Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 9.10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tây Ninh tiếp tục ghi nhận sự xuất hiện của ổ dịch tay chân miệng (TCM) tại điểm phụ Trường mầm non Cầu Khởi (ấp Khởi Hà, xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu), với 10 trường hợp mắc bệnh.
Cô Nguyễn Thị Kim Xuyến, Hiệu trưởng Trường mầm non Cầu Khởi cho biết, ca bệnh TCM đầu tiên khởi phát từ lớp Mầm 1 vào ngày 27.9; các ngày tiếp theo đều có vài trường hợp ở 2 lớp Mầm 1 và Mầm 2 nghỉ học do bệnh.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tây Ninh lấy mẫu bệnh phẫm ở bệnh nhi mắc TCM.
Giáo viên dạy ở hai lớp này cho hay, các cháu bị bệnh đều quấy khóc, có các triệu chứng bệnh như sốt, mọc mụn nước trong miệng, tay, chân; có bé bỏ ăn, lở miệng… Cả 10 trường hợp trên đều được phụ huynh đưa đến phòng khám tư hoặc bệnh viện để điều trị. Đến nay, nhiều cháu đã hồi phục, nhưng gia đình vẫn cho các cháu nghỉ học để theo dõi thêm.
Hiện tại, điểm phụ Trường mầm non Cầu Khởi tạm thời cho các lớp khác nghỉ trong vòng 7 ngày, riêng 2 lớp Mầm nghỉ trong vòng 14 ngày.
Trước đó, rải rác tại một số trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn tỉnh cũng ghi nhận các ổ dịch bệnh TCM. Phía Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tây Ninh đã cử cán bộ giám sát, xử lý ổ dịch và hướng dẫn giáo viên các trường vệ sinh đồ dùng học tập bằng Chloramin B, lau dọn phòng học, nhà vệ sinh sạch sẽ…
Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng đúng cách để phòng bệnh TCM.
Tính đến 30.9 toàn tỉnh có trên 1.000 ca bệnh TCM. So cùng kỳ, số ca mắc tay chân miệng giảm (năm 2017 ghi nhận 1.421 ca), tuy nhiên bệnh gia tăng trong 2 tháng 8 và 9; trong đó tháng 9 là đỉnh điểm của bệnh, với 373 ca mắc (tăng 161 ca), đã có 2 ca tử vong. Cả 2 trường hợp tử vong đều nhập viện trong tình trạng sốt cao, sau đó bệnh diễn tiến càng nặng, suy hô hấp, phù phổi cấp, chẩn đoán bệnh TCM độ 4.
Bệnh TCM lây truyền bằng đường “phân-miệng” và tiếp xúc trực tiếp, nhưng chủ yếu lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, hầu, họng, nước bọt, dịch tiết từ các nốt phỏng hoặc tiếp xúc với chất tiết và bài tiết của bệnh nhân trên dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi, bàn ghế, nền nhà,…
Đặc biệt, khi bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp thì việc hắt hơi, ho, nói chuyện sẽ tạo điều kiện cho virus lây lan trực tiếp từ người sang người.
Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn, với các biển hiện: sốt, loét miệng (vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi lưỡi) hoặc phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông, đầu gối. Khi trẻ còn triệu chứng bệnh TCM, không nên cho trẻ tham gia các hoạt động gặp gỡ đông trẻ em khác như đến lớp, đi bơi,...
Dự báo dịch bệnh có xu hướng gia tăng trong thời gian tới do tính chất lây truyền, đặc biệt bệnh chưa có vaccine phòng bệnh.
Diệt lăng quăng là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh SXH.
Cùng với dịch TCM, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tây Ninh, bệnh sốt xuất huyết (SXH) cũng có dấu hiệu tăng với 1.304 ca mắc. Tuy số mắc có giảm so cùng kỳ năm 2017 (1.428 ca) nhưng diễn biến của bệnh còn phức tạp, khó lường; trong đó đáng ngại là số ca SXH ở người lớn chiếm khoảng 50% trường hợp. Vì vậy, người dân không được chủ quan, lơ là trong việc phòng bệnh.
Các địa phương có số ca mắc SXH tăng là TP.Tây Ninh và các huyện Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành.
Ngành Y tế khuyến cáo, hiện nay là đỉnh cao của bệnh. Do SXH chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Yên Khuê