Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Gặp gỡ những “cột mốc sống” ở vùng biên giới Long Phước
Thứ hai: 14:55 ngày 11/12/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các nông dân này vừa canh tác nông nghiệp dọc theo đường biên, vừa tích cực phối hợp với lực lượng Biên phòng và chính quyền địa phương giữ gìn bình yên biên giới.

Những năm qua, nhiều nông dân tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu được ví như những “cột mốc sống” ở biên cương. Các nông dân này vừa canh tác nông nghiệp dọc theo đường biên, vừa tích cực phối hợp với lực lượng Biên phòng và chính quyền địa phương giữ gìn bình yên biên giới.

Thiếu tá Dương Mạnh Hùng đến thăm và trò chuyện với ông Hà Văn Toản.

Mỗi người dân là một “cột mốc sống”

Trong những năm qua, Đồn Biên phòng Long Phước (xã Long Phước, huyện Bến Cầu) thực hiện tốt Chỉ thị số 01 ngày 9.1.2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tổ chức phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Bên cạnh đó, Đồn còn tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Biên phòng Việt Nam 2020 và các văn bản quy định chi tiết; Nghị quyết số 33 ngày 28.9.2018 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia... Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và nhân dân. Đồng thời, giúp người dân vùng biên nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc cùng chung tay bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ bình yên cuộc sống của người dân nơi đây, để bà con cùng an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Vừa qua, phóng viên Báo Tây Ninh có dịp cùng đi với cán bộ Đồn Biên phòng Long Phước đến thăm một số gia đình đang sinh sống và canh tác nông nghiệp tại khu vực gần đường biên giới quốc gia. Chúng tôi đến thăm gia đình ông Hà Văn Toản, ngụ ấp Phước Trung, xã Long Phước. Gia đình ông Toản có 0,7 ha đất nông nghiệp gần đường biên giới. Ông vừa thu hoạch xong vụ lúa Hè Thu, đất ruộng đang được cày ải và chuẩn bị xuống giống cây trồng cho vụ tiếp theo. Để thuận tiện trong việc đồng áng, đồng thời làm "tai mắt" cho Bộ đội Biên phòng giữ gìn biên giới, vợ chồng ông Toản cất hẳn một căn nhà nhỏ ngay trên đất của mình, sinh hoạt hằng ngày của gia đình đều diễn ra tại đây.

Ông Toản trồng cây ăn trái, rau xanh, dựng chuồng nuôi gia súc, gia cầm, kéo điện thắp sáng, lập rào giữ đất, mọi thứ như khẳng định quyết tâm tạo lập cuộc ổn định và lâu dài. Ông Toản kể, vợ chồng ông đều là dân tộc Thái, nguyên quán tỉnh Thanh Hoá. Hơn 20 năm trước, di dân tự do vào tỉnh Tây Ninh để lập nghiệp. Lúc mới vào đây, gia đình ông kiếm sống bằng nghề làm thuê, làm mướn. Qua một thời gian, tích luỹ được một khoản tiền và sang nhượng lại phần đất nêu trên.

Ông Toản cho hay, từ khi được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Phước tuyên truyền, giải thích những quy định về chủ quyền và an ninh biên giới, vợ chồng ông ý thức được đây không chỉ là nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, mà còn là sự chung sức của mỗi người dân vùng biên. Theo ông Toản, có giữ vững được chủ quyền lãnh thổ, an ninh trật tự vùng biên thì bà con mới an tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất mình bám trụ. “Trong quá trình canh tác nông nghiệp và sinh sống ở đây, vợ chồng tôi luôn tích cực tham gia cùng Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương trong việc giám sát các hoạt động bất thường tại khu vực biên giới, kịp thời báo tin để lực lượng chức năng có hướng xử lý”- ông Toản chia sẻ.

Ông Hà Văn Nọng- dân tộc Thái- từ tỉnh Thanh Hoá vào tỉnh Tây Ninh lập nghiệp. Ông Nọng có 2 ha đất nông nghiệp tại ấp Phước Trung, xã Long Phước. Diện tích đất của gia đình ông Nọng cách đường biên giới không xa, ông vừa thu hoạch vụ lúa. Khi chúng tôi đến thăm, ông Nọng đang chăm sóc vườn ươm cây ớt giống, ông cho hay sắp tới sẽ trồng ớt trên diện tích đất lúa vừa thu hoạch.

Thiếu tá Vũ Văn Xuân- Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Long Phước đang thăm hỏi anh Nguyễn Văn Được tại vườn cây đu đủ.

Ông Nọng nhớ lại, gia đình ông vào tỉnh Tây Ninh lập nghiệp từ năm 1993. Những năm đầu mới vào Nam, gia đình ở xã Tiên Thuận (huyện Bến Cầu), sau đó mới di dời về ấp Phước Trung, xã Long Phước để khai khẩn diện tích đất hiện đang canh tác. Ông Nọng vẫn không quên những ngày tháng khó khăn khi mới về đây khẩn đất làm nông. Thời điểm đó, vùng này đường giao thông là đường đất nhỏ hẹp, nước đọng, sình lầy, cây cối hoang sơ, dân cư thưa thớt, chốt biên phòng ở xa.

Lúc đó thường có nhiều người dân Campuchia qua lại biên giới bằng đường mòn. Dù điều kiện khó khăn nhưng gia đình ông Nọng quyết tâm bám trụ giữ đất, tăng gia sản xuất, cuộc sống ổn cho đến nay. Ông Nọng là bộ đội xuất ngũ nên hiểu rõ việc giữ gìn biên giới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và người dân, Biên phòng là lực lượng chuyên trách.

“Gia đình tôi tiếp thu và thực hiện tốt các nội dung tuyên truyền của đồn biên phòng và chính quyền địa phương, thường xuyên báo tin có ích cho việc giữ gìn an ninh trật tự biên giới. Tôi coi bộ đội Biên phòng như người thân trong gia đình, luôn quan tâm tình hình biên giới để cùng chung tay với lực lượng Biên phòng bảo vệ biên cương, đồng thời vận động bà con trong khu vực cùng hưởng ứng”- ông Nọng cho biết.

Anh Nguyễn Văn Được, có đất nông nghiệp tại khu vực biên giới, địa bàn ấp Phước Trung, xã Long Phước. Nhìn vườn cây đu đủ trĩu quả trên đất của anh, chúng tôi hiểu được người nông dân này đang quyết tâm lao động, bám giữ đất vùng biên để chăm lo sản xuất, tạo lập cuộc sống ổn định. Anh Được cho hay, sau khi được các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Phước thường xuyên tuyên truyền, giải thích các quy định về chủ quyền an ninh biên giới, về sự cần thiết trong việc toàn dân phối hợp với Biên phòng và chính quyền địa phương bảo vệ biên giới, anh Được luôn đề cao cảnh giác, phát hiện đối tượng lạ mặt, có hành vi khả nghi thì báo ngay cho lực lượng chức năng.

Ông Hà Văn Nọng kể lại quá trình vào Tây Ninh lập nghiệp và bám đất ở biên cương.

Tuyên truyền giữ vững biên cương

Để phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh cụ thể hoá chủ trương xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới bằng nhiều chỉ thị, nghị quyết, đề án, kế hoạch... Theo đó, công tác tuyên truyền được đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh bằng nhiều hình thức để người dân dễ dàng tiếp cận, chú trọng triển khai thực hiện các phong trào "Quần chúng tự quản đường biên, mốc giới”, “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Thiếu tá Dương Mạnh Hùng- Chính trị viên Đồn Biên phòng Long Phước cho biết, Đồn Biên phòng Long Phước có trách nhiệm quản lý, bảo vệ đường biên giới dài 14km với 6 mốc chính, 25 mốc phụ, 3 cọc dấu. Địa bàn nội biên gồm xã Long Phước và Long Khánh; ngoại biên tiếp giáp xã Tà Y, Lorum huyện Svay Theab, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia. Hiện nay, công tác phân giới cắm mốc trên địa bàn này đã hoàn tất, ổn định.

Ông Hùng cho biết thêm, thực hiện kế hoạch của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, Cấp uỷ, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Long Phước xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền cho người dân trên địa bàn 2 xã Long Khánh, Long Phước về Luật Biên phòng Việt Nam 2020 cũng như các văn bản liên quan; tuyên truyền Chỉ thị số 01 ngày 9.1.2015 của Thủ tướng Chính phủ... Qua công tác tuyên truyền, người dân ngày càng nâng cao nhận thức trong việc tự giác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia, chủ động phối hợp lực lượng chức năng trong việc cung cấp thông tin liên quan đến tình hình tại khu vực biên giới, nhờ đó không để những vụ việc phức tạp xảy ra.

Ông Nguyễn Thanh Bình- Phó Chủ tịch UBND xã Long Phước cho hay, UBND xã thường xuyên trao đổi với Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Long Phước trong công tác phối hợp bảo vệ biên giới. Đồng thời, UBND xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tuyên truyền cho người dân tích cực tham gia cùng lực lượng Biên phòng trong công tác tuần tra, giám sát, bảo vệ cột mốc, đường biên, bảo đảm tình hình an ninh biên giới. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 10 hộ dân có đất canh tác cặp biên giới. Những hộ dân này đều đăng ký bảo vệ cột mốc, đường biên, đồng thời phối hợp tốt với các tổ công tác địa bàn thực hiện phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đại Dương - Quốc Sơn

Tin cùng chuyên mục