Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Gặp gỡ những tác giả đạt giải thưởng Xuân Hồng tỉnh Tây Ninh
Thứ năm: 05:12 ngày 25/08/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO)- Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) Xuân Hồng tỉnh Tây Ninh do UBND tỉnh tổ chức định kỳ 5 năm một lần, nhằm tôn vinh các hoạt động lao động sáng tạo trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật của giới văn nghệ sĩ trong tỉnh.

Năm nay, giải thưởng xuất hiện nhiều tác giả mới. Phóng viên báo Tây Ninh đã có cuộc gặp gỡ, trò chuyện về sự nghiệp sáng tác của một số tác giả đạt giải cao lần này.

Nhà văn Phước Hội: giải nhất thể loại văn xuôi trong bộ môn Văn học

Nhà văn Phước Hội trong chuyến đi thực tế ở tháp cổ Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng.

Nhà văn Phước Hội tên thật là Nguyễn Văn Sơn, hiện ngụ ấp Phước Hội, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu. Hiện nay, ông là hội viên của cả hai Phân hội Văn học và Phân hội Âm nhạc đều thuộc Hội Văn học nghệ thuật Tây Ninh.

Nhiều năm qua, ông được công chúng biết đến bởi những truyện ngắn thường được đăng trên Báo Tây Ninh và Tạp chí Văn nghệ Tây Ninh với bút danh Phước Hội. Ở cuộc thi sáng tác ca khúc Tây Ninh lần thứ VI năm 2014, ông khiến nhiều người biết đến khi đoạt giải Nhất với ca khúc "Chào thành phố yêu thương", bút danh Anh Thư.

Mặc dù tóc đã bạc trắng và ở vào tuổi nghỉ hưu, nhưng so với nhiều tên tuổi khác trong làng văn học tỉnh nhà, nhà văn Phước Hội thuộc diện... cây bút trẻ. Ông chỉ mới bắt đầu sáng tác văn chương khoảng tám năm nay. "Trước đây, tôi chỉ sáng tác nhạc, đến năm 2008, khi nghỉ công tác ở Sở Văn hóa, trở về địa phương và làm việc ở Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Dương Minh Châu, tôi gặp anh Khắc Luân (hiện là phóng viên Báo Tây Ninh-NV), ảnh rủ tôi viết. Từ đó, tôi bắt đầu thử sức mình ở lĩnh vực mới", nhà văn Phước Hội nhớ lại.

Tuy sự nghiệp cầm bút có phần muộn, nhưng bút lực của ông khá khỏe, trong thời gian ngắn ngủi tám năm qua, ông đã cho ra đời hàng chục tác phẩm có giá trị. Chỉ tính riêng tập truyện ngắn mang tên "Nợ rừng" của ông đã bao gồm 22 truyện, hầu hết các truyện đều viết về con người, quê hương Tây Ninh.

Tập truyện "Nợ rừng" này được ông gửi tham dự giải thưởng VHNT Xuân Hồng tỉnh Tây Ninh lần II và đã đạt giải Nhất ở bộ môn văn xuôi. "Tôi rất vui mừng và bất ngờ khi đạt được giải thưởng lần này", ông bộc bạch.

Ngoài tập truyện "Nợ rừng", từ năm 2015 đến nay, nhà văn trẻ này còn sáng tác nhiều truyện ngắn khác. Đa số những truyện này đã được đăng trên Báo Tây Ninh, Báo Văn nghệ trẻ và Tạp chí Văn nghệ Tây Ninh. Ông đã tập hợp những truyện này thành tập truyện ngắn với tựa đề "Nỗi nên phận người", và bản thảo của tập truyện này đã được gửi đến Hội VHNT tỉnh chờ thẩm định để xuất bản.

Chia sẻ về những đề tài và văn phong cá nhân, nhà văn Phước Hội nói: "Có những đề tài tôi phải ấp ủ một đến hai năm sau mới viết được. Cứ mỗi lần gặp sự kiện hay tư liệu liên quan, tôi ghi chép vào sổ tay, để đó. Khi nào đề tài thật sự "chín" tôi mới bắt tay vào viết". Hiện ông đã xin nghỉ hẳn công việc ở Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện để dành nhiều thời gian hơn cho niềm đam mê sáng tác âm nhạc và văn chương của mình.

Nhạc sĩ Lê Hữu Trịnh: giải Nhất bộ môn âm nhạc

Nhạc sĩ Lê Hữu Trịnh.

Ở giải thưởng VHNT Xuân Hồng tỉnh Tây Ninh lần này, với nhóm tác phẩm "Tua Hai - ngọn đuốc vĩnh cửu", "Rừng lịch sử Dương Minh Châu", "Lên núi Bà Đen", "Tây Ninh- hòa bình và phồn vinh", nhạc sĩ Lê Hữu Trịnh đạt giải Nhất bộ môn âm nhạc.

Sinh ra và lớn lên ở quê hương miền Trung đầy nắng gió và giàu truyền thống âm nhạc, từ khi còn là cậu học trò các lớp đệ lục, đệ thất, cậu bé Lê Hữu Trịnh đã được học đàn mandolin từ một cô giáo ở gần nhà. Lớn lên, anh học thêm các loại đàn guitar, piano và suốt những năm học phổ thông luôn là trưởng nhóm văn nghệ của trường.

Khi gia đình chuyển vào TP. Hồ Chí Minh rồi vào Tây Ninh sinh sống vào những năm 70, anh mới có điều kiện phát huy tài năng của mình. Anh Trịnh kể: "Lúc đó, tôi thi vào Đoàn ca múa nhạc của tỉnh và được đi học thêm về âm nhạc. Sau đó, do nhu cầu của Đoàn tôi bắt đầu phụ trạc việc hòa âm phối khí, sáng tác, cải biên những điệu ca lý Tây Ninh để phục vụ quần chúng".

Sau năm 1980, anh còn được học hỏi nhiều kiến thức âm nhạc ở nhiều tên tuổi lớn như nhạc sĩ Xuân Hồng, Phạm Minh Tuấn, Thế Bảo, Phạm Tuyên. Năm 1986, anh chuyển về Hội VHNT tỉnh phụ trách công tác biên tập âm nhạc. Bảy năm sau, anh giữ vai trò Chánh Văn phòng Hội VHNT, kiêm phụ trách Phân hội âm nhạc của Hội đến nay.

Tính đến nay, nhạc sĩ Lê Hữu Trịnh đã có gần 100 tác phẩm âm nhạc viết về các đề tài quê hương đất nước, con người Tây Ninh. Trong đó, tác phẩm "Qua phố Tây Ninh" được Nhà xuất bản Thanh Niên chọn là 1/64 ca khúc đại diện cho 64 tỉnh, thành trong cả nước. Ca khúc này được ca sĩ Huỳnh Lợi và một số ca sĩ ở Hà Nội hát, được Đài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu và được phát sóng trên các Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh, Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh. Ngoài ra, anh còn viết nhạc không lời cho phim hoạt hình, cho các vở tuồng cải lương.

Là một trong bảy hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam ở Tây Ninh, nhạc sĩ Lê Hữu Trịnh rất trăn trở khi thấy mặt bằng âm nhạc của Tây Ninh chưa được chuyên nghiệp. Theo nhạc sĩ, "Tây Ninh có nhiều tác phẩm hay, nhưng công tác tiếp thị, quảng bá chưa được đầu tư đúng mức, nên chưa được công chúng biết đến".

Với niềm đam mê âm nhạc, anh ấp ủ viết một trường ca về Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, để đền ơn đáp nghĩa các thế hệ cha, anh đã cống hiến, hy sinh cho đất nước được hòa bình, ấm no như ngày hôm nay. "Hiện tôi đang trong giai đoạn sưu tầm tài liệu, hình ảnh và hình thành ý tưởng để viết trường ca này", nhạc sĩ cho hay.

* Nhà thơ Trần Nhã My: Giải nhì thể loại thơ trong bộ môn Văn học

Nhà thơ Trần Nhã My được ông Dương Văn Phong- Giám đốc Sở VHTT-DL, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh tặng hoa chúc mừng nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIV.

Với tập thơ "Dỗi", nhà thơ Trần Nhã My đạt giải Nhì (không có giải nhất) thể loại thơ trong bộ môn Văn học tại giải thưởng VHNT Xuân Hồng tỉnh Tây Ninh lần thứ II. Năm 2012, tập thơ này đã từng đạt Giải Sáng tác trẻ do Trung ương Liên hiệp Hội VHNT Việt Nam tổ chức.

Tập thơ gồm 45 bài, được nữ thi sĩ sáng tác từ năm 2011 đến giữa năm 2012. Trong đó, ngoài thơ tình, có khoảng 1/3 số lượng bài viết về đề tài quê hương, đất nước, con người Tây Ninh với nhiều bài thơ hay, như "Tây Ninh quê em", "Buổi sớm Hoà Hiệp", "Vũ nữ hoá đá" v.v...

Ngoài tập thơ Dỗi, Nhã My còn tập thơ "Mảnh vỡ không lời", đạt giải B giải thưởng của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2015 dành cho tác giả là hội viên các Hội VHNT địa phương. Vừa qua, chị còn dự thi ba bài thơ viết về chủ đề Tây Ninh- 180 năm hình thành và phát triển. Hiện nay, chị vừa hoàn thành bản thảo tập thơ mới mang tên "Huyễn hoặc ngày em" và đã gửi lên Hội VHNT Tây Ninh chờ xét duyệt.

Nhã My tên thật là Trần Thị Thanh Nhã, sinh năm 1979, hiện là giáo viên dạy môn tiếng Anh ở Trường THCS Trần Hưng Đạo, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu. Mặc dù làm thơ chỉ là "nghề tay trái", nhằm thỏa mãn niềm đam mê của mình chứ không phải "cần câu cơm", nhưng chị lại rất nặng lòng với sự nghiệp thơ. Điều khiến chị trăn trở nhất là hiện nay ở tỉnh Tây Ninh ngày càng ít có người yêu thơ.

Theo chị, có hai nguyên nhân: trẻ em bây giờ thích chơi game nhiều hơn là chịu đọc văn thơ và kinh phí hoạt động cho sinh hoạt thơ quá ít. Là hội viên Hội VHNT Tây Ninh, ủy viên Ban Chấp hành Hội VHNT huyện Gò Dầu, chị nhiều lần muốn tổ chức những buổi sinh hoạt thơ để gây phong trào và "truyền lửa" cho thiếu nhi, nhưng không đủ kinh phí. Trước thực trạng này, chị tự đề ra kế hoạch cho mình, "thay vì chờ kinh phí hoạt động, trong năm học sắp tới, tôi dự tính sẽ chủ động tìm đến những giáo viên dạy văn ở các trường trong huyện để tìm hiểu xem em học sinh nào đạt điểm cao môn văn, sau đó gặp gỡ, tổ chức sinh hoạt về thơ và mời các em cùng tham gia".

Đại Dương

Từ khóa:
data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục