Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ghi chép tản mạn: Về quê
Thứ sáu: 11:23 ngày 25/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chợt nhớ đến cảnh về quê của chị em nhà nọ. Năm nào bà mẹ cũng đã hái sẵn cả buồng dừa trái, đợi các con về là người bổ, người băm băm xắt xắt. Sau rốt là bếp lửa rực lên, tiếng quèn quẹt sên dừa.

Ðêm rằm cuối cùng của năm, trăng sáng quá. Khoảng 7-8 giờ đêm ra ngắm thấy trăng quầng. Nghĩa là trăng có viền một vành đỏ cam. Ấy thế mà sau chiến thắng tuyệt vời của đội tuyển bóng đá Việt Nam trước đội tuyển Jordan thì cái quầng sáng ấy đã bay biến mất. Trăng đã như lột bỏ tấm khăn trùm để soi tỏ nhân gian, cho người Việt Nam và cả Tây Ninh nữa “đi bão” ăn mừng.

Niềm vui còn chưa kịp tan thì một nỗi buồn lan toả. Vài đêm trăng sau vẫn là vầng trăng cuối của năm nên vẫn vằng vặc sáng. Có đêm tưởng như trăng sáng át đèn đường. Dù những đêm của tháng này, nhiều đường phố đã bừng lên đèn hoa rực rỡ, toàn sắc mai vàng, đào tía điểm trang diêm dúa các cột đèn. Là nhớ đến quê hương. Lúc này mẹ cha ta đã lo toan, sắm sửa được những gì cho tết… Nỗi buồn này là của những kẻ xa quê.

Cả tuần nay, ở xóm trọ công nhân nào cũng nghe những lời hỏi thăm:- Có về không? Trả lời: - Về chứ. Công đoàn đã cho một vé xe về tết. Lại có câu ỉu xìu:- Vẫn chưa về được. Xa quê thế là đã trọn ba năm! Và an ủi bạn: - Ráng lên, sang năm chắc cũng về thôi.

Về ở đây, nghĩa là về quê đấy bạn. Mà lại về vào đúng tết. Nên bao hàm trong hai từ ấy biết bao điều thiêng liêng…

Nhà thơ Ðỗ Trung Quân viết: “Quê hương mỗi người chỉ một” (Bài học đầu cho con). Nhưng cái một ấy giờ đây cũng biến thiên rồi. Như tôi quê Bắc, bạn tôi quê miền Trung hay ở miền Tây. Nhưng đến các con tôi và bạn tôi thì quê chúng là ở Tây Ninh. Vậy nên với đa số chúng, làm việc, học hành ở TP. Hồ Chí Minh thì về quê chỉ có non trăm cây số. Còn với thế hệ cha mẹ chúng thì quê hương vẫn vời vợi xa. Có năm về được, có năm không. Như anh bạn quê Hà Nội gốc. Năm nào anh cũng về quê vào dịp tết. Nhưng năm nay có dâu, có cháu rồi. Thì anh bảo: - Năm nay phải ở lại, để đón dâu con về quê ăn tết với ông bà. Hợp lý quá, chứ còn gì nữa!

Tính sổ lại thì mình vẫn ăn tết ở quê mới nhiều hơn quê cũ. Ðâm ra hay nhớ dai những mùa tết cũ hương xưa. Nhớ cảnh vài ba nhà chung nhau một con heo, tự tay giết mổ (ngoài quê gọi là đánh đụng). Người lớn hân hoan dao thớt. Trẻ con cũng túm tụm chơi khăng, đợi đến bữa trưa. Bữa ấy, nhà nào cũng có đĩa lòng dồi nóng sốt và cả nồi nước xít vừa thơm vừa béo ngậy. Ôi chà, bữa cơm ấy kể như ngon nhất trần đời, ngon hơn cả bữa cúng tất niên hay tiệc đầu năm mới.

Tôi vừa ra chợ phường 3. Ở đấy đã xôn xao không khí tết cũng như hàng họ tết. Nhưng rôm rả nhất lại là chỗ các bà các chị bán dừa. Họ đang chặt dừa, nạy cùi dừa từng chậu lớn. Hỏi chi vậy? - Thì để cho người mua về sên mứt. Nước dừa Bến Tre đây, bán rẻ như cho. Chợt nhớ đến cảnh về quê của chị em nhà nọ. Năm nào bà mẹ cũng đã hái sẵn cả buồng dừa trái, đợi các con về là người bổ, người băm băm xắt xắt. Sau rốt là bếp lửa rực lên, tiếng quèn quẹt sên dừa. Từ vài năm nay, người mẹ ấy đã bệnh nặng phải nằm một chỗ. Không còn nữa những tối quần tụ bên nhau đợi nếm miếng mứt đầu tiên giòn sựt, nồng nàn hương vị.

Lại nhớ hai cậu con trai của ông bạn Hà Nội, hồi các cậu còn chưa vợ. Cũng vào một tết ông không về quê được, các cậu chở nhau bằng xe máy từ thành phố Hồ Chí Minh về Tây Ninh. Cậu em ngồi sau cứng tay mà ôm cả một chậu hoa đào. Hỏi, sao kỳ công thế? -Ðể cho cha đỡ nhớ quê xa. Với những Ðồng Xuân, Hàng Lược mùa này đang hồng rực đào hoa. Lại có một anh bạn trẻ hơn, đã làm giám đốc doanh nghiệp đàng hoàng.

Nhưng, năm nào anh cũng tự tay hái lá dong gói mươi tấm bánh chưng, để lại một cặp rồi đem đi biếu. Hỏi, sao cầu kỳ thế? Thì giữ gìn phong tục mà anh! Ôi chà tết! Thì ra không phải chỉ để mà ăn hay chơi tết. Mà tết còn là nơi lưu giữ, truyền lan những phong tục đẹp của mọi miền. Ðể những kẻ xa quê dù không về quê được vẫn luôn thấy quê hương hiển hiện.

Rút cuộc là bạn năm nay vẫn chưa về quê được. Thì hãy theo tôi ra ngắm chợ hoa xuân. Ở đấy luôn rạo rực niềm vui của những người vừa về quê ăn tết. Họ là Việt kiều, là sinh viên, công nhân đang đi làm, đi học ở xa. Nên tết về thế nào cũng phải tụ họp nhau ở chợ hoa xuân (khai mạc từ ngày 23 tháng Chạp). Có khi bận rộn học hành hay vất vả mưu sinh nên cả năm cũng chẳng gặp nhau được một lần.

Thế mà gặp ở chợ hoa ven rạch. Ở đấy còn có những nông dân miền Tây chở thuyền hoa lên bán. Tôi đã học được ở các bạn trẻ về quê một hành vi đẹp. Ðấy là vào lúc giao thừa, có nhiều bạn đi “giải cứu” cho hoa. Hoa bán không hết mà năm đã hết. Vậy là các bạn xúm vào mua. Ðể các bác nông dân dọn dẹp xong, xuống thuyền về quê ăn tết. Thật là vui và ấm áp trong lòng.

NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục