Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ghép thận chéo mở ra cơ hội cho tìm kiếm nguồn tạng
Thứ tư: 10:26 ngày 08/02/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 7/2, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) công bố đã thực hiện thành công ca ghép thận chéo đầu tiên tại Việt Nam.

Theo đó, hai bệnh nhân nữ là chị Lê Thị Ánh Hồng (31 tuổi, Kiên Giang) và chị Vũ Thị Huệ (32 tuổi, Đắk Nông). Cả hai bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối và phải chạy thận một thời gian dài ở Bệnh viện Chợ Rẫy.

Chị Hồng được người bố dượng tình nguyện hiến tặng thận, còn chị Huệ được mẹ ruột hiến thận để cứu con. Tuy nhiên, khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện các xét nghiệm thì cả 2 trường hợp đều không thể ghép thận cho nhau vì kháng thể của người nhận chống lại kháng nguyên của người hiến. Nếu hai cặp này tiến hành ghép thận thì nguy thất bại rất cao.

Chị Vũ Thị Huệ.

Chị Vũ Thị Huệ.

Điều may mắn là cả 4 người cho và nhận đều cùng nhóm máu B. Vì thế, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã thuyết phục người nhà 2 bệnh nhân sẽ tiến hành hoán đổi người cho thận. Thận của người bố dượng chị Hồng sẽ ghép cho chị Huệ và ngược lại, thận của mẹ chị Huệ sẽ được ghép cho chị Hồng.

Vào ngày 11/1/2017, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chia làm 2 ê-kip tiến hành 2 ca phẫu thuật ghép thận chéo song song cho chị Lê Thị Ánh Hồng và chị Vũ Thị Huệ. Ca ghép diễn ra thành công. Sau gần 1 tháng ghép, hiện sức khỏe 2 cặp ghép thận đều ổn định, chức năng thận của người cho và người nhận đều diễn ra bình thường. 

Theo PGS.TS.BS Thái Minh Sâm - Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, ghép thận chéo là phương pháp nhằm giúp thực hiện ghép thận đối với những trường hợp không cùng nhóm máu, người nhận có kháng thể chống lại kháng nguyên của người cho. Phương pháp ghép thận chéo lần đầu tiên trên thế giới được thực hiện vào năm 1991 tại Hàn Quốc. Hiện nay phương pháp này đang được nhiều trung tâm ghép thận trên thế giới áp dụng. Mỗi năm, thế giới có hàng ngàn ca ghép thận chéo. Về kỹ thuật, ghép thận đổi chéo không quá khó. Thậm chí, ở các nước phát triển, các bác sĩ đã tiến hành ghép thận chéo liên lục địa. Ví dụ, thận của người cho ở Mỹ được mang sang ghép cho người nhận ở Pháp và mang thận người cho ở Pháp về ghép cho bệnh nhân ở Mỹ.

Lê Thị Ánh Hồng.

Chị Lê Thị Ánh Hồng.

Hiện nay nguồn mô tạng ở Việt Nam đang rất khan hiếm. Cả nước có hơn 16.000 người đang mòn mỏi chờ ghép tạng nhưng chưa biết khi nào có tạng để ghép, trong đó có không ít người đã chết vì chờ đợi quá lâu.

Theo bác sĩ Sâm, việc thực hiện ghép chéo là phương pháp để mở rộng nguồn tạng đang khan hiếm hiện nay. 

Nguồn phapluatplus.vn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục