Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giá đất có thật sự “sốt”?
Chủ nhật: 22:48 ngày 17/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những năm gần đây, cùng với sự chuyển mình, phát triển kinh tế mạnh mẽ của tỉnh, thị trường nhà đất cũng sôi động theo, giá đất nhiều nơi tăng đột biến. Thế nhưng theo chính quyền địa phương, giá đất không thật sự “sốt”, chủ yếu là do những người đầu cơ mua đất nông nghiệp có diện tích lớn phân chia thành những lô đất nhỏ, rồi tìm cách đẩy giá lên cao.

Một khu đất tại ấp An Phú, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng được rao bán đất nền trên mạng xã hội (ảnh chụp ngày 14.3).

RA NGÕ GẶP “CÒ ĐẤT”

Theo những thông tin quảng cáo về dự án khu dân cư gần Khu công nghiệp xã Phước Đông, huyện Gò Dầu được đăng trên mạng xã hội Facebook, chúng tôi đã liên hệ với người bán qua số điện thoại để hỏi thăm về địa chỉ để tham quan. Khi nghe chúng tôi đề cập đến dự án thì người này nhanh nhảu xưng là nhân viên của một công ty bất động sản, nhưng lại phân trần, dự án đăng quảng cáo với 150 nền đất đến tháng 4.2019 mới hình thành vì công ty đang xin thủ tục. Nếu chúng tôi có nhu cầu, anh ta sẽ giới thiệu những nền đất khác có vị trí địa lý “đắc địa” gần khu công nghiệp, gần trường học nằm trên địa bàn hai huyện Gò Dầu và Trảng Bàng. Anh này cũng không quên quảng cáo bán nền đất ở gần dự án Bệnh viện Xuyên Á với giá hơi cao.

Chúng tôi tìm đến địa bàn ấp An Phú, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, nơi có hình ảnh một khu đất được nhiều tài khoản rao bán đất nền. Khi chúng tôi ghé một quán nước ven đường để hỏi thăm, chủ quán cho biết, ở đây có khá nhiều khu đất kêu bán, nếu muốn hỏi chính xác, anh ta sẽ điện thoại cho “cò đất” dẫn chúng tôi đi.

Tại một quán nước nhỏ ven con đường chính từ Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III vào ấp An Phú, chỉ có tấm bảng mua bán nhà đất đặt tạm bên góc, nhưng khá nhiều “cò” nằm võng chờ thời. Biết chúng tôi có ý định mua đất, nhiều người sốt sắng giới thiệu những khu đất gần trường, gần đường, thuận tiện đi lại…. Phần đông đều không quên nhắc khéo: Trảng Bàng sắp tới sẽ lên thị xã nên mua đất lúc này là đúng thời điểm, sau này chắc chắn có lãi.

Dù chúng tôi hẹn sẽ sớm trả lời nhưng chưa về đến nhà, đã có nhiều “cò” điện thoại giới thiệu đất nền. Một “cò đất” xưng là nhân viên của công ty bất động sản quảng cáo một lô 7 nền đất nằm gần đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận huyện Gò Dầu. Theo tay này, hiện chỉ còn một nền duy nhất, chúng tôi nên mua, vì sau này khi đường Hồ Chí Minh hoàn thành, giá sẽ tăng 4-5 lần.

Khi chúng tôi hỏi đây có phải là đất dự án khu dân cư hay không, tay “cò” cho biết, đây là phần đất giáp với mặt đường được công ty mua rồi phân lô bán, chứ không phải đất dự án khu dân cư. Tuy nhiên anh này luôn miệng khuyên chúng tôi nên mua sớm vì “chỉ cần vài ngày chắc sẽ có người lấy bởi hiện nay giá đất ở tỉnh Tây Ninh đang “sốt” lên từng ngày”.

DỰ ÁN “ẢO”

Theo quảng cáo trên mạng xã hội và trên các tờ rơi được treo trên cành cây, hàng rào… ven một số con đường ở huyện Gò Dầu về một dự án bất động sản có cái tên khá kiêu “Dự án sinh thái ECO RIVERSIDE” tại ấp Cây Nính, xã Phước Trạch với tiềm năng phát triển cao, gần nhiều chợ, cách khu đô thị Phước Đông 5km, Khu công nghiệp Phước Đông 5km. Đặc biệt, dự án được quảng cáo là có “sổ hồng” riêng biệt cho từng nền, giấy tờ hợp lệ, thủ tục nhanh chóng. Ngoài ra, trên các tờ rơi còn quảng cáo đất nền dự án có hạ tầng đã hoàn thiện. Quảng cáo trên tờ rơi dễ khiến nhiều người tin tưởng đây là dự án bất động sản đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Ngày 14.3, theo hướng dẫn của người dân ấp Cây Nính, chúng tôi đến khu đất. Dù quảng cáo là dự án bất động sản nhưng tại đây không hề có tấm bảng nào công khai về dự án hay phối cảnh chung của dự án. Khu đất đang được san ủi bằng phẳng, mặt tiền chạy dọc theo con đường nhựa nông thôn được thi công thêm phần vỉa hè bằng xi măng có chiều ngang chừng 1m, trồng thêm một số cây cảnh. Khi chúng tôi đến, trên khu đất vẫn còn một ngôi nhà cấp 4 đang được nhân công phá bỏ.

Theo lời người dân sống ở đây, trước kia, khu đất của một người dân địa phương. Sau đó nghe đâu có một công ty đến mua rồi cho dọn dẹp, chỉnh trang để phân lô, bán nền. Chúng tôi đã thông tin về dự án với một vị lãnh đạo huyện Gò Dầu, vị này cho biết sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý.

Ngày hôm sau, trao đổi với chúng tôi tại UBND xã Phước Trạch, ông Phan Văn Tân- Chủ tịch xã khẳng định, trên địa bàn hiện không có bất cứ dự án bất động sản nào được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. UBND xã cũng đã mời đại diện doanh nghiệp quảng cáo về dự án “ECO RIVERSIDE” đến trụ sở để làm việc về việc phân lô bán nền. Theo ông Tân, thửa đất này có diện tích 7.955m2, trong đó có 400m2 đất ở nông thôn, còn lại là đất trồng cây lâu năm.

Qua làm việc, UBND xã đã đề nghị người đại diện doanh nghiệp tạm thời ngưng ngay việc phân lô, bán nền đối với thửa đất nêu trên, gỡ video clip quảng cáo đăng trên Facebook và các trang mạng xã hội khác. Công ty cũng không được nhận tiền đặt cọc của tổ chức, cá nhân về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chờ sau khi có chủ trương, quy định cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hoàn tất các thủ tục quy định của pháp luật.

Đại diện doanh nghiệp chấp hành theo các đề nghị của UBND xã và khẳng định không có nhận tiền cọc. Lý giải về việc quảng cáo bán đất nền khi dự án chưa được cấp phép, đại diện doanh nghiệp cho biết: việc quảng cáo là nhằm tìm kiếm khách hàng trước, sau khi được cấp phép và hoàn chỉnh tất cả hồ sơ pháp lý mới tiến hành chuyển nhượng (!?).

Hình ảnh thực của khu đất tại ấp Cây Nính, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu được quảng cáo là “dự án sinh thái Eco Riverside” (ảnh chụp ngày 14.3).

CẨN THẬN MIỆNG LƯỠI CỦA “CÒ”

Ông Trương Văn Rưa- Chủ tịch UBND xã Phước Đông cho biết, trên địa bàn xã hiện không có dự án bất động sản phân lô, bán nền nào được Nhà nước cho phép. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh của Khu công nghiệp Phước Đông, nhiều “cò” đã mua đất có diện tích lớn ở các xã lân cận, phân lô để rồi sau đó quảng cáo bán đất nền. Thế nhưng qua thực tế tìm hiểu, những khu đất mà “cò” rao bán trên mạng xã hội đều cách xa khu trung tâm xã, không giống như những lời quảng cáo “có cánh” của “cò”.

Tương tự, ông Đỗ Hoàng Vũ- Chủ tịch UBND xã An Tịnh khẳng định, trên địa bàn xã cũng không có một dự án bất động sản nào được cấp phép. Tuy nhiên trước đây, một số công ty bất động sản và “cò” mua những khu đất có diện tích lớn với giá cao, sau đó liên hệ với Văn phòng Đăng ký đất đai- chi nhánh Trảng Bàng thực hiện thủ tục tách thửa để bán lại cho người khác (đa số là công nhân). Các công ty bất động sản còn có đội ngũ nhân viên quảng cáo chuyên đi treo tờ rơi theo trụ điện và hàng rào nhà người dân trên địa bàn xã, tạo ra tình trạng “sốt” giá đất.

Trước tình hình “cò đất” hoành hành, UBND xã An Tịnh đã có văn bản báo cáo UBND huyện và các ngành chức năng của huyện.

Theo lãnh đạo UBND một xã ở huyện Gò Dầu, số người dân có nhu cầu thật sự về đất không nhiều, chủ yếu là do hoạt động mua bán giữa các tay “cò”, từ đó đẩy giá đất ngày càng lên cao.

NGHĨA NHÂN

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh