Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trong thời đại công nghệ, khi smartphone là "vật bất ly thân" của nhiều người, một bộ phận giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là thế hệ Gen Z, lại đang chọn cách từ bỏ các thiết bị thông minh để quay về sử dụng điện thoại cơ bản, hay còn gọi là "cục gạch".
Trào lưu quay vòng
Ngọc Hân, 23 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, chia sẻ: "Mỗi ngày, mình dành hàng giờ lướt mạng xã hội trên điện thoại thông minh. Đến một lúc, mình nhận ra gần như không có thời gian cho bản thân. Vì thế, mình quyết định quay lại dùng một chiếc điện thoại 'cục gạch' đơn giản song song với smart phone."
Hân sử dụng chiếc Nokia đời cũ chỉ có chức năng nghe, gọi và nhắn tin. "Dùng điện thoại cục gạch giúp mình không còn phải liên tục kiểm tra mạng xã hội. Mình cảm thấy mình tập trung hơn vào công việc và có nhiều thời gian để làm những việc mình thích, như đọc sách, nghỉ ngơi, đi dạo," cô nàng chia sẻ.
Điện thoại "cục gạch" trở thành trào lưu trong giới trẻ thời gian gần đây. (Ảnh: meowtymeow)
Ngoài mục đích sử dụng, điện thoại "cục gạch" còn được một bộ phận Gen Z xem như món đồ phụ kiện độc đáo, thể hiện phong cách cá nhân của người sử dụng. Những chiếc điện thoại nắp gập, nắp trượt với thiết kế từ thập niên 2000 được nhiều bạn trẻ "săn lùng" để phối cùng trang phục.
Quỳnh Trang, 19 tuổi, sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, chia sẻ: "Mình dùng chiếc Motorola nắp gập không chỉ để nghe gọi, nhắn tin mà còn như một món đồ trang trí. Nó rất hợp với những set đồ mang phong cách hoài cổ, Y2K. Mọi người thường trầm trồ khi thấy mình rút điện thoại ra."
Chiếc điện thoại nắp gập Motorola được Trang coi như một món đồ phụ kiện. (Ảnh: girlrot)
Trên các sàn thương mại điện tử, nhiều người bán đã quảng bá các mẫu điện thoại cục gạch như một phụ kiện thời trang. Một số dòng sản phẩm hiếm, từng là biểu tượng một thời như Nokia 8800 hay Motorola Razr V3, được rao bán với giá hàng triệu đồng, thậm chí đắt ngang smartphone đời mới.
Anh Hải Đăng, chủ một cửa hàng công nghệ trên phố Thái Hà, Hà Nội, cho biết: "Nhiều bạn trẻ tìm mua điện thoại cơ bản vì muốn giảm sự phụ thuộc vào công nghệ. Các mẫu điện thoại này không đắt đỏ, bền và dễ sử dụng. Có những bạn còn yêu cầu đặt hàng những mẫu hiếm từ thập niên 2000."
Không chỉ là trào lưu nhất thời
Việc quay lại sử dụng điện thoại cơ bản không chỉ là một "tuyên ngôn" thời trang hay trào lưu nhất thời, mà xuất phát từ nhu cầu cân bằng cuộc sống của một bộ phận người trẻ hiện nay.
Lan Anh, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội lý giải: "Mình cảm thấy bị áp lực khi luôn phải chạy theo trào lưu trên mạng xã hội. Điện thoại 'cục gạch' giúp mình thoát khỏi sự 'bận rộn' ảo để tập trung vào cuộc sống thực nhiều hơn."
Nhiều dòng điện thoại cơ bản được bán với mức giá ngang ngửa những dòng điện thoại thông minh cao cấp. (Ảnh chụp màn hình)
Dẫu vậy, việc quay lại sử dụng điện thoại cơ bản cũng đặt ra một số trở ngại lớn với một số bạn trẻ đã quen dùng các dòng điện thoại thông minh. Ngọc Hân chia sẻ: "Lúc đầu, mình cảm thấy khá bất tiện khi không có Google Maps, Facebook, Instagram cũng như các ứng dụng internet banking. Nhưng dần dần, mình học cách thích nghi tốt hơn trong điều kiện thiếu... 'thông minh', như sử dụng bản đồ giấy trước khi đi chơi hoặc sử dụng tiền mặt nhiều hơn. Tất nhiên, mình vẫn cần đến sự hỗ trợ của smartphone những lúc cần thiết."
Theo Ernest Doku, chuyên gia từ trang so sánh giá Uswitch, điện thoại "cục gạch" đang dần trở lại và được ưa chuộng nhờ yếu tố thời trang, sự xuất hiện phổ biến trong các video TikTok, và đặc biệt là cảm giác hoài cổ mà chúng mang lại.
"Với nhiều người, điện thoại 'cục gạch' là chiếc điện thoại đầu tiên trong đời, nên hình ảnh những chiếc di động đơn giản này gợi nhớ về một thời quá khứ đáng nhớ," ông Doku chia sẻ.
Chuyên gia công nghệ, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tuyên, lập trình viên Web 3.0 tại Công ty Cổ phần Công nghệ Sotatek Việt Nam nhận định rằng xu hướng sử dụng thiết bị công nghệ cũ ngày càng phổ biến nhờ ảnh hưởng của phong cách retro, Y2K và sự lan tỏa từ các KOL trên mạng xã hội. Anh cho biết, hình ảnh người nổi tiếng sử dụng các thiết bị như điện thoại “cục gạch,” máy ảnh kỹ thuật số hay máy nghe nhạc đang trở nên phổ biến trên Instagram, TikTok, khiến giới trẻ đổ xô sở hữu những món đồ này.
Tuy nhiên, anh Tuyên nhấn mạnh rằng điều này vô tình làm giá trị của các thiết bị cũ bị thổi phồng quá mức. "Cơn sốt máy ảnh kỹ thuật số của Fujifilm vào năm ngoái là một ví dụ rõ ràng. Giá của những thiết bị này đã tăng từ 1,5 đến 2 lần so với năm trước đó, dù giá trị sử dụng thực tế không thay đổi," anh nhận xét.
Ngoài ra, các thiết bị cũ dễ hỏng hóc do phần lớn đã qua sử dụng, công nghệ lạc hậu và khó đáp ứng nhu cầu hiện đại. "Người dùng cần cân nhắc kỹ khi chạy theo những trào lưu này," anh Tuyên khuyến nghị.
Nguồn TPO