Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Người nông dân đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại, đó là lúa mất mùa, mất giá nhưng phân bón thì lại lập kỷ lục về giá bán, khiến người làm nông càng khó khăn hơn.
Nông dân ấp Xóm Ruộng, xã Trí Bình, huyện Châu Thành thu hoạch lúa.
Nông dân nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đang bước vào đợt thu hoạch lúa vụ Hè Thu năm 2021 đúng vào lúc tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng và sản xuất; sản phẩm nông nghiệp ùn ứ, không thể tiêu thụ. Trong khi đó, nhiều diện tích lúa đến kỳ thu hoạch nhưng giá giảm sâu khiến nông dân thua lỗ, không còn vốn tái sản xuất.
Giá lúa giảm mạnh
Những ngày qua, nhiều nông dân canh tác lúa hai bên bờ sông Vàm Cỏ Ðông đoạn qua huyện Châu Thành bước vào đợt thu hoạch vụ Hè Thu, mỗi ngày có đến hàng trăm héc-ta lúa thu hoạch, với hàng trăm tấn lúa chờ bán nhưng không có thương lái thu mua; nếu có cũng mua với giá rất rẻ, nông dân cầm chắc lỗ nhưng buộc lòng phải bán.
Anh Phan Văn Hùng, ngụ ấp Trường, xã Hảo Ðước, huyện Châu Thành cho biết, khoảng 1 tuần trước, gia đình anh thu hoạch 1,5 ha lúa, được gần 10 tấn, vất vả lắm mới bán được với giá 4.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, gia đình anh chẳng dư được đồng nào.
Theo anh Hùng, trước khi địa phương giãn cách để phòng, chống dịch Covid-19, giá lúa còn từ 5.500 đồng đến 6.000 đồng/kg, thương lái đặt cọc mỗi ha từ 1 đến 3 triệu đồng lúc lúa mới ngậm sữa, chưa cứng hạt. Tuy nhiên, đến lúc lúa thu hoạch thì thương lái chỉ thu mua với giá 4.000 đồng/kg, nông dân phải bán vì để lại không có sân phơi và nơi cất trữ.
Còn theo ông Bình- nông dân ngụ ấp Bàu Tràm Nhỏ, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, giá lúa thời gian gần đây liên tục giảm, đầu vụ giá vẫn còn trên 6.000 đồng/kg, gần đây giảm mạnh. Cụ thể, lúa OM5451 trước có giá khoảng 5.400 đồng đến 5.600 đồng/kg, cuối tuần vừa rồi giảm còn 4.300 - 4.500 đồng/kg, mức giá này thấp hơn gần một nửa so với giá bán vụ lúa Ðông Xuân vừa qua. Trong khi năng suất lúa vụ Hè Thu năm nay giảm đáng kể do điều kiện thời tiết không thuận lợi và giá phân bón tăng mạnh, khiến nông dân gần như không có lãi.
Một nông dân ở ấp Xóm Ruộng, xã Trí Bình, huyện Châu Thành chia sẻ, gia đình ông có trên 2 ha lúa đang thu hoạch, ước tính năng suất khoảng 6 tấn/ha, hiện thương lái thu mua với giá 97.000 đồng/giạ (22kg), đây là mức giá quá thấp, dù không lỗ nhưng nông dân không có lời.
Theo một thương lái ở xã Thanh Ðiền, huyện Châu Thành, một số loại lúa thương phẩm hiện có giá như sau: nếp vỏ (tươi) 3 tháng có giá 4.000 đồng - 4.200 đồng/kg; IR 50404 giá 4.600 - 5.000 đồng/kg; OM 6976 giá 5.000 đồng - 5.200 đồng/kg; nếp vỏ (tươi) giá 4.200 đồng - 4.500 đồng/kg; OM 9582 giá 5.200 đồng - 5.400 đồng/kg; Ðài thơm 8 giá 6.000 đồng - 6.200 đồng/kg; OM 18 giá 6.000 đồng - 6.300 đồng/kg.
Thương lái này cho hay, với tình hình hiện nay, người thu mua lúa cũng đối diện nhiều rủi ro. "Nông dân sau khi bán lúa cho thương lái có thể về nhà ăn ngon ngủ yên, nhưng chúng tôi thì hoàn toàn ngược lại. Ngoài nỗi lo về dịch bệnh, chúng tôi còn lo thủ tục khi qua các chốt kiểm soát, mất nhiều chi phí, thời gian mới vận chuyển được lúa về đến nhà máy".
Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra một đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp ở xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu- Ảnh minh hoạ
Giá phân bón tăng gấp đôi
Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Người nông dân đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại, đó là lúa mất mùa, mất giá nhưng phân bón thì lại lập kỷ lục về giá bán, khiến người làm nông càng khó khăn hơn.
Ông Lê Văn Vũ, nông dân ngụ xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành có gần 1,2 ha đất trồng 3 vụ lúa, bình quân mỗi vụ tốn từ 13-15 triệu đồng chi phí phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Vụ Hè Thu vừa qua, tổng chi phí vật tư nông nghiệp ông Vũ đầu tư cho ruộng gần 20 triệu đồng, chưa kể phun thuốc bảo vệ thực vật, công gieo sạ, thu hoạch...
Trừ hết chi phí đầu tư, ông Vũ chẳng còn đồng lời nào, thậm chí số tiền lãi mua chịu phân bón của đại lý còn bị âm, chờ vụ sau trả. Theo ông Vũ, giá vật tư nông nghiệp liên tục tăng, nhất là giá phân bón đã gấp đôi so với vụ Ðông Xuân, kéo theo chi phí đầu tư tăng cao, trong khi giá lúa suy giảm quá mức.
Chủ một đại lý vật tư nông nghiệp tại xã Long Vĩnh cho hay, giá các loại phân bón bắt đầu tăng từ cuối năm 2020 đến nay, chỉ riêng trong 3 tháng từ đầu vụ lúa Hè Thu, đại lý của ông có 5 lần thay đổi bảng giá; nhiều loại phân bón DAP và urê tăng giá rất "sốc", mỗi bao trọng lượng 50kg đều tăng giá gần gấp đôi so với trước đó.
Còn theo chủ một đại lý phân bón tại xã Thanh Ðiền, huyện Châu Thành, từ đầu vụ Hè Thu năm 2021, phân bón nhập về đại lý mỗi lần là một giá khác nhau, trung bình khoảng 15 ngày, đại lý nhập hàng với một giá mới, cao hơn giá cũ từ 10.000 đồng đến hơn 30.000 đồng/bao.
Ðến nay, giá phân urê Phú Mỹ tăng 83,7% (từ 370.000 đồng/bao (50kg) lên hơn 680.000 đồng/bao); urê Cà Mau tăng 80% (từ 350.000 đồng/bao lên hơn 650.000 đồng/bao); NPK Bình Ðiền tăng 24,3% (NPK 16-16-8+13S từ 8.860 đồng/kg lên 10.760 đồng/kg). Phân bón DAP nhập khẩu Trung Quốc tăng 50% (từ 11.200 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg); kali tăng 72,9% (kali Israel hạt miểng từ 6.650 đồng/kg lên 11.500 đồng/kg).
Ông L.H, chủ một cửa hàng kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tại xã Hảo Ðước, huyện Châu Thành cho biết, với tình trạng giá phân bón tăng quá cao, người nông dân sẽ rất khó để có lợi nhuận, bởi trên thực tế, ngoài phân bón, giá một ký lúa còn phải gánh thêm nhiều loại chi phí khác như công thuê máy móc làm đất, phun thuốc, rải phân, thu hoạch, vận chuyển đều tăng. Trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay, các nhà máy xay xát lúa ngưng hoạt động, thương lái gánh nhiều loại chi phí liên quan công tác phòng, chống dịch sẽ hạn chế thu mua khiến giá lúa giảm mạnh.
Theo ông Nguyễn Văn Hậu- Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Bến Cầu, hiện nay, trên địa bàn huyện, bà con nông dân thu hoạch trên 5.000 ha lúa, chiếm hơn 50% diện tích lúa của huyện, năng suất bình quân trên 6 tấn/ha; trong khi đó, mức giá lúa khá thấp, trung bình chỉ từ 4.500 đồng đến hơn 5.000 đồng/kg. Với việc giá vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón tăng quá cao mà mức giá lúa thấp, nông dân gần như không có lợi nhuận sau hơn 3 tháng đầu tư.
Thiện Ðức