BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giá heo hơi tăng trở lại 

Cập nhật ngày: 15/06/2019 - 05:12

BTN - Một thương lái mua heo tại thành phố Tây Ninh cho biết, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng tăng sau đợt giảm giá chạm đáy 30.000 đồng/kg, dao động từ 35.000 - 36.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá này, người chăn nuôi chưa đủ để “gỡ vốn”.

Người chăn nuôi bán tháo heo dù chưa đủ lứa để “ chạy” dịch.

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình dịch tả heo châu Phi đang diễn biến ngày càng phức tạp, hiện đã lan rộng trên địa bàn 55 tỉnh, thành của cả nước. Đáng lưu ý là các tỉnh giáp ranh Tây Ninh như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh đều đã công bố có dịch.  Do đó, nguy cơ dịch tả heo châu Phi có thể xâm nhiễm vào Tây Ninh là rất lớn, khiến người chăn nuôi heo hết sức hoang mang, dù thời gian qua, tỉnh đã chủ động có nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả để phòng, chống dịch.

Đến nay, dịch tả heo châu Phi dù chưa xảy ra ở tỉnh nhưng cũng đã gây tác động đáng kể đến ngành chăn nuôi heo và thị trường tiêu thụ. Trong đó, đã có không ít trường hợp người dân bán tháo heo khoẻ mạnh để “chạy dịch” dù giá thấp.

Chiều 13.5.2019, dù thở phào nhẹ nhõm vì xuất bán được đợt heo thịt cho thương lái nhưng ông Nguyễn Tấn Thành (ngụ ấp Cầy Xiêng, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành) vẫn không khỏi luyến tiếc. Theo ông Thành, đàn heo của ông đang lớn, trọng lượng trung bình chỉ hơn 80kg/con nhưng ông vẫn bóp bụng bán với giá 36.000 đồng/kg heo hơi.

Ông Thành chia sẻ, vài hôm trước, giá heo hơi chỉ còn khoảng 30.000 đồng/kg. Do đó, khi giá heo vừa tăng trở lại thì ông vội vàng bán đi, bởi “ôm” đàn heo hơn 10 con trong thời điểm hiện tại rất bất an. Nếu không may có dịch xảy ra, coi như công sức hơn 4 tháng qua và bao nhiêu vốn liếng đổ sông, đổ bể.

Còn theo anh Nguyễn Văn Huy, người chăn nuôi tại xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh, từ khi thông tin dịch tả heo châu Phi bắt đầu lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, giá heo sụt giảm, khiến người chăn nuôi thêm khó khăn. Bởi trước đó, trong hai năm 2017 - 2018, giá heo đã giảm mạnh, có lúc chỉ còn dưới 20.000 đồng/kg khiến người nuôi lỗ nặng. Một số người cố gắng cầm cự chờ giá heo tăng lên nhưng chỉ được vài tháng, chưa kịp gỡ vốn thì dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở nơi khác đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiêu thụ heo trong tỉnh.

Anh Hùng, một thương lái mua heo tại thành phố Tây Ninh cho biết, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh đã có chiều hướng tăng sau đợt giảm giá chạm đáy 30.000 đồng/kg, dao động từ 35.000 - 36.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với mức giá này, người chăn nuôi chưa đủ để “gỡ vốn”.

Theo anh Kiệt, một người chăn nuôi tại phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh, mặc dù đã thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương, nhưng anh vẫn không an tâm khi biết bệnh tả heo châu Phi chưa có vắc-xin ngừa và kháng sinh điều trị, trong khi tỷ lệ heo mắc bệnh tử vong rất cao.

Số lượng thịt heo được bán tại các chợ cũng giảm mạnh so với thời điểm chưa xuất hiện dịch tả heo châu Phi trong nước. Tại nhiều chợ lớn trong tỉnh, giá bán thịt heo đã giảm từ 10.000 - 15.000 đồng/kg so với trước.

Bà Kim Khánh, tiểu thương buôn bán thịt heo tại chợ thành phố Tây Ninh cho biết, trước đây mỗi ngày bà bán được trên dưới 150kg thịt móc hàm, hiện chỉ còn chưa đến 100kg mỗi ngày. Theo bà Khánh, dù các phương tiện thông tin đại chúng đều cho biết dịch tả heo châu Phi không gây hại trên người nhưng nhiều người dân vẫn e ngại, khiến lượng thịt heo bán ra giảm hơn 30% so với trước.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh trên 177.194 con. Công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi đang được ngành Thú y tập trung thực hiện với 11 chốt kiểm dịch động vật và 6 đội kiểm tra liên ngành.

MINH DƯƠNG - THẾ NHÂN

Theo ông Nguyễn Thành Thúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện các ngành, các cấp có liên quan đang khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch tả heo châu Phi. Trong đó, công tác kiểm dịch heo từ ngoài tỉnh vào địa bàn được siết chặt. Theo ông Thúc, mỗi ngày, lượng heo tiêu thụ trên địa bàn tỉnh trên 1.200 con. Trong khi đó, lượng heo nuôi trong tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, còn lại vẫn phải nhập từ các tỉnh lân cận, chủ yếu từ Đồng Nai và Bình Dương.

Mặc dù các tỉnh như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện dịch nhưng nhờ thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật nên tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, dịch bệnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, người chăn nuôi cần tuân thủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Khi phát hiện heo bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh tả heo châu Phi, người nuôi báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y gần nhất, tuyệt đối không bán chạy dịch hoặc vứt xác heo ra môi trường gây ô nhiễm và làm phát tán mầm bệnh.