Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Ghi chép: Ớt đỏ!
Chủ nhật: 05:19 ngày 28/10/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Cha tôi kể, hơn năm mươi năm trước, hồi cha còn đi ở đợ, chăn trâu, khu vực ấp Lộc Phước hoang vu, rừng còn dày lắm, làm gì có ai vô mà dựng nhà. Nhưng cũng từ buổi đó, nông dân Lộc Hưng đã đạp rừng vào đây để phát hoang, trồng trọt…

(BTNO) - Trong bài “Về Lộc Hưng” đăng trên Báo Tây Ninh cách đây mấy hôm, tôi có nhắc chuyện ông chú trẻ, Trưởng Công an xã Hà Minh Tuấn chở tôi rảo quanh những cánh đồng đỏ rực màu ớt. Trên đường đi, ông chú trẻ liệt kê khá nhiều những gương nông dân nhờ ớt mà xây nhà tường, sắm sửa xe cộ…

Cha tôi kể, hơn năm mươi năm trước, hồi cha còn đi ở đợ, chăn trâu, khu vực ấp Lộc Phước hoang vu, rừng còn dày lắm, làm gì có ai vô mà dựng nhà. Nhưng cũng từ buổi đó, nông dân Lộc Hưng đã đạp rừng vào đây để phát hoang, trồng trọt, chủ yếu là ớt, riết rồi người ta quen gọi là Đồng Ớt. Bây giờ, nhà cửa mọc lên, đường xe chằng chịt, nhưng những người nông dân trẻ ngày nay cũng trồng ớt để mưu sinh, và cái tên Đồng Ớt cũng theo đó mà truyền từ đời này sang đời khác, dù chắc rằng chẳng có bản đồ nào ghi địa danh này. Nghe chuyện xưa, liên hệ chuyện nay, ông chú trẻ của tôi kết luận rằng: Đất ấp Lộc Phước, đất ấp Chánh và cả xã Lộc Hưng này phù hợp với cây ớt, há chẳng phải đây là “cây thoát nghèo” của những người nông dân chân lấm tay bùn.

Chuyện thoát nghèo là có thật, dạo giá ớt vọt lên 53.000 đồng/kg, nhà này, nhà kia lời một, hai trăm triệu là chuyện thường ở Lộc Hưng. Bởi vậy, dù chưa đi hết xã, nhưng tôi đếm được gần chục vựa thu mua ớt, hẳn là phải sống được. Nghe anh cán bộ Hội Nông dân nói, dân xứ này đa phần trồng giống ớt “hai mũi tên đỏ” và “sen hồng” cho năng suất khá cao. Lời vậy, nên trồng ớt trở thành phong trào, cũng như việc không ít người dân ở xã Lộc Hưng đưa cây cao su xuống đất thấp, trũng.

Trồng ớt thoát nghèo là chuyện bình thường, nhưng đối với ông chú trẻ Trưởng Công an xã Hà Minh Tuấn, cây ớt lại còn có một hữu ích khá bất ngờ khác, mà tôi dám chắc rằng, chẳng ở đâu như Lộc Hưng. Chính cây ớt đã góp phần cảm hoá một đối tượng bài bạc khá nức tiếng ở Lộc Hưng trở thành một người nông dân cần mẫn. Đó là trường hợp của anh Đỗ V. P, sinh năm 1968. Theo lời ông chú của tôi, thật ra, nếu không có sự giúp sức của ông Tư Thanh – nguyên Bí thư Huyện uỷ Trảng Bàng, anh em Công an xã khó mà hoàn thành nhiệm vụ cảm hoá đối tượng.

Công bẻ ớt trên đồng nhà anh Đỗ V.P (ấp Chánh, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng)

Khi biết tôi là nhà báo, tay lăm lăm máy ảnh, anh P rất ngại, nói như nài nỉ: “Anh có phải là người tốt đâu, mày đừng viết về anh, kỳ lắm!”. “Nhưng bây giờ anh đã bỏ bài bạc, lo làm ăn, như vậy là được rồi”. “Không, anh vẫn chưa thật sự là người tốt”… Ban đầu, anh khá kiệm lời. Thế nhưng, khi tôi bảo mình quê quán ấp Chánh, nhà cách mấy con đường, anh đã... "hà hà" quên mất cái mặc cảm, tự ti ban đầu. Tôi đùa: “Thời bài bạc, anh thua khoảng 1 tỷ không?”. Anh trợn mắt nhìn tôi, rồi vỗ đùi cười: “Cái thằng, đất tao hồi xưa hơn 2,3 mẫu, bây giờ còn 30 cao để trồng ớt, thì 1 tỷ xi nhê gì hả?"

Chuyện vãn, khoảng cách giữa tôi và anh dần được rút ngắn. Anh kể, trước đây, khoảng giữa thập niên 1990, anh làm nghề cưa cây. Hồi ấy, gần như cả huyện chỉ có vài ba người làm nghề này, nên cũng khá rủng rỉnh. Có tiền, anh theo đám bạn ở Trung Hoà đi chơi, rồi luỵ với “bác thằng bần” hồi nào cũng chẳng hay. Đã luỵ khó mà dứt ra được, đất đai bán dần, nhà thì dựng lên, mười mấy năm không tô nổi…

Được mấy anh công an xã khuyên răn, thêm bác Tư Thanh nhà ở đối diện thường xuyên qua uống trà tâm sự chuyện đời, chuyện làm người, dần dần anh hiểu ra, bắt đầu chí thú làm ăn chỉ mới hơn một năm nay. Nghe anh kể đến đây tôi mới hiểu vì sao anh bảo mình “chưa thật sự là người tốt”. Năm ngoái anh trồng mì, không lời bao nhiêu. Năm nay anh xoay qua trồng ớt, mới thu hoạch đợt đầu anh đã lời 50 triệu đồng. Nông dân Lộc Hưng chăm ớt không thua gì nông dân Phước Lưu chăm thuốc lá, cưng như con, gần như lúc nào cũng ở ngoài đồng. Đến cả thú vui sáng sáng ra quán cà phê ngồi nói chuyện trên trời dưới đất anh cũng bỏ, thay bằng cà phê gói, pha uống vội để ra xem đồng ớt có chỗ nào “bệnh tật” để còn chữa trị kịp thời. Vợ con anh đi làm công nhân ngoài Khu công nghiệp Trảng Bàng, thấy anh chí thú làm ăn cũng vui lây, rảnh là phụ anh một tay, nên so với những hộ khác, đồng ớt của anh cho năng suất rất cao, thuê bảy tám người bẻ không ngớt.

Trong những ngày này, chuyện cây ớt đã trở thành đề tài “nóng” ở Lộc Hưng. Đồng ớt đỏ rực báo hiệu một mùa bội thu, nhưng lòng người dân xứ này lại chộn rộn không yên khi không có đầu ra, bị thương lái chèn ép, giá cả khi trồi khi sụt. Hôm tôi về Lộc Hưng là giữa tháng Mười, giá ớt tuột xuống còn 17.000 - 18.000 đồng/kg, trong khi công bẻ đã là 4.000-5.000 đồng/kg, coi như người trồng chỉ còn khoảng 13.000 – 14.000 đồng/kg. Ông chú tôi bảo: “Trồng ớt có năng suất cao như anh P chắc cũng kiếm thêm khoảng chục triệu nữa. Còn những hộ khác, với cái giá này, huề vốn hoặc lời được chút đỉnh đã là may lắm rồi”.

Ông chú tôi cho biết thêm, chính quyền xã lo lắm, cây ớt rất phù hợp với thổ nhưỡng ở Lộc Hưng, nhưng khả năng của xã có hạn, không thể tìm được đầu ra hay tìm được giải pháp để giữ cho mức giá ớt ổn định, giúp nông dân thoát nghèo, trở thành hộ khá, hộ giàu, góp phần xây dựng thành công mô hình nông thôn mới. “Lần nào gặp, các chú, các bác hưu trí như chú Tư Thanh, bác Tư Chánh, chú Ba Bê (nguyên Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ) cũng thúc ép anh em cán bộ xã tìm giải pháp để giúp nông dân, nhưng tình thật tụi tao cũng nghĩ nát óc, tìm hoài mà không ra!” – Trưởng Công an xã Hà Minh Tuấn nói.

Thực tế việc nông dân băn khoăn chuyện nông sản giá cả không ổn định, bị thương lái chèn ép giá, không có đầu ra không phải là chuyện riêng ở xã Lộc Hưng mà gần như ở xã nào cũng vậy. Lần cùng nhiếp ảnh gia Hoàng Thạch Vân – phóng viên ảnh Báo Tuổi Trẻ đi thực tế ở cánh đồng rau Cao Xá thuộc huyện Châu Thành, nông dân ở đây cũng than vãn chuyện này. Chính quyền không có giải pháp hỗ trợ, bản thân người nông dân cũng chưa thể dứt bỏ tập quán trồng trọt theo kiểu cũ, hở một chút là xịt thuốc trừ sâu, bón phân hoá học, hoa màu nhìn xanh tươi đấy nhưng không thể nào phù hợp với tiêu chuẩn VietGAP để mà vào siêu thị hay tìm thị trường bên ngoài…

Tiếc là khi tôi về quê nội Lộc Hưng lại nhằm ngày thứ bảy, chỉ gặp được anh Phúc - Phó chủ tịch xã và ông chú Trưởng Công an xã. Tôi đã hứa là mình sẽ trở lại, để lắng nghe và chép lại những trăn trở, băn khoăn của anh em cán bộ xã trước những khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới hay việc phấn đấu duy trì danh hiệu xã văn hoá ở một vùng đất đã một lòng theo Đảng, theo Cách mạng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ và trong công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn hôm nay.

Đặng Hoàng Thái

 

    

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục