BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ghi nhận ca sốt mò đầu tiên tại miền Nam là người Tây Ninh 

Cập nhật ngày: 16/11/2023 - 08:00

BTNO - Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) tiếp nhận một bé gái 37 tháng tuổi ở huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh) trong tình trạng nguy kịch vì bệnh sốt mò. Đây là ca bệnh sốt mò đầu tiên ở trẻ em được ghi nhận ở miền Nam.

Vết loét ngoài da do mò cắn lúc đầu là nốt phỏng tiến triển thành hình bầu dục trên nền sẩn đỏ

Theo gia đình bệnh nhi, cháu gái N.K.C nhập viện ngày 27.10. Khoảng 1 tuần trước khi nhập viện, bé gái sốt cao kéo dài, nôn ói, da xanh, tiểu sậm. Kết quả chẩn đoán, bé gái bị thiếu máu nặng, gan to, lách to độ 4, nhiễm khuẩn huyết nặng, tổn thương gan và thận nặng, đông máu nội mạch lan toả, tổn thương phổi và tràn dịch màng phổi phải, hội chứng hô hấp cấp, nguy kịch do viêm lan toả 2 phổi, tuỷ đồ có hình ảnh thực bào máu. Kết quả phân lập tác nhân trong máu bằng PCR ghi nhận bé gái bệnh sốt mò. 

Sau 3 ngày điều trị, bé hết sốt, các chỉ số chức năng cơ quan cải thiện dần, được rút nội khí quản, sẽ xuất viện sau 10 ngày.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sốt mò do tác nhân Orientia tsutsugamushi (ký sinh nội bào), có ổ dịch thiên nhiên, truyền ngẫu nhiên sang người khi bị ấu trùng mò đốt. Bệnh lưu hành chủ yếu ở châu Á và Tây Thái Bình Dương. Thời gian ủ bệnh từ 2-21 ngày và 27 ngày nếu không điều trị. Bệnh diễn tiến nhanh và nặng, triệu chứng bệnh sốt liên tục, kéo dài 38 - 40 độ C, nổi hạch, ban. Vết loét ngoài da do mò cắn lúc đầu là nốt phỏng tiến triển thành hình bầu dục trên nền sẩn đỏ, sau 4-5 ngày vỡ ra thành một nốt kích thước 0,5-2cm, có vảy đen. Khi vảy bong sẽ để lộ nốt loét đáy nông, hồng nhạt, không có mủ, không tiết dịch. Vết loét không đau nên dễ bỏ sót.

Vết mò trên người bệnh nhi (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Bệnh xuất hiện ở Việt Nam quanh năm, chủ yếu vào mùa mưa. Các loài gặm nhấm, thú nhỏ là ổ chứa mầm bệnh thứ yếu như: chuột, sóc, chồn, nhím, cầy, cáo, thỏ, chim, gia súc, gia cầm...

Tâm Giang