Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Khi đến nơi, chị được đưa đến một gia đình có 6 người. Tại đây, hằng ngày chị phải làm việc từ 8 giờ sáng đến 12 giờ khuya, có khi làm đến tận 2 giờ sáng mới được đi ngủ. Khi gia chủ ăn xong chị Nga mới được ăn, chỉ toàn cơm thừa canh cặn. Mới làm ngày đầu tiên, chị đã thấy “sốc” vì thực tế hoàn toàn trái ngược với lời giới thiệu.
|
Chị Nga trong những ngày làm “ô sin” bên Ả rập Xê út.
Biết tin chị Nguyễn Thị Nga (57 tuổi, ngụ ở TP Tây Ninh) vừa trở về Việt Nam từ Ả rập Xê út, chúng tôi tìm đến nhà gặp chị để tìm hiểu thực trạng trong thời gian chị làm người giúp việc nơi đất khách.
Thực tế không như quảng cáo
Điều đầu tiên chị Nga cho chúng tôi biết là sau một năm đi làm “ô sin”, chị trở về nhà với tấm thân tàn tạ, mất đi gần 10kg. Chị kể, sau khi nghe một phụ nữ có con đang lao động ở Ả rập “quảng cáo”, chị đồng ý gặp vợ chồng người môi giới để làm thủ tục đi hợp tác lao động, với mức lương được giới thiệu là gần 10 triệu đồng/tháng, công việc hằng ngày nhẹ nhàng, chỉ làm 8 tiếng. Nghe nói mức lương cao nên chị không đắn đo suy nghĩ, đồng ý làm thủ tục lên máy bay sang Ả rập với giấc mộng đổi đời.
Khi đến nơi, chị được đưa đến một gia đình có 6 người. Tại đây, hằng ngày chị phải làm việc từ 8 giờ sáng đến 12 giờ khuya, có khi làm đến tận 2 giờ sáng mới được đi ngủ. Khi gia chủ ăn xong chị Nga mới được ăn, chỉ toàn cơm thừa canh cặn. Mới làm ngày đầu tiên, chị đã thấy “sốc” vì thực tế hoàn toàn trái ngược với lời giới thiệu.
Không chỉ có vậy, có lúc cả dòng họ của chủ nhà tới ở, chị phải một mình nấu ăn cho tất cả. Làm luôn tay, luôn chân, lại ăn uống không đầy đủ và khí hậu lại nóng hơn Việt Nam, thời gian sau chị bị bệnh, không làm việc nổi. Thấy chị nằm, họ lôi dậy bắt làm việc nhà cùng nhiều lời mắng nhiếc. Chị cố gắng làm được hơn 1 tháng mà không thấy họ trả lương, chị hỏi nhiều lần thì họ trả được 1.300 SAR (tiền Ả Rập, tính ra chỉ khoảng 7,3 triệu đồng tiền Việt Nam).
Thấy mức lương thấp hơn nhiều so với lúc giới thiệu, chị đề nghị đổi chủ khác. Sau nhiều lần thương lượng bất thành, cuối cùng chị được trả về trung tâm môi giới, chờ người chủ khác đến “lựa” đưa về làm “ô sin”.
Tại trung tâm môi giới, hằng ngày chị Nga chứng kiến nhiều phụ nữ (nhiều quốc gia) bị bạo hành từ tinh thần đến thể xác. Những gã “cai quản” bắt các chị làm việc, một số bị họ cưỡng hiếp mà không dám chống cự, sợ bị đánh và giam lỏng, không cho ăn uống.
Chờ đợi tại trung tâm khoảng 30 ngày thì có chủ mới đến đưa chị Nga đi làm “ô sin” cách nơi làm cũ gần 400 cây số. Gia đình chủ mới có 2 “ô sin”- chị và cô gái người Philippines, nhưng phải phục vụ hơn chục người. Không chỉ có thế, nhà này thường xuyên có bạn bè đến vui chơi, ăn uống... nên hầu như chị bận suốt ngày, chậm trễ một chút thì bà chủ nhiếc mắng, có lúc còn dùng gậy đánh tới tấp.
Không thể chịu đựng nổi, chị xin chuyển sang nhà khác- lần thứ 3, thứ 4, rồi thứ 5... nhưng không nơi nào được như lời giới thiệu trước khi đi. Cuối cùng, chị đề nghị trung tâm môi giới liên hệ với công ty ở Việt Nam cho chị trở về gia đình. Nhưng họ không đồng ý, bảo muốn trở về phải đền bù tiền hợp đồng gần 70 triệu đồng. Vì không có tiền nên chị Nga tiếp tục đi làm “ô sin”.
Trốn chạy
Chịu hết xiết cảnh làm đầu tắt mặt tối, một hôm lợi dụng đêm khuya, gia đình chủ ngủ hết, chị xách vali bỏ trốn, nhưng bị phát hiện, gia đình chủ đánh rồi nhốt chị trong nhà, không cho ra ngoài.
Sức khoẻ chị ngày càng giảm, không làm việc nổi. Sợ chị Nga chết trong nhà, gia đình chủ miễn cưỡng đưa chị đi khám bệnh tại bệnh viện. Bác sĩ xác nhận chị Nga bị cao huyết áp, họ đồng ý đưa chị Nga đến trung tâm tị nạn. Sợ bị lừa lần nữa, nên khi chủ nhà dừng ô tô nói chuyện với người quen, chị mở cửa bỏ chạy. Một người đàn ông tốt bụng đưa chị đến đại sứ quán Việt Nam kêu cứu.
Khi nghe chị Nga trình bày hoàn cảnh và nguyện vọng, đại sứ quán hướng dẫn chị làm giấy thông hành trở về Việt Nam. Vì hộ chiếu và toàn bộ giấy tờ bị “môi giới” giữ hết, nên việc làm giấy tờ bị trục trặc, nhưng cuối cùng chị cũng được về Việt Nam.
Đầu tháng 4.2016, chị Nga cùng 4 người khác được cán bộ đại sứ quán đến đưa ra sân bay. Chị Nga nói: “Đến lúc thấy người nhà ra đón tại sân bay, tôi mới biết mình thật sự được trở về nhà”. Làm “ô sin” cả năm trời ở xứ người, lúc trở về, trong túi chị chỉ còn 1,2 triệu đồng và độc nhất một bộ quần áo mặc trên người.
Đừng như tôi...
Kết thúc câu chuyện, chị Nga muốn thông qua báo khuyên những ai đang có ý định đi lao động bên Ả rập Xê út cần suy nghĩ thật kỹ trước khi ký vào bản hợp đồng. Bởi vì đi làm bên đó rất cực khổ, lương không cao như lời giới thiệu, có lúc còn bị bạo hành, đồng thời khí hậu rất khắc nghiệt. Khi đi, toàn bộ giấy tờ bị cò mồi môi giới giữ hết, “ô sin”đi đâu cũng không được.
Chị khuyên mọi người nên cảnh giác với những lời hoa mỹ của cò mồi môi giới trước khi lên máy bay, “Đừng nông nổi như tôi để rồi phải chịu cảnh khổ sở...”- chị nói.
Sông Ninh