Hiệp- Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT thông tin, chế độ phụ cấp đứng lớp của giáo viên nói chung, giáo viên mầm non nói riêng sẽ tăng cao so với hiện tại, nhưng vẫn đang chờ bộ, ngành Trung ương quyết định.

Ông Hiệp cũng phân tích vì sao việc chuyển hạng của giáo viên mầm non chênh lệch so với giáo viên tiểu học, “có nhiều lý do nhưng cơ bản hai nhóm đối tượng này khác nhau về điều kiện tiêu chuẩn, thời gian giữ hạng của giáo viên”.

Đại diện Trường THPT Dương Minh Châu kiến nghị lãnh đạo tỉnh giữ nguyên mức học phí theo Nghị định 86, không tăng hoặc nếu tăng theo Nghị định 81, chỉ nên tăng nhẹ, vì học phí theo quy định mới quá cao. Bà Nguyễn Thị Thu Diệu- Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Ẩn (huyện Bến Cầu) nêu ý kiến, cấp học này đang gặp nhiều khó khăn khi dạy hai môn tích hợp gồm Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Đại diện Trường mầm non Thái Bình (huyện Châu Thành) kiến nghị trang bị thiết bị dạy học để bảo đảm hoạt động chuyên môn, trong đó có việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Tương tự, giáo viên, cán bộ quản lý Trường tiểu học Thành Phú Khương (thị xã Trảng Bàng) mong muốn được đầu tư thiết bị, xây phòng chức năng để triển khai hoạt động dạy học thuận lợi hơn, theo tinh thần Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Giáo viên, cán bộ quản lý phát biểu ý kiến.

Lãnh đạo Trường tiểu học thị trấn Gò Dầu (huyện Gò Dầu) tâm tư: Làm thế nào để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên trong khi giáo viên mới ra trường thu nhập rất thấp? Một ý kiến đến từ Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Hoà Thành) phản ánh chuyện xếp tổ hợp môn học đối với học sinh ở cấp học này.

Sau một thời gian, nhiều học sinh thấy không phù hợp với tổ hợp môn học đã chọn, muốn chuyển trường, chuyển lớp nhưng khá phức tạp, làm thế nào để khắc phục? Cũng ở cấp THPT, một ý kiến của Trường THPT Quang Trung (huyện Gò Dầu) kiến nghị chỉ sử dụng một bộ sách giáo khoa, không sử dụng nhiều bộ sách như hiện nay, điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong chuyên môn, kể cả việc phụ huynh mua sách giáo khoa.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện Dương Minh Châu nêu tình trạng thiếu giáo viên (nghỉ việc, nghỉ hưu, bỏ việc, nghỉ hậu sản, bệnh tật) khiến bậc học mầm non, tiểu học khó bố trí giáo viên. Địa phương này phải hợp đồng thỉnh giảng giáo viên nhưng chế độ thanh toán cho mỗi tiết dạy, buổi dạy của giáo viên quá thấp, họ không muốn dạy.

Cũng tại huyện Dương Minh Châu, đại diện Trường THCS Truông Mít, sau khi nêu những vấn đề của ngành, kiến nghị lãnh đạo tỉnh xem xét, hướng dẫn việc cho căn-tin hoạt động trong nhà trường, không nhất thiết phải làm hồ sơ, chuẩn bị cơ sở vật chất để đấu thầu như quy định hiện hành. Căn-tin trong nhà trường hiện nay thường ưu tiên cho nhân viên bảo vệ, chồng bảo vệ, vợ bán căn-tin để cải thiện thu nhập, “nếu không, chẳng có ai muốn làm bảo vệ trong nhà trường, vì thu nhập thấp”.

Ông Nguyễn Văn Hùng- Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ đề nghị bố trí thêm cho trường một phó hiệu trưởng, vì sau khi sáp nhập, quy mô trường rất lớn, 48 lớp, gần 2.000 học sinh. Cơ sở một và cơ sở hai của trường cách nhau chừng ba cây số, sau khi dạy xong tiết một, giáo viên chỉ có 5 phút để di chuyển đến cơ sở 2 dạy tiết hai, “điều này tiềm ẩn rủi ro về giao thông”. Để khắc phục, ông Hùng kiến nghị xây thêm phòng học tại cơ sở 1 để dồn toàn bộ học sinh về dạy tại một địa điểm.

Lãnh đạo Phòng GD&ĐT thị xã Hoà Thành kiến nghị xem xét điều chỉnh, sửa đổi quy định tuyển dụng giáo viên, vì quy định hiện tuyển dụng theo vị trí việc làm như hiện nay không thật sự hợp lý. Cụ thể, khi đăng ký dự tuyển, thí sinh thường tập trung đăng ký vào dạy ở những trường trung tâm, khu vực đô thị, nếu trúng tuyển.

Trường chỉ tuyển một chỉ tiêu nhưng có ba ứng viên tham gia dự tuyển, theo quy định, chỉ người có điểm số cao nhất trúng tuyển, hai người còn lại bị loại và cũng không thể nộp đơn ứng tuyển vào trường khác, trong khi trường khác lại đang cần giáo viên. Như vậy, nên chăng quay về cách tuyển dụng “một cục” như trước đây, có nghĩa, sau khi trúng tuyển, Phòng GD&ĐT căn cứ vào nhu cầu giáo viên của mỗi trường để phân bổ, điều động.

Tại buổi gặp gỡ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong đề nghị giáo viên hiến kế “làm thế nào để thu hút và giữ chân giáo viên, đặc biệt giáo viên bậc học mầm non”? Trả lời câu hỏi của lãnh đạo UBND tỉnh, một giáo viên mầm non ở Tân Biên cho rằng, cần tuyên truyền mạnh hơn, hướng nghiệp tốt hơn để học sinh phổ thông thi vào ngành Sư phạm; đồng thời kiến nghị xem xét mở các lớp sư phạm mầm non tại mỗi địa phương, tăng thu nhập cho lực lượng lao động này.

Tuyển dụng hết biên chế được giao

Sau khi đại diện sở, ban, ngành, phòng chuyên môn lần lượt trả lời những vấn đề nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong đề nghị lãnh đạo ngành GD&ĐT, cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục triển khai thực hiện tốt một số vấn đề như sau:

Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ năm học 2023-2024 theo đúng nội dung Quyết định số 2457/QĐ-BGDĐT ngày 23.8.2023 của Bộ GD&ĐT về việc ban hành kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023-2024 của ngành Giáo dục.

Tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025”; bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non; tăng cường quản lý, hỗ trợ nâng cao chất lượng nhóm, lớp độc lập tư thục. Củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, khuyến khích các địa phương có điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo.

Triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong đó, triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 cấp tiểu học; lớp 6, lớp 7, lớp 8 cấp trung học cơ sở; lớp 10 và lớp 11 cấp trung học phổ thông. Tiếp tục thực hiện nội dung dạy học lớp 5, lớp 9, lớp 12 Chương trình giáo dục phổ thông 2006 theo hướng tinh giản, phù hợp và tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tăng cường hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Phân tích, đánh giá, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu kết quả thi tốt nghiệp THPT để phục vụ công tác quản lý chuyên môn và ban hành chính sách dạy và học ở cấp THPT ở các địa phương, cơ sở giáo dục.

Nâng cao chất lượng, chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao, ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu.

Sắp xếp, điều tiết giáo viên giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, bố trí đủ giáo viên dạy học các môn ngoại ngữ và Tin học để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nghiên cứu đề xuất giải pháp thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tập trung thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục; kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 và việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Việt Đông - Hoàng Yến

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục