Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Giá thịt lợn được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong 3 tháng cuối năm, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán do nguồn cung thịt lợn giảm vì dịch tả lợn châu Phi.
Nhu cầu thịt lợn được dự báo sẽ tăng trong ba tháng tới. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nỗi lo dịch tả lợn châu Phi đã tạm lắng xuống, do đó lượng tiêu thụ thịt lợn đang tăng dần. Đặc biệt trong ba tháng tới, nhu cầu thịt lợn sẽ tăng cao, kéo theo giá lợn hơi có thể sẽ tăng nhiều.
Điểm quanh một vài các đầu chợ lớn tại Hà Nội, có thể thấy được giá thịt lợn hơi khá ổn định và không có sự tăng giá đột biến. Theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực Chợ đầu mối phía Nam (Hà Nội), giá lợn hơi dao động ở mức 46.000-47.000 đồng/kg, không tăng so với tuần trước.
Bên cạnh đó, giá thịt lợn móc hàm cũng trong tình trạng tương tự. Chị Nguyễn Hằng, tiểu thương tại Chợ Vĩnh Tuy (Hà Nội) cho biết giá thịt lợn móc có giá nhập từ 60.000-65.000 đồng/kg, từ tuần trước đến nay giá cũng chỉ chênh lệch từ 1.000-2.000 đồng. Cụ thể hơn, giá thịt ba chỉ có giá từ 95.000 đồng/kg; thịt lợn sấn có giá dao động từ 80.000-90.000 đồng/kg, thịt nạc vai ở mức 100.000 đồng/kg, sườn có giá từ 90.000-100.000 đồng/kg…
“Nhìn chung sức tiêu thụ thịt lợn của người dân cũng đang tăng dần vì tâm lý lo lắng về dịch tả lợn châu Phi cũng đã giảm đáng kể, tuy nhiên nhu cầu không tăng vọt nên giá không biến động lớn,” chị Hằng nhận định.
Các sản phẩm thịt lợn trong siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch vẫn duy trì giá ổn định. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Mặc dù giá thịt lợn thời điểm hiện tại khá ổn định, nhưng theo dự báo của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng mạnh trong 3 tháng cuối năm, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán do nguồn cung thịt lợn giảm, giá thịt lợn hơi có thể lên mức 60.000 đồng/kg.
Theo số liệu từ ngành hải quan, trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập 11.700 tấn thịt lợn với kim ngạch nhập khẩu 22,1 triệu USD, tăng gấp 3,7 lần về lượng và 4,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Lượng thịt lợn nhập khẩu tăng đột biến này cũng chưa đủ để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong nước do dịch tả lợn châu Phi.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, tại thị trường trong nước cũng có những dự báo giá lợn sẽ lên cao, thậm chí rất cao trong thời gian tới là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, việc thiếu thịt lợn trong dịp Tết tới thì vẫn chưa có căn cứ nào để tính được cụ thể.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 449 triệu USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng chủ yếu nhờ lượng xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc tăng mạnh. Giá thịt lợn tại Trung Quốc trong những tháng tới được dự đoán sẽ còn tăng cao hơn nữa, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Tuy nhiên, theo Cục Chế biến và Phát triển nông sản vẫn cần phải tính toán phương án nên hay không nên đẩy mạnh xuất khẩu thịt lợn vào thời điểm này khi mà nguy cơ thiếu hụt thị lợn dịp Tết vẫn có thể xảy ra./.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến giữa tháng Chín, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 7.459 xã, thuộc 639 huyện của 63 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn buộc phải tiêu hủy lên đến gần 5 triệu con, với trọng lượng 282.426 tấn, chiếm 7% tổng trọng lượng thịt lợn cả nước.
Ước tính tổng số lợn của cả nước trong tháng Tám giảm khoảng 18,5% so với cùng thời điểm năm 2018. Nguyên nhân khiến đàn lợn giảm mạnh là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến số lượng lợn chết và tiêu hủy lớn; rất nhiều trang trại và hộ nông dân không dám tái đàn sau khi đã kết thúc xuất bán lứa lợn hoặc tiêu hủy lợn bệnh.
Nguồn Vietnam+