Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nguồn thức ăn khan hiếm thôi thúc gấu Bắc Cực tấn công lẫn nhau để sinh tồn trong điều kiện ấm lên toàn cầu.
Gấu Bắc Cực có thể ăn thịt con non vì khan hiếm thức ăn. Ảnh: AFP.
Lượng băng trên biển giảm dần do nhiệt độ gia tăng và sự xâm lấn của các công ty công nghiệp buộc gấu Bắc Cực phải rời khỏi nơi săn mồi quen thuộc và những khu vực ven biển do thức ăn khan hiếm. Số vụ ăn thịt đồng loại ngày càng phổ biến ở loài này có thể do sự tăng cường hoạt động của con người, theo Ilya Mordvintsev, chuyên gia về gấu Bắc Cực ở Viện vấn đề sinh thái và tiến hóa ở Severtsov, Moscow.
Theo Mordvintsev, những con gấu đực lớn tấn công gấu cái và con non và gấu mẹ cũng ăn thịt con non, bởi đó là mục tiêu dễ dàng. Trong 25 năm qua, lượng băng ở Bắc Cực đã giảm ít nhất 40%. Gấu Bắc Cực dựa vào băng trên biển để săn hải cẩu bơi dưới nước. Nhưng băng tan buộc chúng phải lên bờ, nơi chúng không thể săn mồi như bình thường và gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tìm đủ dưỡng chất để duy trì sự sống.
Sự xuất hiện của các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch cũng tác động xấu tới loài vật. Từ mùa đông năm nay, khu vực từ vịnh Ob đến biển Barents, nơi săn mồi quen thuộc của gấu Bắc Cực, trở thành tuyến đường biển nhiều tàu bè vận chuyển khí gas hóa lỏng thường qua lại. Thay đổi này liên quan tới hoạt động khai thác khí gas trên bán đảo Yamal tiếp giáp vịnh Ob.
Một nhà khoa học khác của Nga là Vladimir Sokolov, người dẫn đầu nhiều chuyến thám hiểm của Viện nghiên cứu Bắc Cực và Nam Cực ở St Petersburg, cho biết năm nay, gấu Bắc Cực chủ yếu bị ảnh hưởng bởi thời tiết ấm bất thường trên đảo Spitsbergen thuộc quần đảo Svalbard, Na Uy.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện gấu Bắc Cực chôn xác con mồi dưới tuyết và đất bụi để dự trữ ăn dần. Hành vi này khá phổ biến ở những loài gấu khác như gấu nâu nhưng đặc biệt hiếm gặp ở gấu Bắc Cực, theo Ian Stirling, chuyên gia ở Đại học Alberta.
Nguồn VNE (Theo Guardian)