BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ghi chép trên đường 785

Cập nhật ngày: 30/10/2011 - 11:15

Lần nào cũng thế, cứ đi lên Tân Châu về, hoặc mới chỉ đến Thạnh Tân, Tân Bình ngang mé sườn Tây của núi Bà thôi, lòng đã vui phơi phới. Vui đến mấy ngày sau. Dù là thời điểm cách nay cả chục năm, khi con đường còn lởm chởm đá và đầy khói bụi. Còn nay: đường nhựa trải êm thuận đã lâu rồi. Dẫu vẫn là công nghệ “nhựa đá thấm nhập” chưa được láng o như đường phố Thị xã hoặc các đường cao tốc, thì xe ô tô, xe máy vẫn được phóng bon bon. Đoạn nào có bị nước mưa hay xe tải nặng xói ổ gà, thì ta đi chầm chậm. Chầm chậm để còn ngắm núi Bà Đen và quang cảnh bên đường.

Vâng! Hễ ai yêu những cảnh sắc núi non xanh rợp trồi lên giữa một vùng đồng bằng mướt xanh như núi Tây Ninh, thì hãy theo đường 785 từ Thị xã đi lên. Chỉ hơn 10 cây số thôi là đã lướt ngang những núi Heo, núi Phụng. Những mỏ đá núi Heo lở loét đỏ trắng như vết thương nay cũng đã được phủ xanh như một lớp da non, dù chưa hẳn đã lành. Đứng trước cái phông nền xanh lam kỳ vĩ của núi Bà thì vết thương ấy như những sẹo nhỏ trên dung nhan đặn đầy của núi. Nếu muốn, bạn có thể bỏ qua vết sẹo ấy để lên con đường dốc vào Ma Thiên Lãnh- khu sinh cảnh tuyệt vời đang được tỉnh nhà mời gọi đầu tư. Trong lúc đợi chờ, các vườn chuối, vườn mãng cầu vẫn cứ xanh tươi những mùa vụ trĩu trái. Còn thêm, bên những vồ đá nguềnh ngoàng rễ cây cổ thụ là những ruộng cần hay cải xoong ngơ ngác xanh non. Có ruộng ấy là nhờ nước ngọt và mát như kem cứ rỉ rả suốt ngày dưới từng gộp đá.

Quán nhỏ ven đường 785

Dẫu chỉ xa vài cây số nhưng kể chuyện Ma Thiên Lãnh thì nghe như vẫn xa xôi quá, khi mà ngay trước mặt đã là núi Phụng sum suê những tán bông vàng. Trên sườn núi giăng thành một bên, có chỗ còn những cụm cây dầu vươn cao, thả những bóng mây sẫm xanh lưng núi. Có chỗ lại là vườn chuối. Chuối cứ xếp nếp lá bên nhau, nương tựa vào nhau mà leo lên gần đỉnh núi, làm thành những mảng non tươi màu cốm mới. Cứ như một hoạ sĩ gốc quê Hà Nội, bỗng nhớ mùa thu, nhớ cốm mà tung lên tranh những vệt sơn dầu. Nhưng chủ đạo của bức tranh núi tháng 9, tháng 10 là cứ phải màu vàng no nê xôi đậu. Xin cảm ơn những người chăm lo trồng rừng đặc dụng núi Bà Đen. Sao mà họ khéo chọn được loài cây hợp với núi quê mình đến thế. Ấy là cây giá tỵ. Thấy bảo thân cây dẻo dai có thể làm cột buồm. Nhưng trước hết là thấy cây mọc đều, sống tốt, mùa ngợp lá xanh, mùa rợp hoa vàng.

Mê mải quá nhưng cũng đừng quên phía trái con đường. Đấy là cả một mênh mông triền dốc thoải dần về phía xa tít tắp nơi chỉ còn thấy mờ mờ hư ảo làn sương. Phía xa ấy có thể là những sông Vịnh, hay suối Trà Vong, suối Nút… nơi lịch sử Tây Ninh ghi nhận hơn 150 năm, người Tây Ninh chọn đấy làm căn cứ địa chống xâm lăng. Từ những Khâm Tấn Tường, Trương Quyền liên quân ông Hoàng Khmer Pu Kăm Pô chống Pháp những năm 1860, cho đến chiến khu Trà Vong của lực lượng cách mạng Tây Ninh từ năm 1948, sau phát triển lên thành những Dương Minh Châu, Bắc Tây Ninh- nơi đặt bộ chỉ huy của cách mạng miền Nam suốt thời chống Mỹ kiên cường. Và ngay bên con đường 785 này cũng còn một dấu tích những thời xa xưa oai hùng ấy. Đấy là đền thờ Quan Lớn Trà Vong bên bờ suối Vàng, thuộc xã Thạnh Tân. Truyền tụng dân gian cho rằng đây chính là nơi Huỳnh Công Giản luyện dân binh tập ngựa. Vì thế chăng, mà ở gian hậu điện có cả một bàn bày la liệt tượng hàng trăm chú ngựa.

Đã nói tới chiến đấu, thì cũng không thể quên đây chính là tỉnh lộ 4 khi xưa, cùng với tỉnh lộ 13 đã trở thành những con đường máu cho quân Mỹ, nguỵ, chư hầu chạy dài sau những thảm bại nặng nề trong các mùa khô 1966, 1967. Hết At-tơn-bo-rơ lại đến Gian-xơn-xi-ty hành quân tìm diệt, “bắt sống bộ chỉ huy Việt cộng” trên vùng rừng Bắc Tây Ninh, Căn cứ Dương Minh Châu, có lúc tới 45.000 quân Mỹ và hàng trăm xe pháo, máy bay, nhưng đều thất bại hoàn toàn. Chỉ còn đây những cái tên, vốn mộc mạc hiền lành nhưng đã thành nỗi kinh hoàng của quân xâm lược; những Bàu Cỏ, Bàu Bắc, Khe Đon, Kà Tum, Bàu Châu É… Một cán bộ huyện Dương Minh Châu có mặt trong chống càn Gian-xơn-xi-ty mô tả một cách hình ảnh rằng: “Xe tăng như cua bò, máy bay như én liệng”. Vậy mà, chúng đã bỏ của chạy lấy người, để lại cả những vũ khí hạng nặng như xe tăng, thiết giáp và hàng chục khẩu pháo được mệnh danh Vua chiến trường. “Vua” bây giờ nằm sóng sượt dài hơn 10 mét trên sân trước Bảo tàng.

Khe Đon giờ đã có ngôi chùa đẹp như mơ của bà con Khmer ấp Thạnh Đông. Bàu Cỏ nay thuộc xã Tân Hưng, huyện mới Tân Châu cũng đã mọc lên những ngôi thánh đường của bà con người Chăm, giữa những thôn, ấp trù phú. Gần tới Đồng Pan- tâm điểm trận càn Gian-xơn-xi-ty cũng có nhà thờ thuộc xã Thạnh Đông lảnh lót tiếng chuông ngân. Tất cả đã trở lại yên bình. Tất cả đã tràn ngập màu xanh của mía, mì, cao su với cả những cánh đồng lúa trải ra hai bên con đường tỉnh lộ. Cả những xóm nhà xao xác cau, dừa, điểm trang quán xá. Nổi cao nhất ở mé Tây đường, có lẽ mới chỉ có Nhà máy đường Bourbon lừng lững như một con tàu trắng ngời trên biển xanh lá mía. Còn mé Đông đường, dĩ nhiên núi vẫn là một tượng đài vĩ đại trời cho, thu hút ánh nhìn của tất cả người đi. Chỉ hơi tiếc trên sườn Đông Bắc núi Phụng vẫn còn một khoảng sườn đá nham nhở trắng, kế bên là nhà máy xay đá núi Phụng vẫn gầm gừ tiếng máy nghiền, tung ra những làn bụi trắng. Tương phản lại là những nếp quán lá ven đường nhỏ xinh như một món đồ chơi nằm thanh thản. Chẳng nhiều nhặn gì! Chỉ vài mẹt mãng cầu với mươi nải chuối núi Bà. Chiếc võng của bà chủ quán đung đưa. Như dỗ ta về những ngày xửa ngày xưa.

NGUYỄN QUANG VĂN