BAOTAYNINH.VN trên Google News

Gặp gỡ những cụ già trên 100 tuổi ở huyện Tân Biên

Cập nhật ngày: 09/05/2009 - 08:02

Sống lâu, sống khoẻ, sống có ích luôn là mục tiêu phấn đấu của mọi người. Hiện nay, ở huyện Tân Biên có hai cụ già đã sống trên 100 tuổi. Mặc dù sức khoẻ đã giảm sút, nhưng cả hai cụ đều còn minh mẫn và lạc quan yêu đời.

Đến thăm bà Lưu Thị Cận, ở khu phố 1, thị trấn Tân Biên. Khi chúng tôi đến, bà đang ngồi uống trà, thi thoảng lại quay sang trông chừng đứa cháu. Bà hơi “nặng tai” một chút, nhưng khi nghe tôi hỏi thăm về cuộc sống, bà vẫn trả lời một cách rõ ràng. Bà cho biết: “Hiện nay chân tay hơi yếu, nhưng mỗi bữa, tôi vẫn ăn được 2 chén cơm. Hằng ngày, buổi sáng thức dậy vẫn múa may tay chân, tập thể dục tại nhà. Hiện tại, ngoài tay chân hơi run, trong người không có bệnh gì cả”.

Lúc nào cũng có con cháu quây quanh bà Cận

Bà Lê Thị Hảo, người con gái thứ tư của bà Cận cho biết thêm: Bà Cận sinh năm 1907 (tính đến nay đã được 102 tuổi), quê ở Hưng Yên, có chồng và 5 người con. Chồng qua đời lúc bà 36 tuổi, một mình bà nuôi con không lớn. Sau đó, 3 người con của bà cũng lần lượt qua đời vì chiến tranh, bệnh tật. Hiện bà còn hai người con gái với 16 đứa cháu ngoại và 20 đứa cháu cố. Khi tôi tìm hiểu về bí quyết sống lâu, bà Hảo cho rằng có thể do bà Cận chăm chỉ lao động và sống có nề nếp. Bà Hảo kể: “Hồi còn ở Hưng Yên, mỗi ngày mẹ tôi phải đi hơn 20 km để mua lúa về xay ra rồi lại gánh gạo, cám đi bán. Năm 1976, khi cả gia đình vào Tây Ninh sing sống, lúc nào mẹ tôi chăm chỉ làm ruộng, làm vườn. Bà chỉ mới thật sự nghỉ tay khoảng 7 – 8 tháng nay. Đặc biệt là bà ăn uống rất điều độ. Mỗi bữa ăn chỉ 2 chén, thức ăn để qua ngày là nhất định không ăn. Nước uống thì dùng các loại thuốc nam như lá đinh lăng, cam thảo đất v.v… phơi khô rồi nấu uống. Bữa sáng thức dậy rửa mặt, xúc miệng bằng nước ấm pha muối, rồi mới rửa lại bằng nước lạnh. Sau đó, bà uống 1 ly sữa bột ngũ cốc, ăn hủ tiếu hoặc bánh canh do gia đình nấu”. Ngoài ra bà Hảo còn cho biết thêm, trí nhớ của bà Cận còn tốt lắm, bà vẫn thường kể vanh vách những chuyện xảy ra cách nay đã mấy mươi năm. Bà rất thương con, thương cháu, khi có thức ăn ngon, bà đều gọi con, cháu đến cùng ăn.

Chia tay với bà Cận, tôi đến ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Bình thăm ông Nguyễn Văn Tiến. Ông sinh năm 1908 (năm nay đã được 101 tuổi). Tuy nhiên, theo lời vợ của ông là bà Lê Thị Trí, 86 tuổi, cho biết, trên giấy tờ là vậy, thực tế ông 104 tuổi. Hiện tại, ông Tiến sức khoẻ đã yếu, nhưng còn khá tỉnh táo. Đi đứng đều phải có người dìu, ăn uống phải có người đút. Mỗi bữa, ông chỉ ăn được khoảng nửa chén cơm, chủ yếu uống sữa ngũ cốc, hoặc ăn bột bình tinh, bột sắn. Khi tôi hỏi thăm về cách giữ gìn sức khoẻ, ông Tiến chậm rãi: “Hồi còn trai trẻ tôi có uống chút ít rượu, nhưng mấy mươi năm nay tôi bỏ hẳn. Còn thuốc lá thì không bao giờ hút. Mặc dù tôi không tập thể dục dưỡng sinh, nhưng trước đây tôi luôn lao động chân tay như làm ruộng, vác lúa nên có sức khoẻ”. Những năm gần đây, sức khoẻ đã yếu, ông mới ngưng lao động. Hiện nay vợ chồng ông sống nhờ vào tiền cho thuê hơn 1 ha đất ruộng và tiền lương bảo trợ xã hội, mỗi người 145.000 đồng/tháng. Vợ chồng ông có một người còn gái duy nhất, có 7 đứa cháu ngoại và 6 đứa cháu cố. Vợ chồng ông luôn được con, cháu và bà con trong xóm yêu thương, kính trọng. Trước khi tôi ra về, ông còn tỏ ra rất vui mừng khi nhắc đến kỷ niệm đẹp năm 2008, được Uỷ ban Mặt trật tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh, Hội người cao tuổi tỉnh tổ chức lễ mừng thọ 100 tuổi. Tại buổi lễ này được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi tặng hoa, giấy chúc mừng, tiền và 5 mét vải lụa.

Ông Tiến được tặng quà tại buổi lễ mừng thọ 100 tuổi

ĐẠI DƯƠNG