Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo một thương lái, hiện củ mì tươi đang “lập kỷ lục” mới với giá thu mua “chưa từng có”, xấp xỉ 3.300 đồng/kg.
Nông dân thu hoạch mì. Ảnh minh hoạ Minh Dương
“Trước đây, giá củ mì tươi được đưa từ Campuchia về các nhà máy chế biến trong tỉnh luôn thấp hơn giá củ mì trồng tại địa phương vài trăm đồng một ký. Lý do là củ mì được trồng bên nước bạn có hàm lượng tinh bột thấp hơn củ mì do nông dân Tây Ninh trồng.
Tuy nhiên, hiện nay, giá củ mì tươi từ Campuchia về được các nhà máy thu mua ngang giá với củ mì trồng tại tỉnh. Ở thời điểm hiện tại, củ mì Campuchia là nguồn nguyên liệu chính của các nhà máy chế biến tinh bột mì Tây Ninh”, thương lái này cho hay.
Nông dân phun thuốc trừ bệnh khảm lá. Ảnh minh hoạ Minh Dương
Ông Trần Phước Vinh – Phó Chủ tịch Hiệp hội sắn (mì) Việt Nam cho biết, năm nay, thiên tai, bão lụt đã làm giảm đáng kể diện tích trồng mì và sản lượng củ mì trong cả nước. Đồng thời, do bệnh khảm lá mì chưa được xử lý, ngăn chặn triệt để nên tiếp tục gây hại trên cây mì, làm giảm đáng kể năng suất củ. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nên việc qua lại biên giới, việc nhập khẩu củ mì tươi từ Campuchia vào Tây Ninh gặp khó khăn, càng khiến cho củ mì nguyên liệu trở nên khan hiếm.
“Chưa bao giờ giá củ mì tươi cao đến mức này. Do thiếu hụt nguyên liệu chế biến, nên các nhà máy tranh nhau mua, đẩy giá củ mì nguyên liệu lên cao ngất ngưởng. Cũng may là giá bột mì xuất khẩu cũng tăng theo nên các nhà máy chế biến mới cầm cự được. Hiện tại, mỗi tấn bột xuất khẩu theo đường tiểu ngạch có giá 11 triệu đồng khi giao tại cảng”, ông Vinh cho biết thêm.
Nhiều diện tích mì trong tỉnh hiện chỉ mới xuống giống được khoảng 3 tháng.
Trong khi đó, theo một số thương lái, hiện đa phần diện tích mì trồng trong tỉnh chưa đến thời điểm thu hoạch. Với giá củ mì nguyên liệu như hiện nay, nông dân trồng mì có lãi rất cao. “Bình quân, với năng suất 30 đến 40 tấn củ mỗi ha, người nông dân sẽ bán được trung bình khoảng 100 triệu đồng/mỗi ha mì.
Nếu không phải thuê đất trồng, nông dân có lãi khoảng hơn 60 triệu đồng/ha. Người nào thuê đất cũng có lãi gần 50 triệu đồng/ha. Đây là lý do mà nhiều nông dân vẫn quyết đeo bám cây mì ngay cả khi dịch bệnh khảm lá hoành hành”, ông Hai Oanh, một nông dân trồng mì và cũng là thương lái ở huyện Tân Biên cho biết.
An Khang