Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vụ mía đường năm 2020:
Giá mía tăng, nông dân vẫn "chưa hết lỗ"
Thứ năm: 12:18 ngày 17/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhiều năm trở lại đây, với chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, ngành mía đường trong nước chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ nhiều thị trường phát triển. Do đó, lợi nhuận từ trồng mía đường ngày càng thấp khiến nhiều nông dân điêu đứng, thậm chí phá sản, dẫn đến diện tích ngày càng thu hẹp. Niên vụ mía đường năm 2020 - 2021 sắp bắt đầu, những nông dân còn “trung thành” với cây mía hy vọng sẽ có sự khởi sắc.

Thu hoạch mía bằng máy. Ảnh: Thuý Hằng

Còn nhiều khó khăn

Dù nhận được thông báo của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà (TTC-Biên Hoà) về việc tăng giá thu mua mía niên vụ 2020-2021, nhưng nhiều nông dân cho rằng với mức giá này, người trồng mía vẫn chưa có lãi.

Ông Ngô Minh Chí - Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp Phước Điền (HTX Phước Điền) cho biết, bước vào vụ thu hoạch mía năm 2020 - 2021, HTX Phước Điền có khoảng 600 ha mía (gồm 100 ha trồng tại Tây Ninh và 500 ha trồng tại Campuchia) đang chờ thu hoạch. Tuy nhiên, theo mức giá nhà máy đưa ra, người trồng mía rất khó có lãi, vì để đạt mức chữ đường 10 CCS không phải dễ, trong khi mức giá chỉ 850.000 đồng/tấn. Theo ông Chí, để bảo đảm có lãi và có điều kiện tái sản xuất cho vụ sau, giá phải từ 900.000 đồng/tấn trở lên cho mía có chữ đường 9 CCS.

Bên cạnh đó, điều khiến những người trồng mía như ông Chí lo lắng nhất vẫn là khâu vận chuyển từ Campuchia về Việt Nam đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mía đang chín trên đồng, nếu để quá lâu cây mía sẽ khô, mất chữ đường, mất sản lượng và nguy cơ cháy rất cao. Do đó, ông Chí rất mong UBND tỉnh sớm có giải pháp tháo gỡ để xe tải có thể qua lại biên giới, vận chuyển mía về nhà máy nhanh chóng, thuận lợi.

Một hộ trồng mía tại ấp Thành Tây, xã Thành Long, huyện Châu Thành cho biết, những năm qua, giá mía liên tục xuống thấp khiến không ít người trồng thua lỗ. Những người còn "trụ" được như ông không nhiều và cũng phải vay tiền ngân hàng để sản xuất. Do vậy, khi nhận được thông báo của nhà máy về việc tăng giá thu mua mía niên vụ 2020 - 2021, ông thấy phấn khởi.

Tuy nhiên, với mức giá này, nhà máy thu mua vẫn chưa thể cứu người trồng mía khỏi cảnh thua lỗ. “Diện tích mía trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh, đa phần là mía được trồng bên Campuchia. Mà mía được trồng bên nước bạn có chữ đường thấp hơn so với mía trong tỉnh. Trong khi thực tế, sau khi trừ tạp chất và chi phí vận chuyển về tới nhà máy, mỗi tấn mía tính ra chỉ còn chưa được 600.000 đồng thì làm sao người trồng mía có lời? Theo tôi, nhà máy nên tăng giá thu mua mía từ Campuchia về phải trên 900.000 đồng/tấn thì may ra người trồng mía mới có lãi” - một người trồng mía chia sẻ.

Giá mía tăng khoảng 20%

Theo thông tin từ Công ty cổ phần TTC - Biên Hoà, công ty bắt đầu tiếp nhận mía niên vụ sản xuất 2020-2021 vào ngày 18.12, các nhà máy vận hành ép mía sau đó một ngày. Trước đó, từ đầu tháng 12.2020, TTC - Biên Hoà đã gửi thông báo đến nông dân là đối tác trồng mía trên địa bàn tỉnh và vùng nguyên liệu từ Campuchia về chính sách thu mua và vận chuyển mía niên vụ 2020-2021. Giá mía nguyên liệu năm nay cao hơn năm trước đến hơn 20%, bảo đảm người trồng mía có lợi nhuận, tiếp tục tái đầu tư cho vụ sau.

Theo đó, giá thu mua mía niên vụ 2020 - 2021 cho loại mía có chữ đường 10 CCS từ 850.000 đến 900.000 đồng/tấn (chưa bao gồm các khoản trợ giá). Bên cạnh đó, TTC - Biên Hoà còn có chính sách trợ giá sản xuất và thu mua khác, như: trợ giá đầu tư mía Đông Xuân và mía gốc vụ đầu tư 2019 - 2020 thu hoạch vụ 2020-2021 là 1 triệu đồng/ha đối với mía thu hoạch lần đầu và đối với mía gốc, bình quân là 16.000 đồng/tấn. Như vậy, tổng giá mua mía bao gồm các khoản trợ giá đối với vụ đầu tư Đông Xuân và mía gốc vụ 2019-2020 thu hoạch vụ 2020-2021, ở mức 866.000 đồng/tấn đến 966.000 đồng/tấn (mía 10 CCS), tuỳ theo đối tượng khách hàng và khu vực.

Đối với mía vụ Hè Thu, Công ty đã chi 2 triệu đồng/ha, bình quân 32.000 đồng/tấn đối với mía Hè Thu (chi khi trồng và chăm sóc) và tiếp tục chi trợ giá  65.000 đồng/tấn, tối đa không quá 4 triệu đồng/ha vào cuối vụ thu hoạch. Như vậy, tổng giá mua mía bao gồm các khoản trợ giá đối với vụ đầu tư Hè Thu 2019-2020 thu hoạch vụ 2020-2021 nằm từ mức 947.000 đồng/tấn đến 1.047.000 đồng/tấn (mía 10 CCS), tuỳ theo từng khách hàng và khu vực.

Đối với mía cháy, giá mua sẽ thấp hơn giá mía tươi 50.000 đồng/tấn so với giá mía đã công bố và mua theo chữ đường thực tế (không bảo hiểm chữ đường). Mức thấp hơn này tính trên khối lượng thanh toán không ảnh hưởng bởi CCS của xe mía.

Về vấn đề tạp chất, mỗi xe mía được tiếp nhận sẽ được lấy mẫu để đánh giá tạp chất thực tế làm cơ sở thanh toán. Để khuyến khích mía sạch và mía tươi, tạp chất được khấu trừ vào khối lượng mía như sau: đối với xe mía tươi, tạp chất thực tế từ 0% - 2%, sẽ không bị trừ vào khối lượng mía; tạp chất thực tế trên 2%, Công ty hỗ trợ 2%, phần còn lại sẽ trừ vào khối lượng mía. Đối với xe mía cháy, tạp chất thực đo sẽ bị trừ vào khối lượng mía cân.

Cước vận chuyển được tính theo cự ly từ ruộng mía đến nhà máy, tính trên khối lượng đã trừ tạp chất (khối lượng thanh toán). Bảng giá cước sẽ được thông báo cụ thể vào thời điểm đầu vụ ép theo từng cự ly vận chuyển.

Kiến nghị tháo gỡ, vận chuyển mía về nhà máy

Riêng đối với trường hợp mía của người dân thuê đất trồng bên Campuchia, TTC-Biên Hoà đã có văn bản gửi UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiến nghị tỉnh hỗ trợ làm việc với lãnh đạo hai tỉnh Tbuong Khmum và Svay Rieng, nhằm tạo điều kiện tổ chức thu hoạch và vận chuyển mía từ Campuchia về nhà máy của TTC-Biên Hoà.

Bên cạnh đó, phía TTC-Biên Hoà sẽ thực hiện các phương án phòng, chống dịch Covid-19 như: Trên địa phận Campuchia, từ km số 0, sẽ sử dụng đầu kéo và lái xe của Campuchia tiếp nhận rơ-moóc đi vào vùng nguyên liệu nhận và vận chuyển mía đến cửa khẩu, sau đó sẽ sử dụng đầu kéo và lái xe của Việt Nam để vận chuyển mía về nhà máy ở Việt Nam. Trong quá trình này, TTC - Biên Hoà sẽ thực hiện đầy đủ các bước phòng dịch như phun thuốc sát khuẩn xe, lái xe có mặc đồ phòng hộ y tế.

Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho người dân Tây Ninh trồng mía tại Campuchia và doanh nghiệp chế biến mía đường trong tỉnh, Sở đã tham mưu UBND tỉnh các giải pháp nhằm tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tổ chức thu hoạch, vận chuyển mía về nhà máy đúng mùa vụ sản xuất năm 2020 - 2021.

Nguyên An

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục