BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giả làm người nước ngoài lừa mua điện thoại cũ online 

Cập nhật ngày: 21/11/2019 - 16:50

Tình trạng tài khoản có tên nước ngoài đề nghị mua điện thoại cũ của người Việt diễn ra phổ biến trên các diễn đàn mua bán đồ điện tử.

Không lâu sau bài đăng bán điện thoại trên mạng xã hội, anh Minh Tuấn (Hà Nội) nhận được lời mời kết bạn qua Zalo. Người này trao đổi bằng tiếng Anh, tự nhận là người nước ngoài và muốn mua chiếc điện thoại của anh để gửi tặng người thân ở Việt Nam. Sau khi hỏi về tình trạng sản phẩm, vị khách "nước ngoài" này nhanh chóng chốt giá, thậm chí còn nói rằng đã gửi tiền, kèm theo hình ảnh hóa đơn chuyển tiền có logo của một ngân hàng nổi tiếng cho anh Tuấn. Nghi ngờ về người này, đồng thời tài khoản cũng không "nảy tiền", anh cho rằng đây là lừa đảo nên đã không chuyển hàng và cắt đứt liên lạc.

Anh Tuấn không phải là người duy nhất gặp tình trạng này gần đây. Trên một số diễn đàn công nghệ, nhiều người cũng phản ảnh rằng họ nhận được những lời đề nghị mua hàng từ khách nước ngoài, dù chỉ rao bán sản phẩm trên các website Việt Nam.

"Tôi rao bán chiếc iPhone 7 Plus giá 6,5 triệu đồng, nhưng có khách nước ngoài nói đã chuyển cho tôi 10 triệu đồng do ngân hàng của họ yêu cầu 10 triệu là số tiền tối thiểu. Họ đề nghị tôi chỉ cần chuyển trả lại 3 triệu đồng, đồng thời gửi chiếc iPhone cho đơn vị chuyển phát đến địa chỉ của một người Việt Nam" một thành viên kể.

Một số thành viên khác cũng cho biết họ từng nhận được những lời đề nghị mua như vậy từ những vị khách tự xưng là "người nước ngoài", với những lý do như mua tặng người thân ở Việt Nam, mua vì giá tốt... Trong khi hàng thường thường là máy cũ, vốn cần những khâu kiểm tra nhất định trước khi mua.

Vị khách nhắn tin với người bán bằng tiếng Anh, đồng thời gửi kèm hoá đơn để chứng minh mình đã chuyển tiền. Ảnh: Wiind.

Theo Nguyễn Hưng, một người đã 10 năm bán hàng online, những trường hợp như vậy hầu hết là lừa đảo. Chiêu trò phổ biến được sử dụng là làm giả hóa đơn chuyển tiền của một ngân hàng nước ngoài, như Bank of America, Wells Fargo, Patriot Bank... sau đó đề nghị người bán chuyển hàng hoặc chuyển lại tiền thừa. Nếu người bán thắc mắc về việc chưa thấy tiền về tài khoản, những người này sẽ lấy cớ đây là quy định của ngân hàng và đề nghị người bán nhanh chóng chuyển hàng để hoàn thành giao dịch.

"Mua máy cũ thường phải kiểm tra cẩn thận, nhưng những vị ‘khách nước ngoài' này thường chỉ hỏi rất qua loa về tình trạng máy, đồng thời trả giá hậu hĩnh, khiến những người bán thiếu kinh nghiệm hoặc muốn bán nhanh dễ bị lừa", anh nhận xét.

"Cách tốt nhất để tránh bị lừa là giao dịch trực tiếp. Nếu khách hàng nói đã chuyển khoản, hãy kiểm tra kỹ hoá đơn chuyển tiền được gửi đến và đợi khi tiền về tài khoản mới gửi hàng", một thành viên chia sẻ. 

Nguồn VNE


Liên kết hữu ích