Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 34 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3.3.1989 - 3.3.2023):

Già làng- những “người lính” vùng biên 

Cập nhật ngày: 03/03/2023 - 14:05

BTNO - Không mang quân hàm, không mặc áo lính nhưng những người lính "không lương" luôn đồng hành cùng với lực lượng chức năng trên đường tuần tra biên giới.

Già làng Unh Miệt kể chuyện truyền thống gia đình với con trai.

Trong suốt nhiều năm qua, bằng những việc làm cụ thể, những già làng - người có uy tín của người dân Khmer ở các xã biên giới huyện Châu Thành luôn mẫu mực, chung tay xây dựng, bảo vệ đường biên, cột mốc, vun đắp tình hữu nghị láng giềng, giữ gìn sự bình yên nơi biên cương.

Già làng Unh Miệt, ngụ ấp Hiệp Phước, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành, 76 tuổi đời, 29 tuổi Đảng, với 18 năm làm Già làng, ông luôn tích cực tuyên truyền, vận động con, cháu, người dân hưởng ứng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, chung tay bảo vệ đường biên, cột mốc. Bởi lẽ, ông hiểu rằng, biên giới có bình yên thì bà con xóm ấp mới yên tâm lao động sản xuất, làm ra nhiều của cải để quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ấp Hiệp Phước, xã Hoà Thạnh, Châu Thành có gần 700 nhân khẩu là người dân tộc Khmer. Bà con nơi đây chủ yếu làm nghề nông, trình độ dân trí thấp. Để tạo niềm tin cho nhân dân, với vai trò là một đảng viên, già làng, ông Unh Miệt tranh thủ thời gian đến từng nhà lắng nghe tâm tư, tình cảm của người dân.

Với cách làm dân vận khéo, già làng giải thích, hướng dẫn không chỉ cho bà con người dân tộc trong ấp hiểu đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà còn vận động con, cháu trong gia đình chấp hành tốt các quy ước của địa phương. Nhắc nhở mọi người không nghe theo người xấu lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo gây chia rẽ làm mất đoàn kết trong nhân dân.

Mặc dù tuổi cao, nhưng già làng Unh Miệt vẫn thường xuyên tham gia những đợt tuần tra của cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng. Mỗi đợt tuần tra, đến cột mốc, tham dự lễ chào cờ, trong lòng già làng lại dâng lên niềm tự hào, bởi là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất biên cương, già làng Unh Miệt hiểu hơn ai hết việc bảo vệ đường biên, cột mốc là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người dân biên giới.

Già Làng Danh Xà Rương trao đổi công việc với Bí thư Chi bộ ấp.

Ông Nguyễn Thanh Sơn- Bí thư Chi bộ ấp Hiệp Phước cho biết: “Già làng Unh Miệt luôn tích cực đóng góp ý kiến cho địa phương. Thông qua “cầu nối” là già làng, người có uy tín, chi uỷ, chi bộ hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ đó giải quyết nhanh, thấu đáo những vụ việc phát sinh từ cơ sở, giữ vững an ninh chính trị ở địa phương”.

Về xã Thành Long, Châu Thành hỏi thăm Già làng Danh Xà Rương, 81 tuổi, ngụ ấp Thành Nam, bà con nơi đây không ai không biết đến. Bởi nhiều năm qua, già làng luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào hoạt động của địa phương được người dân tín nhiệm bầu là người có uy tín trong cộng đồng người Khmer trong xã.

Ngoài ra ông còn được giao trọng trách làm phó ban công tác Mặt trận ấp. Trưởng ban điều hành mô hình “Đồng bào Khmer tự phòng, tự quản về an ninh trật tự” ấp Thành Nam- một ấp có 45 hộ với gần 300 nhân khẩu là đồng bào người Khmer.

Cả cuộc đời gắn bó với biên giới, già làng Danh Xà Rương gần như thuộc từng gốc cây, hòn đá trên khu vực vành đai biên giới này. Tuổi đã cao nhưng hiếm khi bà con thấy già làng ở nhà nghỉ ngơi. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ông lặn lội lên rẫy vừa chăm sóc đám mì của gia đình, vừa quan sát, kiểm tra đường biên, cột mốc biên giới.

Khi thấy có dấu hiệu bất thường, hoặc có người lạ mặt ra vào khu vực là ông gọi điện báo cho chốt tuần tra của bộ đội biên phòng đồn Phước Tân hoặc chính quyền địa phương. Mỗi tháng 2 đến 3 lần, già làng cùng với các thành viên mô hình “Cựu chiến binh tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới” tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con về bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, không xâm canh, xâm cư, qua lại biên giới trái phép.

Với lời ăn, tiếng nói của mình, ông giải thích, nhắc nhở cho bà con khu vực biên giới về trách nhiệm bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới. Không nghe lời kẻ xấu xúi giục vận chuyển hàng cấm qua biên giới, khi thấy người lạ mặt vượt biên phải báo ngay cho chính quyền địa phương.

Nữ Già Làng Keo Onl chủ trì họp tổ phụ nữ.

Ông Ngô Minh Dũng- Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Thành Nam cho biết, tuy tuổi đã cao nhưng già làng Danh Xà Rương đã làm rất tốt trong vai trò là Trưởng ban điều hành mô hình “Đồng bào Khmer tự phòng tự quản về an ninh trật tự”.

“Tôi luôn sẵn sàng tiên phong phối hợp với Bộ đội Biên phòng Tây Ninh tới già”. Đó là khẳng định của nữ già làng Keo Onl, ngụ xã Hoà Hội, huyện Châu Thành trong buổi toạ đàm “Chung tay lan toả tinh thần thượng tôn pháp luật” do Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng tổ chức tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh ngày 23.12.2022.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa- Chủ tịch Hội LHPN xã, Hoà Hội là xã biên giới của huyện Châu Thành, có hơn 800 hộ dân, trong đó có 35 hộ là đồng bào Khmer, tập trung ở ấp Bố Lớn 32 hộ. Là người có uy tín trong cộng đồng người Khmer kiêm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bố Lớn và Tổ trưởng tổ tự quản số 4.

Dù bất cứ ở vị trí công tác nào chị Keo Onl cũng luôn phấn đấu nỗ lực hết mình để không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với những thành tích đã đạt được ngày 14.11.2022 chị vinh dự là người phụ nữ người Khmer đầu tiên trong xã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Là gia đình điển hình tiêu biểu trong phong trào “Vận động người dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm ấp khu vực biên giới”, nữ già làng còn vận động con, cháu trong gia đình tích cực bảo vệ đường biên, mốc giới và xây dựng tình đoàn kết trong khu dân cư cũng như đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới. Được biết hai người em trai của chị đang công tác tại chốt dân quân Bố Lớn, trong đó một người làm chốt trưởng.

Không chỉ tích cực tham gia bảo vệ an ninh biên giới, nữ già làng Keo Onl còn đi đầu trong các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư”. Do tập quán sinh hoạt và điều kiện kinh tế khó khăn, các gia đình người Khmer trong ấp không có nhà vệ sinh.

Chị đã liên hệ, đề xuất và phối hợp với Hội LHPN xã vận động mạnh thường quân hỗ trợ mỗi gia đình 10 triệu đồng xây nhà tắm, nhà vệ sinh kiên cố. Từ mô hình trên, toàn ấp đã có trên 90% gia đình hội viên phụ nữ người Khmer đạt tiêu chí “Gia đình 5 không, 3 sạch”.

Chị Keo Onl tâm sự: “Khi được kết nạp vào Đảng, bản thân vừa mừng nhưng cũng rất lo, nhất là trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bởi một số bà con Khmer trình độ học vấn thấp, hiểu biết còn hạn chế.

Mặt khác một số người còn cho rằng phụ nữ khó có thể lãnh đạo được. Tôi không nản lòng, tôi nghĩ rằng để đưa Nghị quyết của Chi bộ vào cuộc sống thì đảng viên và gia đình phải thực hiện đúng, nói phải đi đôi với làm thì bà con sẽ nghe, tin và làm theo. Đã là già làng lại là đảng viên thì mình phải mẫu mực, mình làm đúng và làm gương thì bà con sẽ ủng hộ.”

Chị keo Onl nhận Quyết định kết nạp Đảng.

Ông Nguyễn Hoàng Hiếu- Phó Bí thư Đảng uỷ xã Hoà Hội khẳng định: “Điều có thể nhận thấy rõ ràng nhất là khi già làng- người có uy tín trong cộng đồng người Khmer là đảng viên thì tinh thần đoàn kết dân tộc được nâng lên, tình hình an ninh chính trị được giữ vững, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được đến thẳng người dân một cách nhanh chóng, góp phần rất lớn bảo đảm an ninh nông thôn và phát triển kinh tế xã hội ở địa bàn vùng biên giới”.

Không mang quân hàm, không mặc áo lính nhưng những người lính "không lương" luôn đồng hành cùng với lực lượng chức năng trên đường tuần tra biên giới.

Tố Tuấn - Hà Quang