BAOTAYNINH.VN trên Google News

Gặp mùa thu ở đình Long Chữ

Cập nhật ngày: 09/03/2011 - 04:57

Cuối Chạp, đi sang Bến Cầu theo ngả Gò Chai - lộ 786, bỗng thấy về phía tây con đường, nơi có đình làng Long Chữ một không gian đã rực vàng. Bỗng nhớ đến mùa thu vàng của Levitan dù bây giờ ở miền biên giới Bến Cầu, trời mới chớm sang xuân. Vâng! Ai đã xem tranh Levitan- một hoạ sĩ nổi tiếng người Nga hẳn đã biết đến kiệt tác “Thu vàng” của ông, nay đã trở nên một ví dụ lẫy lừng của nền nghệ thuật Nga vĩ đại.

Vâng! Mùa thu còn đọng lại nơi đây chắc chắn là nhờ những hàng cây giá tỵ. Cây cũng có thân dài nuôn nuốt thẳng vút lên như dáng bạch dương của rừng Nga, nhưng nhịp sinh học có lẽ muộn hơn nên đến qua hết mùa đông mới đổ lá vàng. Trên nền đất sân đình, lá khô rụng chạy xạc xào trong gió, trên thân cành vẫn còn vô số lá vàng rung rinh đón nắng. Đón và phản chiếu, bức xạ vào không gian làm sân đình như bỗng sáng bừng lên. Nắng lá còn tưng bừng nhảy múa trên mặt mái ngói đã sẫm màu rêu phong của mái đình cổ tích. Nắng còn xuyên qua ngôi võ ca thấp để ùa vào trong gian chính điện, soi rõ những đại tự thếp vàng, câu đối son cùng những lỗ bộ, hạc chầu trầm mặc, uy nghiêm. Cái không gian vàng thu này đã tô điểm làm đẹp hơn nhiều những ngôi miếu nhỏ trước sân đình. Có đến ba, bốn ngôi nhỏ xinh, tường gạch xây, mái ngói. Có cả những miếu thờ Bà Chúa xứ, miếu chiến sĩ… và cả miễu ông Tà, chỉ khoảng nửa mét vuông diện tích, đứng thu mình dưới bóng cây giá tỵ có đoạn gốc hơi khúc khuỷu, nằm ngay lối cổng đi vào. Cũng không thể quên kể công của cây đa độ ba trăm tuổi đứng ở mé trong sân. Chính là nhờ cái tán rộng sum suê, bốn mùa xanh ngắt nên đã trở thành cái phông nền làm nổi bật bức tranh thu phía trước.

Đình Long Chữ dù có gốc tích “khai sơn phá thạch” từ độ gần 140 năm trước nhưng do ở trên vùng đất chiến sự liên miên và ác liệt thời chống Pháp và chống Mỹ nên thực ra cũng chỉ là ngôi đình mới được tái tạo gần đây, sau 1975. Xưa nhất, ngoài cây đa có lẽ chỉ còn một trụ mốc bê tông do chính quyền thực dân Pháp xây dựng làm cột mốc toạ độ (giống như cột mốc vẫn còn trước miếu Bà ở Bến Đình- Tiên Thuận). Những cột mốc này có lẽ đã được dựng lên ngay sau khi Pháp chiếm được 3 tỉnh miền Đông Nam bộ (1862). Nay trong khi cột ở miếu Bà Tiên Thuận còn nguyên thì cột ở đình Long Chữ đã bị đạn bom quật quăng lên, được các cụ ban hội đình giữ lại làm chân trụ cắm cờ. Giờ vẫn có thể đọc được những chữ, số khắc trên bê tông mặt trụ. Người đến đình mùa xuân qua, có lẽ còn ngạc nhiên vì còn thấy một ụ mối có một đôi rồng uốn lượn ở bên thân. Thực ra cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả, khi được nghe lời giải thích của người giữ đình làng. Anh bảo: khi tu sửa miếu đình thì dư ra đôi rồng đắp vữa xi măng khá nặng này. Thế là đem ra làm chân kê một tấm đan bê tông. Ít lâu sau thì mối đùn lên. Chúng sinh sôi mạnh đến nỗi đẩy cả tấm đan lên cao thêm vài tấc. Nhờ thế mà ụ mối này bỗng nhiên có dạng “lưỡng long chầu”.

Theo lệ xuân thu nhị kỳ đình Long Chữ cũng sắp đến lễ hội Kỳ yên tưởng nhớ các bậc tiền nhân và cầu cho mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an. Theo lệ ấy thì lễ hội Kỳ yên sẽ mở vào 2 ngày 15 và 16 tháng 2 âm lịch. Thành hoàng được thờ ở đình Long Chữ chính là ông Huỳnh Công Thắng, người có dinh thờ bên xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu bên kia sông Vàm Cỏ Đông. Từ ngày có cây cầu Gò Chai, đường bộ tiện hơn nên ban hội đình làng đã rước linh vị thành hoàng theo đường bộ, không còn phải rước theo rạch Vàm Bảo, qua sông Vàm như trước. Hy vọng rằng lễ Kỳ yên năm nay, sân đình Long Chữ vẫn còn những lá vàng như nắng điểm tô cho lễ tế điện của đình thêm rực rỡ sắc vàng son.

TRẦN VŨ