Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Việc tích hợp nhiều nội dung khác nhau vào các môn học (sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giáo dục dân số, giáo dục an toàn giao thông; kỹ năng sống; giáo dục môi trường biển, hải đảo; giáo dục biến đổi khí hậu…) đã tạo không ít khó khăn và áp lực cho giáo viên.
(BTN)- Như tin đã đưa, trong thời gian từ ngày 21 đến 27.3 vừa qua, đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh đã thực hiện đợt giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Trong thời gian 4 ngày, đoàn đã lần lượt đến làm việc với ngành Giáo dục các huyện Tân Biên, Hoà Thành, Bến Cầu và UBND tỉnh. Nội dung trọng tâm của đợt giám sát này nhằm làm rõ những ưu điểm và hạn chế của chương trình giáo dục và sách giáo khoa phổ thông hiện hành, là cơ sở để xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai vào năm 2015.
Ông Lê Minh Trọng, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Tây Ninh- Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc ở huyện Bến Cầu |
Chương trình giáo dục hiện hành được chính thức triển khai đại trà trên cả nước từ năm học 2002 – 2003. Theo đánh giá của Sở Giáo dục - Đào tạo: đối với bậc tiểu học, mục tiêu giáo dục đề ra là tương đối phù hợp. Cấu trúc chương trình theo hướng đồng tâm và có sự tích hợp nhiều phân môn trong một môn học. Những vấn đề mang tính thời sự đã được tích hợp vào các môn học, vào hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Tuy nhiên, việc tích hợp nhiều nội dung khác nhau vào các môn học (sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giáo dục dân số, giáo dục an toàn giao thông; kỹ năng sống; giáo dục môi trường biển, hải đảo; giáo dục biến đổi khí hậu…) đã tạo không ít khó khăn và áp lực cho giáo viên.
Vẫn theo nhận định của Sở Giáo dục - Đào tạo, đối với bậc THCS: mục tiêu giáo dục được thể hiện khá rõ nét trong chương trình, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, đó là giúp học sinh củng cố, phát triển những kết quả của giáo dục tiểu học.
Ở bậc THPT, nhiều nội dung kiến thức kỹ năng mới đã được cập nhật, vận dụng để rèn luyện năng lực thực hành cho học sinh. Môi trường sư phạm được cải thiện không chỉ về cơ sở vật chất, điều kiện, không gian dạy học mà cả về hành vi, thái độ ứng xử giữa các thành viên tham gia vào quá trình dạy học.
Chương trình giáo dục phổ thông, bên cạnh những ưu điểm vẫn còn không ít hạn chế như: chưa đảm bảo sự cân đối giữa “dạy chữ” và “dạy người”, còn nặng về kiến thức, chưa coi trọng việc hình thành nhân cách cho học sinh. Nội dung một số môn học ở trung học còn mang nặng tính hàn lâm, ít thực hành và rèn luyện kỹ năng. Yêu cầu của chương trình chưa phù hợp so với trình độ thực tế của các đối tượng học sinh dân tộc thiểu số và học sinh vùng sâu, vùng xa.
Về sách giáo khoa ở bậc tiểu học, hạn chế lớn nhất là cấu trúc chương trình chưa đồng nhất ở các phân môn, gây khó khăn cho học sinh và giáo viên. Ví dụ: có phân môn yêu cầu không dạy nhưng phân môn khác lại đưa vào kiểm tra, thực hành; các yêu cầu của chuẩn kiến thức – kỹ năng không khớp nội dung của chương trình sách giáo khoa.
Riêng sách giáo khoa THCS và THPT được đánh giá là rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu, hỗ trợ tốt cho giáo viên và học sinh. Nhiều kiến thức mới được cập nhật, nhiều bài tập kích thích tư duy học sinh. Điểm hạn chế là một số bộ môn có nhiều thuật ngữ khoa học khó hiểu hoặc chưa chuẩn xác, chưa nhất quán. Cách dùng từ, thuật ngữ, khái niệm, ký hiệu, cách tiếp cận giữa sách giáo khoa theo chương trình chuẩn và sách giáo khoa nâng cao ở một số môn học có chỗ chưa thống nhất (như sách giáo khoa các môn Vật lý, Toán, Ngữ văn). Có lúc còn thiếu sự cân đối cần thiết giữa lý thuyết và thực hành, giữa ôn tập và kiểm tra; chưa chú ý đúng mức đến yêu cầu vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Học sinh nộp bài tập cho cô giáo. Ảnh minh hoạ |
Theo ý kiến của phần lớn giáo viên và cán bộ quản lý, một trong những hạn chế lớn nhất của chương trình và sách giáo khoa hiện nay là sự quá tải cả về dung lượng cũng như hàm lượng tri thức- một vấn đề đã từng được dư luận đề cập quá nhiều. Nguyên nhân của tình trạng này là do chương trình và sách giáo khoa hiện hành được làm theo một quy trình ngược: viết xong sách giáo khoa rồi mới xây dựng chuẩn kiến thức kỹ năng (lẽ ra phải làm ngược lại). Để khắc phục, Bộ Giáo dục - Đào tạo hầu như năm nào cũng có văn bản chỉ đạo giảm tải, bỏ toàn bài hoặc một phần của bài học. Văn bản chỉ đạo lại thiếu thống nhất thậm chí mâu thuẫn nhau nên sách giáo khoa, phân phối chương trình gần như bị “băm nát”. Chỉ riêng việc thực hiện tích hợp các nội dung ngoài xã hội vào tiết dạy đã khiến giáo viên “điên đầu”.
Đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo cho rằng: hầu hết giáo viên hiện nay đã đạt và vượt chuẩn về trình độ đào tạo theo quy định, do vậy năng lực giảng dạy cũng được nâng lên đáng kể. Phần lớn giáo viên có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc, thực hiện đầy đủ, đúng quy chế chuyên môn, có nhiều cố gắng trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Tuy vậy, vẫn còn một bộ phận giáo viên chưa tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay. Vẫn còn tình trạng thầy đọc trò chép, thầy trò chạy theo điểm số, đối phó thi cử…
Trong thời gian thực hiện đợt giám sát ở cơ sở, các thành viên đoàn giám sát đã đặt ra những vấn đề cụ thể có liên quan trực tiếp đến toàn bộ lĩnh vực hoạt động của ngành Giáo dục. Theo ghi nhận, ngoài vấn đề chương trình và sách giáo khoa, đa số cán bộ quản lý và giáo viên cũng tập trung phản ánh vào một số vấn đề nổi cộm của ngành Giáo dục hiện nay như: chế độ đãi ngộ nhà giáo, phổ cập giáo dục, dạy thêm học thêm, chất lượng giáo viên...
VIỆT ĐÔNG