BAOTAYNINH.VN trên Google News

GEF6: Kinh tế tuần hoàn tạo ra lợi ích môi trường cho toàn cầu 

Cập nhật ngày: 26/06/2018 - 16:16

Trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF6), ngày 25/6, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) cùng với chính phủ và các tổ chức liên quan đã thảo luận về việc làm thế nào để các cách tiếp cận của kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích môi trường toàn cầu dựa trên sự phát triển công nghiệp xanh.

Các đại biểu thảo luận về nền kinh tế tuần hoàn trong khuôn khổ kỳ họp Đại Hội đồng GEF6 - Ảnh:VGP/Thế Phong

Nền kinh tế tuần hoàn là một khái niệm được hiểu thông qua một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Các tiếp cận kinh tế tuần hoàn là một động lực thúc đẩy, đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững. Kinh tế tuần hoàn là ưu tiên trong chương trình nghị sự toàn cầu thu hút sự chú ý đặc biệt từ các tổ chức quốc tế như Liên minh châu Âu (EU) với Kế hoạch hành động cho kinh tế tuần hoàn hay Nhóm hành động đặc biệt của G20 về kinh tế tuần hoàn.

Ông Stephan Sicars, Giám đốc bộ phận Môi trường của UNIDO, cho hay: Tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt, ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng. Đứng trước những thách thức to lớn này, nhiều quốc gia đã thay đổi chiến lược phát triển, hướng đến một nền kinh tế sạch-nền kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.

“UNIDO xúc tiến thực hành kinh tế tuần hoàn và cung cấp các dịch vụ hướng đến chu trình khép kín dành cho sản xuất, sử dụng và thải bỏ sản phẩm đã qua sử dụng - từ khâu khai thác nguyên liệu thô, đến sản xuất, phân phối, sử dụng, quản lý chất thải cho đến khâu thải bỏ cuối cùng nhằm bảo đảm rằng các tài nguyên được sử dụng liên tục tuần hoàn là kết quả của các hoạt động sáng tạo”, ông Stephan Sicars cho biết.

Giáo sư Ricardo Barra, Đại học Concepción, Chile - thành viên Hội đồng cố vấn kỹ thuật và khoa học của GEF, cũng cho rằng, mô hình khai thác-sản xuất-sử dụng-thải bỏ một chiều là nguyên nhân chính của sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, chất thải, sự suy giảm môi trường, biến đổi khí hậu. Mô hình này ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ con người trong khi lợi ích môi trường toàn cầu có thể đạt được một cách đáng kể. Vì vậy chúng ta nên áp dụng tiếp cận tuần hoàn cho quá trình sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa.

Cục phó của Cơ quan Hợp tác quốc tế, Bộ Môi trường, Rừng và Biến đổi khí hậu Ấn Độ, Nikunja K. Sundaray cho biết: Ấn Độ đã triển khai kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu kết hợp với các tiếp cận tuần hoàn cho phát triển công nghiệp xanh, bảo vệ môi trường và nhiệm vụ Ấn Độ xanh tập trung vào các dịch vụ hệ sinh thái đa dạng, đặc biệt tập trung vào đa dạng sinh học, nước, sinh khối, bảo tồn rừng ngập mặn, vùng đất ngập nước, các khu vực cần chú ý đặc biệt… song song với tích trữ carbon dioxit cũng như tạo ra nhiều việc làm.

Ông Alejandro Nario Carvalho, Giám đốc quốc gia về môi trường, Bộ Kế hoạch nhà ở, Đất đai và Môi trường Uruguay, đánh giá cao vai trò lãnh đạo của UNIDO trong việc xúc tiến các tiếp cận kinh tế tuần hoàn tại quốc gia này và trên toàn thế giới. Tại Uruguay, chương trình về các cơ hội cho kinh tế tuần hoàn dành cho các nhóm ngành thực phẩm, thuộc da, nhựa, nghề trồng nho và xây dựng đã được khởi động với sự hợp tác của UNIDO trong tháng 4/2018.

Theo đại diện Việt Nam, lợi ích lớn nhất khi thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn là các nguồn lực được sử dụng hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đây là vấn đề đang được các cấp, các ngành ở Việt Nam rất coi trọng và theo đuổi chiến lược phát triển bền vững dài hạn.

Theo bà Naoko Ishii, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Quỹ Môi trường toàn cầu, kỳ họp Đại Hội đồng GEF6 là “cơ hội để thế giới chung tay kiến tạo nên một hành tinh an toàn hơn, bảo đảm hơn và đáng sống hơn”.

Bà Naoko Ishii cũng nhấn mạnh: “Kịch bản phát triển thông thường sẽ tạo ra thảm họa và thay đổi mang tính gia tăng sẽ không bao giờ đủ. Giải pháp duy nhất chính là quá trình chuyển đổi. Chúng ta cần phải thay đổi hệ thống lương thực, đô thị, năng lượng và chuyển đổi thành nền kinh tế tuần hoàn. Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ và đó chính là những gì GEF mong muốn thực hiện được trong tương lai”.

Nguồn chinhphu