Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Gia súc thả rong, trách nhiệm của ai ?
Thứ hai: 05:41 ngày 19/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc thả rong trâu, bò gây tai nạn giao thông đã có quy định cụ thể tại Điều 10, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Thế nhưng, vấn đề ở đây là “ai là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi chẳng ai nhận vật nuôi của mình”.

Bò đi tự do.

Mặc dù đã có những quy định về việc chăn thả trâu bò và các loại vật nuôi như chó, mèo, dê… trên đường giao thông, thế nhưng hiện nay, việc gia súc thả rong trên đường vẫn là  nỗi lo của nhiều người.

KHI TRÂU, BÒ ĐƯỢC CHĂN THẢ TỰ DO

Ai đã từng tham gia giao thông trên đường 786, đoạn từ cầu Đìa Xù đến Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (thuộc xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu) đều dễ bắt gặp hình ảnh những đàn bò được chăn thả tự do tại đây. Những đàn trâu, bò không có người trông coi trên tuyến đường này dần trở thành mối đe doạ trực tiếp đến an toàn giao thông đường bộ, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Anh Nguyễn Trường Duy, một người thường xuyên đi lại trên đường này cho biết, chuyện những con trâu, bò không có dây cột được thả trên những bãi đất trống, cạnh đường những “con lươn” đầy cỏ ở đây là chuyện thường ngày, và cũng chẳng biết được ai là chủ, nên khi tai nạn xảy ra, thật khó xác định được ai phải chịu trách nhiệm.

Được biết, tại khu vực gần đường 786 có rất nhiều hộ gia đình nuôi trâu, bò với số lượng từ hàng chục con trở lên. Theo người dân, có rất nhiều trường hợp trâu, bò không có người trông coi bất ngờ băng qua đường hoặc chạy giữa đường đã khiến nhiều người điều khiển phương tiện không kịp trở tay, xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Anh Nguyễn Thanh Tú, một tài xế bức xúc nói: “Trâu bò không ai trông coi như thế này, nếu chúng bất ngờ chạy qua đường làm sao tụi tui né cho kịp, rồi khi tai nạn xảy ra liệu có ai nhận trách nhiệm không?”.

Một người dân bày tỏ: “Những người chăn nuôi ở đây vô ý thức quá, chẳng biết họ suy nghĩ gì khi để cho trâu, bò tự do đi lại trên đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Và cũng không thấy chính quyền làm gì để ngăn ngừa tai nạn, bao năm rồi vẫn vậy”.

Việc thả rong trâu bò, để chúng tự kiếm ăn gần các tuyến giao thông là hết sức nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Một khi trâu, bò “thoải mái” xuống đường thì mọi quyền “ưu tiên” đều dành cho chúng, từ xe máy đến ô tô đều phải nhường đường, nếu không muốn xảy ra tình huống đáng tiếc.

ĐÃ TỪNG XẢY RA TAI NẠN GIAO THÔNG

Vào giờ cao điểm, trên đoạn đường nêu trên, công nhân tham gia giao thông khá đông, đặc biệt là vào buổi sáng. Đáng lo ngại là cũng trong khung giờ này, nhiều người chăn nuôi vô tư thả đàn gia súc tràn ra đường đi kiếm ăn. Thực tế cho thấy, việc trâu, bò sang đường bất ngờ đã gây ra không ít vụ tai nạn, nhẹ thì xây xát, trầy trụa tay chân, hư hỏng xe, nặng hơn thì đã có trường hợp gãy tay, gãy chân, thậm chí chấn thương nặng phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Anh T.M.D, người vừa mới tháo bột cánh tay do bị bò tông trúng trong dịp tết vừa qua cho hay, khi đang điều khiển xe máy qua đây, anh bị một đàn bò hơn 10 con chạy qua đường tông trúng. Vụ tai nạn khiến anh bị gãy xương tay, phương tiện hư hỏng nặng không thể tiếp tục di chuyển được. Vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn, anh cố quan sát và hỏi người dân địa phương để tìm chủ đàn bò, nhưng “chẳng ai biết” cũng như không ai nhận là trâu bò của mình.

Trường hợp thứ hai là vụ chị Trần Phan Thị Tâm, 20 tuổi, ngụ xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu cũng bị tai nạn vì bò thả rong ngoài đường, làm chị bị gãy tay trái. Chị Tâm cho biết, khi đang điều khiển xe máy trên đường 786, bất ngờ có con bò con trong lề đường chạy ra tông trúng chị.

Gần đây nhất, vào chiều tối ngày 2.3.2018 người viết có dịp chứng kiến một vụ tai nạn xảy ra gần cổng khu dân cư Tây Nam, làm 2 người phụ nữ bị té ngã vì né hai con nghé đang đùa giỡn trên đường. Khi chị hỏi tìm chủ hai con trâu ấy, tuyệt nhiên chẳng một ai nhận là trâu của mình, mặc dù cách đó không xa, ngay cạnh bên đường có một chuồng trâu (?!).

AI CHỊU TRÁCH NHIỆM?

Việc thả rong trâu, bò gây tai nạn giao thông đã có quy định cụ thể tại Điều 10, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Thế nhưng, vấn đề ở đây là “ai là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi chẳng ai nhận vật nuôi của mình”.

Theo ông Mai Văn Thuận- Chủ tịch UBND xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, việc trâu, bò thả rong trên đường 786, đoạn từ khu dân cư Tây Nam đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đã tồn tại nhiều năm qua. Tuy khu vực này thuộc địa bàn của xã, nhưng quyền quản lý lại được huyện giao cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng, hiện xã chỉ mới cho các hộ có nuôi trâu, bò nơi đây làm cam kết không thả rong gia súc trên đường gây ảnh hưởng giao thông, chứ chưa xử phạt bất kỳ trường hợp nào.

Nếu có xảy ra tai nạn mà không ai nhận là chủ của những con trâu, bò, các ngành chức năng sẽ điều tra sau, trên cơ sở đã nắm danh sách hộ chăn nuôi trên địa bàn, ông Thuận cho biết thêm.

Đã có không ít những vụ tai nạn giao thông xảy ra liên quan đến gia súc thả rong trên đường 786. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc để kịp thời có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Minh Dương

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục