Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Ghi nhận ở một huyện làm tốt việc bảo đảm ATGT
Thứ năm: 05:31 ngày 15/10/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ai có dịp đến Hoà Thành, không chỉ trong Tháng ATGT mà bất cứ lúc nào, khắp trên các tuyến huyện lộ như Phạm Hùng, Lý Thường Kiệt, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh và các tuyến đường nhựa khác trong huyện, cũng đều thấy bóng dáng Cảnh sát giao thông.

Ai có dịp đến Hoà Thành, không chỉ trong Tháng ATGT mà bất cứ lúc nào, khắp trên các tuyến huyện lộ như Phạm Hùng, Lý Thường Kiệt, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh và các tuyến đường nhựa khác trong huyện, cũng đều thấy bóng dáng Cảnh sát giao thông (CSGT). Bên cạnh đó có 2 hoặc 3 cảnh sát mặc quân phục màu xanh mạ (người ta thường gọi là “Cảnh sát áo mạ non”) đi tuần tra an toàn giao thông. Nếu đến Hoà Thành vào buổi chiều tối là giờ cao điểm xảy ra TNGT, bên cạnh CSGT, Cảnh sát áo mạ non còn có lực lượng khác nữa là tuần tra nhân dân và Công an xã có mặt trên mọi nẻo đường xóm ấp…

Chúng tôi thắc mắc làm thế nào Hoà Thành có thể tập trung nhiều lực lượng huyện, xã, đôi lúc có cả Cảnh sát cơ động tỉnh đi tuần tra ATGT suốt cả ban ngày, ban đêm, thứ bảy, chủ nhật một cách liên tục, lâu dài như thế? Anh Phan Minh Thắng- Đội trưởng Đội CSGT- trật tự cơ động -Công an huyện Hoà Thành cho biết: Đó là mô hình tuần tra bảo đảm ATGT của huyện đã triển khai thực hiện từ nhiều năm. Trong năm 2009 có tập trung cao độ về tần suất và thời lượng các ca, tổ tuần tra. Công an huyện có kế hoạch tuần tra riêng, chủ yếu ở các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, các tuyến đường nhựa. Còn các đường đất trong xã thì Công an xã tự làm. Hằng đêm Công an huyện đưa 1 cán bộ xuống mời xã để hỗ trợ thêm về công tác phòng, chống tội phạm trên đường, giải quyết các vụ việc về ANTT. Các tổ tuần tra đều được trang bị máy đo nồng độ cồn, phát hiện người đã uống rượu bia điều khiển xe thì đo nồng độ cồn tại chỗ và lập biên bản nếu vi phạm. Trong khi kiểm tra nồng độ cồn và lập biên bản thì đồng thời các anh cũng quay phim ghi lại cảnh xử lý, do mỗi tổ đều được trang bị 1 máy camera.

Tổ Tuần tra bảo đảm ATGT đang làm nhiệm vụ.

Tiếp theo “những điều trông thấy” ở trên, qua khảo sát thực tế liên tiếp nhiều ngày, chúng tôi ghi nhận được cứ đều đặn đúng 6 giờ 30, 11 giờ 30 và 17 giờ 30 hằng ngày, các cụm loa phát thanh ngoài đường, kể cả trong vùng nông thôn, như “đến hẹn lại lên” đồng loạt phát thanh các khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”, “Không chạy quá tốc độ quy định”, “Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm”Dù đang tất bật với công việc, dù đang trong dòng người- xe hối hả, những âm thanh ấy cứ vang vọng bên tai như không sót một ai. Tìm hiểu sâu mới biết, để đầu tư cho công tác tuyên truyền ATGT, huyện đã tăng cường lắp đặt hệ thống loa truyền thanh, triển khai đến tận xóm ấp. Đến nay toàn huyện có tới 83 cụm loa, trung bình mỗi ấp có ít nhất 2 cụm loa (Hoà Thành có 33 ấp, khu phố), hằng ngày đều phát chuyên mục ATGT. Như thế, mỗi ngày có bao nhiêu người được nghe thông tin về ATGT ở Hoà Thành? Con số ấy khó mà đếm được, nhưng rõ ràng cách tác động kiểu “mưa dầm thấm đất” ấy đã có tác động rất lớn đến nhận thức về ATGT của người dân ở trên đất Hoà Thành.

Năm 2009, tỉnh giao Hoà Thành kéo giảm số người chết do tai nạn giao thông so với năm 2008. Cụ thể số người chết không quá 18 người. Ngay từ đầu năm, UBND, Ban ATGT huyện đã tăng cường chỉ đạo các ngành và UBND xã, thị trấn tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó tập trung giải pháp tuyên truyền và kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn giao thông. Không khó mấy để nhìn thấy các biển cảnh báo kiểm tra tốc độ, cảnh báo nguy hiểm lắp đặt trên đường, các băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về ATGT tại các quán nhậu, các camera quan sát giao thông tại các giao lộ có đèn tín hiệu. Điều đó tác động rất nhiều vào sự hiểu biết của người dân về ATGT.

Tuy nhiên, người dân vẫn có thói quen ít khi chấp hành nếu không có chế tài xử lý mạnh. Trên địa bàn huyện Hoà Thành trước đây, hiếm khi người dân tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ nếu như họ không thấy bóng dáng CSGT, vì vậy tình trạng vi phạm trật tự ATGT diễn ra khá phổ biến. Tham gia giao thông trên đường thì mạnh ai nấy đi, muốn được cho mình mà không tính đến phần người khác, cũng như ít khi họ nghĩ đến những mất mát, tổn thất về vật chất lẫn tinh thần nếu xảy ra TNGT. Đó là điều trăn trở, lo ngại nhất của lãnh đạo huyện. Phải làm thế nào để người dân có sự chuyển biến tích cực từ “hiểu” sang “chấp hành”? Chính vì lẽ đó, bên cạnh công tác tuyên truyền, huyện tích cực đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm. Thực tế cho thấy đây là biện pháp hữu hiệu để tác động đến ý thức của người dân khi tham gia giao thông.

Trong 9 tháng đầu năm 2009, lực lượng tuần tra kiểm soát đã lập biên bản vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ 13.161 trường hợp. Riêng công an xã lập biên bản 1.862 trường hợp, xử phạt số tiền 729 triệu đồng, xã phạt nhiều nhất 231 triệu đồng, xã phạt ít nhất 27 triệu đồng. Nếu như trước đây, người vi phạm dù biết hành vi của mình là phạm luật, nhưng không thấy CSGT họ ít khi chấp hành, thì nay họ chấp hành rất tốt. Theo nhận xét của anh Phan Minh Thắng, hiện nay đa số người chạy xe mô tô đã giảm bớt tình trạng chạy cẩu thả và tỏ ra rất… dè dặt khi uống rượu mà tham gia giao thông. Một phần do họ ý thức được hiểm hoạ của TNGT, một phần sợ gặp phải các lực lượng của huyện, của xã làm nhiệm vụ sẽ dễ bị phát hiện lập biên bản xử phạt. Có thể nói sự “dè dặt” đó cũng góp phần nhất định làm cho số vụ TNGT chết người được kéo giảm đáng kể. Trong 9 tháng đầu năm 2009, TNGT và va chạm giao thông đường bộ ở Hoà Thành đã giảm cơ bản, số người chết giảm 57,14%. Đây là một tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ có sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm ATGT trên địa bàn huyện Hoà Thành, góp phần rất lớn vào nhiệm vụ kéo giảm tai nạn giao thông của tỉnh.

Xã hội ngày càng phát triển, tốc độ đô thị hoá được đẩy nhanh, mật độ các phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ càng lớn. Chính vì vậy, hình thành và duy trì việc chấp hành nghiêm Luật Giao thông của người tham gia giao thông càng phải tiếp tục được nâng cao để xây dựng “Văn hoá giao thông”, và hơn hết là hạn chế những đau thương do TNGT gây ra. Điều đó đòi hỏi toàn xã hội phải vào cuộc. Giảm một người chết do tai nạn giao thông tức là đã cứu sống được một người, cứu vãn được cảnh tang thương của một gia đình. Đó không chỉ là mục tiêu, trách nhiệm của riêng ngành chức năng mà là của mọi người, mọi nhà.

A.N

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục