BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ghi nhận qua một cuộc hội thảo: Vì một mái ấm không có bạo lực

Cập nhật ngày: 24/06/2009 - 11:28

Các gia đình anh Hồng, chị Rao và bà Mến tham gia giao lưu tại hội thảo

Bà Nguyễn Thị Mến, 54 tuổi, nhà ở ấp Gò Nổi, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành thoáng chút ngập ngừng, lo âu khi nghe người giới thiệu mời lên bục giao lưu, bởi bà nghĩ “Chuyện nhà chẳng có gì tốt đẹp, lên kể không khéo mọi người sẽ cười”. Gia đình bà Mến là gia đình nông dân “thứ thiệt” ở vùng biên giới nắng cháy da người. Vợ chồng bà phải dầm mưa dãi nắng quanh năm suốt tháng trên đồng ruộng để lo cái ăn, cái mặc cho 6 đứa con. Cực khổ, vất vả mấy ông bà cũng chịu được, vậy mà đổi lại, trong số những đứa con mà ông bà rứt ruột sinh ra, lại có đứa trở thành kẻ “phá gia chi tử”, thường xuyên làm khổ ông bà bằng những trận mắng chửi hoặc đập phá đồ đạc trong nhà. Đó là Tuấn- người con trai thứ ba, hàng xóm quen gọi là “Tuấn què”.

Bà Mến kể: “Hồi nhỏ thằng Tuấn chẳng may bị sốt bại liệt, trở thành đứa tật nguyền. Thấy nó chịu thiệt thòi nhất trong số mấy anh chị em nên vợ chồng tôi thương yêu, nuông chiều nó hơn so với những đứa khác. Nào ngờ…”. Biết được “lợi thế” của mình nên Tuấn đâm ỷ lại. Khi lớn lên, Tuấn vẫn được ba mẹ quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đi học chữ, học nghề, nghĩa là bất kỳ một yêu cầu nào của cậu ta cũng đều được gia đình đáp ứng. Vậy mà Tuấn lại mải mê ham chơi, bỏ học giữa chừng, theo bạn bè tập tành uống rượu rồi về nhà quậy phá, chửi cha mắng mẹ. Đã nhiều lần Tuấn bị chính quyền địa phương đưa ra công khai hoá. Nhưng chỉ được vài tháng, Tuấn lại quen thói cũ, tiếp tục hành vi bạo hành trong gia đình, quậy phá mẹ cha. Chia sẻ nỗi niềm của một người mẹ có đứa con bất trị, bà Mến mong mỏi “Vợ chồng tôi đã quá nuông chiều, muốn bù đắp thiệt thòi cho con mà chịu đựng sự quậy phá của nó suốt mấy chục năm trời. Hôm nay tôi đến dự hội thảo chỉ với mong muốn tìm hiểu những kiến thức về phòng chống bạo lực gia đình, cũng như chia sẻ nỗi niềm của một gia đình có bạo lực, được nghe mọi người tư vấn, góp ý để giúp chúng tôi có biện pháp giáo dục con trai trở lại thành người tốt”.

Gia đình thứ hai được mời đến giao lưu tại buổi hội thảo cấp tỉnh về phòng chống bạo lực gia đình là vợ chồng anh Trần Văn Hồng và chị Nguyễn Thị Rao, ngụ ở ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền. Vốn là dân nhà nông chất phát, hiền lành nên khi được hỏi lý do vì sao những năm trước đây anh lại có hành vi bạo lực với vợ, thường “mượn rượu” để đánh vợ, anh Hồng thật thà trả lời: “Tại tôi hổng có việc làm. Mỗi lần đi nhậu về mà nghe bả cằn nhằn là tự nhiên nổi nóng, bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy xấu hổ lắm! Sau này khi nghe bả nhỏ to tâm sự, khuyên giải thiệt hơn nên tôi nghĩ vợ chồng mà không nghe lời nhau thì biết nghe lời ai bây giờ”. Để đến tham dự được buổi hội thảo, vợ chồng anh Hồng cũng có chút đắn đo, ngại ngùng. Thế nhưng với mong muốn được trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ tâm tư tình cảm với mọi người để cùng phấn đấu xây dựng gia đình hạnh phúc không còn bạo lực, cuối cùng anh chị đã vượt qua sự e ngại. Chị Rao kể: “Hồi đó, ổng không có công ăn việc làm, lại có tật cờ bạc, đề đóm, rượu chè. Vợ chồng thường hay cãi vã nhau về chuyện tiền nong, về những tật xấu của ổng, thế là xảy ra bạo lực. Đã nhiều lần tôi định xin ly hôn nhưng nghĩ đến con cái bị ảnh hưởng, gia đình tan đàn xẻ nghé và nhờ được bà con xung quanh khuyên răn nên tôi nghĩ lại. Biết chồng không thích bị cằn nhằn mỗi khi say rượu, nên tôi kiềm chế bớt, lựa những lúc thuận tiện, tôi nhỏ to tâm sự, khuyên giải thiệt hơn. Tôi còn tham gia công tác phụ nữ ở địa phương để có thêm hiểu biết về việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Nhờ lạt mềm buộc chặt mà từ từ ông xã tôi thấm thía, chịu từ bỏ cờ bạc, rượu chè để vun đắp hạnh phúc gia đình”. Để cho anh “thấm thía” những lời khuyên răn, chị Rao cũng phải mất hơn cả năm trời thuyết phục. Bên cạnh đó, chị còn giúp anh tìm kiếm công ăn việc làm. Nhờ có sự chung sức chung lòng, quyết tâm thay đổi cách sống để hàn gắn lại hạnh phúc mà gia đình anh Hồng, chị Rao giờ đây đã là một gia đình văn hoá tiêu biểu ở địa phương, một gia đình không còn bạo lực nữa. Anh Hồng nói: “Tôi mong các ông chồng nên từ bỏ ngay cái khoản… đánh vợ con vì như thế chẳng có lợi ích gì cho mình cả. Gia đình mà có bạo lực sẽ rất dễ dẫn đến ly hôn, không tốt đẹp gì cho bản thân mình, cho con cái mà còn ảnh hưởng đến cả xã hội”.

Trên đây là hai trong số những gia đình đã hoặc đang có xảy ra bạo lực, có mặt tại cuộc hội thảo “Phòng chống bạo lực gia đình- thực trạng và giải pháp” do Sở VH-TTDL và Hội Phụ nữ tỉnh Tây Ninh phối hợp tổ chức vào ngày 23.6.2009 nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28.6. Mục đích của hội thảo cũng chính là niềm mong mỏi của mọi gia đình nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu phòng chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, để gia đình thật sự là tổ ấm của mỗi người, mỗi nhà.

KN