Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tính đến nay, Giải bóng chuyền nữ Quốc tế Cúp VTV9- Bình Điền lần thứ 11 do Tây Ninh đăng cai tổ chức đã diễn ra hơn nửa chặng đường. Góp phần cho sự thành công của giải đấu quy mô này phải kể đến đội ngũ tình nguyện viên trẻ trung, năng động.
Trang phục tinh tươm, tóc tai gọn gàng, điện thoại di động không rời tay và nụ cười luôn nở trên môi- đó là những nét khái quát chân dung của những tình nguyện viên Giải bóng chuyền nữ Quốc tế Cúp VTV9- Bình Điền lần thứ 11 đang diễn ra ở Tây Ninh.
Tình nguyện viên giải thích ý nghĩa của việc tặng nhà tình nghĩa với thông dịch viên của đội 4.25 Triều Tiên (bìa trái). |
Phạm Công Nguyên, nhân viên Trung tâm Xúc tiến du lịch Tây Ninh, một trong ba tình nguyện viên phụ trách hướng dẫn đội Bangkok Glass (Thái Lan) cho biết, nhiệm vụ của các tình nguyện viên là trở thành cầu nối giữa Ban tổ chức với đội để họ cảm thấy như đang thi đấu tại quê nhà.
“Công việc của em không có thời gian cụ thể, thường thì bắt đầu từ 7 giờ sáng tụi em đã có mặt bên đội bóng. Đến tối, tầm 21-22 giờ, khi các thành viên trong đội đã nghỉ ngơi thì tụi em ra về”- Nguyên cho biết.
Công việc cụ thể của tình nguyện là theo sát đội bóng để hướng dẫn các thành viên trong đội nơi ăn, uống, đi làm công tác xã hội, tham quan du lịch và những hỗ trợ khác. Có những lúc mướt mồ hôi, nhưng bù lại Nguyên có được nhiều kỷ niệm vui và thêm kiến thức bổ ích cho công việc của mình. “Những điều này có lợi cho công việc quảng bá du lịch mà em đang phụ trách”- Phạm Công Nguyên nói, giọng hào hứng.
Trần Nguyệt Quế, 26 tuổi, tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, hiện là nhân viên Công ty Cổ phần dịch vụ Đầu tư Thiên Phúc (TP.HCM), chuyên trách công tác giám sát thi công công trình xây dựng chia sẻ, em vừa giám sát xong 4 công trình xây dựng, đang được nghỉ gần một tháng để chuẩn bị vào công trình mới.
Tranh thủ thời gian nghỉ ngơi này, biết tỉnh nhà đang diễn ra giải đấu bóng chuyền quốc tế, Quế đăng ký vào làm tình nguyện viên. Em và hai bạn khác được giao phụ trách đội 4.25 Triều Tiên. Ngoài việc giao tiếp với đội bóng, Quế còn nhặt bóng hoặc lo nước uống cho các cầu thủ Triều Tiên trong những buổi tập luyện.
Tình nguyện viên Phạm Công Nguyên (áo trắng) tháp tùng cùng đội Bangkok Glass-Thái Lan trong chuyến đi tặng nhà tình nghĩa ở TP.Tây Ninh. |
Quế tâm sự, thật ra, ban đầu em cũng hơi lo, vì hình dung công việc rất nhiều và phải giao tiếp bằng ngoại ngữ với tất cả các thành viên trong đoàn, nhưng khi vào nhiệm vụ rồi mới thấy công việc không quá nặng nề. Đội 4.25 Triều Tiên chủ yếu tập trung cho công tác chuyên môn và họ đã dành hết thời gian cho việc tập luyện, thi đấu, nghỉ ngơi chứ không có những buổi đi chơi, mua sắm hay tán gẫu. Trong đoàn 4.25 Triều Tiên cũng có một thông dịch tiếng Anh, vì vậy tình nguyện viên chỉ trao đổi với thông dịch viên hoặc trưởng đoàn.
Để chuẩn bị tốt cho nhiệm vụ tình nguyện viên, ngoài việc nói lưu loát tiếng Anh, Quế còn tranh thủ học thêm tiếng Triều Tiên với những từ thông dụng như chào buổi sáng, buổi trưa, xin lỗi, cảm ơn v.v… “Mình giao tiếp bằng chính ngôn ngữ của họ, mặc dù chưa thật nhuần nhuyễn, nhưng họ rất vui, rất thích thú”- Quế chia sẻ kinh nghiệm.
Qua một tuần làm tình nguyện viên, Quế cho biết đã học hỏi thêm được nhiều điều bổ ích: “Em hiểu được làm việc tập thể thế nào? biết được cách tổ chức sự kiện lớn, đặc biệt, hiểu thêm về văn hóa Triều Tiên”...
Trao đổi với chúng tôi về hoạt động của tình nguyện, anh Võ Hồng Thanh- nhân viên Trung tâm Văn hóa tỉnh, đội phó Đội tình nguyện viên cho biết, công tác tuyển chọn tình nguyện viên được triển khai rất sớm, trong đó tiêu chuẩn để được chọn làm tình nguyện viên là phải nói thành thạo tiếng Anh, ngoại hình cân đối, dễ nhìn, vui vẻ, hoạt bát, có kiến thức về du lịch, ẩm thực Tây Ninh và thu xếp được công việc cá nhân để dành hết thời gian làm tình nguyện viên. Giai đoạn đầu, có hơn 70 người đăng ký tham gia, qua hai vòng phỏng vấn tuyển chọn được 20 người.
Các tình nguyện viên trao đổi công việc với thành viên đội Bangkok Glass (Thái Lan). |
Sau khi được tuyển chọn, các tình nguyện viên được Sở Ngoại vụ tập huấn những kiến thức, kỹ năng giao tiếp, quy tắc ngoại giao quốc tế, tác phong, trang phục, khiêu vũ v.v… Bản thân Thanh và một vài bạn khác là tình nguyện viên cho ba đoàn bóng chuyền nữ của Việt Nam là VTV- Bình Điền Long An, Ngân hàng Công thương Việt Nam và Thông tin LienVietPostBank.
“Tham gia công việc tình nguyện này mất rất nhiều thời gian, công sức, nhưng ngược lại, cũng nhận được rất nhiều. Đây là dịp rất tốt để tụi em trau dồi kiến thức văn hoá, kỹ năng giao tiếp...”, Thanh bộc bạch.
Nhận xét về đội ngũ tình nguyện viên của giải, một thành viên đội Thái Lan nói: “Các bạn tình nguyện viên của Việt Nam rất nhiệt tình, dễ thương và giúp ích cho đội mình rất nhiều”.
Đại diện Ban Tổ chức trung ương cũng đánh giá cao sự đóng góp của các bạn trẻ. Trong khi các thành viên Ban tổ chức chỉ lo công tác chuyên môn, thì các mặt hỗ trợ khác đều nhờ vào những tình nguyện viên Tây Ninh. Giải đấu sẽ không có sự thành công nếu không có đội ngũ tình nguyện viên nhiệt tình này.
Đại Dương