Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Nghiên cứu trên 2 triệu trẻ em từ 5 quốc gia cho thấy gene là yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến rối loạn phổ tự kỷ.
Các nhà khoa học từ Viện Karolinska, Stockholm (Thụy Điển) cho biết 80% nguy cơ rối loạn phổ tự kỷ đến từ yếu tố di truyền, gần 20% còn lại là các yếu tố môi trường tác động. Những vấn đề từ người mẹ như cân nặng, hội chứng buồng trứng đa nang, sinh đẻ... được cho là không tác động hoặc tác động rất nhỏ đến sự phát triển của rối loạn phổ tự kỷ.
Để đưa ra kết luận trên, các nhà khoa học đã xem xét hồ sơ y tế của hơn 2 triệu em bé sinh ở Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Israel và Tây Australia từ năm 1998 đến 2011. Nhóm tác giả đa quốc gia theo dõi các chủ thể này cho đến tuổi 16. Hơn 22.000 trường hợp được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ, trong đó 80% do gene.
80% trẻ em trong nghiên cứu bị tự kỷ do gene. Ảnh: Verywell Health.
Đây không phải là lần đầu tiên giới khoa học chỉ ra tự kỷ bị ảnh hưởng chủ yếu bởi gene. Nghiên cứu trên các cặp song sinh năm 2016 cho thấy sự phát triển của rối loạn phổ tự kỷ phụ thuộc 64-91% vào gene.
Tuy nhiên, rối loạn phổ tự kỷ không chỉ từ một nguyên nhân duy nhất mà thường do liên kết nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố môi trường không thể bị xem nhẹ.
"Hầu hết gia đình lo lắng về các yếu tố môi trưởng ảnh hưởng đến tự kỷ nhưng thực tế là yếu tố gene đóng vai trò mạnh mẽ hơn", bác sĩ Andrew Adesman, giám đốc phát triển và hành vi trẻ em tại Trung tâm Y tế Cohen, New Hyde Park (Mỹ), không tham gia nghiên cứu, cho biết, "Điều đó không có nghĩa là chúng ta bỏ qua hoàn toàn yếu tố môi trường và tương tác của chúng với yếu tố di truyền".
Nguồn VNE (Theo HealthDay)