BAOTAYNINH.VN trên Google News

Gia tăng trẻ mắc COVID-19 

Cập nhật ngày: 08/12/2021 - 11:14

Sở Y tế Ðồng Nai cho biết, từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 13.000 trẻ em dưới 18 tuổi mắc COVID-19 trong tổng số hơn 80.000 người mắc. Gần đây, tại TPHCM số trẻ em mắc COVID-19 cũng gia tăng.

Trẻ em cần được bảo vệ trước nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Ảnh: Vân Sơn

Đồng Nai: Quá tải

Theo BS Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, những ngày gần đây, số bệnh nhi mắc COVID-19 nhập viện tăng cao. Bệnh viện hiện cách ly, điều trị hơn 300 trẻ em mắc COVID-19 và người nhà đi theo để chăm sóc bệnh nhi.

Khoa Bệnh nhiệt đới, nơi điều trị, cách ly tạm thời bệnh nhân COVID-19 của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, chỉ có khoảng 100 giường bệnh, nhưng hiện có hơn 300 ca bệnh. Ngoài bệnh nhi mắc COVID-19, bệnh viện cũng đang điều trị cho khoảng 2/3 bệnh nhân là người nhà đi theo chăm sóc bệnh nhi (họ là F0, F1). Điều này khiến cho khu cách ly tạm thời chờ kết quả PCR của Khoa Bệnh nhiệt đới quá tải. Theo BS Hà, trung bình mỗi ngày có từ 20-30 người (bệnh nhi và phụ huynh) nhập viện qua test nhanh dương tính.

Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai phân tích, bệnh nhi nhập viện đông có thể là do trước đây các địa phương tầm soát COVID-19 cộng đồng nên các ca tương tự khi phát hiện sẽ được đưa vào bệnh viện dã chiến, khu cách ly điều trị. Còn hiện tại, tỉnh không còn tầm soát cộng đồng, do đó lượng bệnh nhi test nhanh dương tính vào bệnh viện cao hơn trước.

“Số ca dương tính tăng đột biến, quá tải khu vực test nhanh, khiến bệnh viện khó khăn trong việc sắp xếp chỗ ở cho các bệnh nhi và bố mẹ”, BS Hà nói. Nếu số bệnh nhi vượt quá 300 thì bệnh viện buộc phải kê thêm giường ở hành lang các khoa để tiếp nhận, điều trị.

Theo đánh giá của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, hơn 80% bệnh nhi mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, khỏi bệnh sau 5-7 ngày điều trị. Do đó, người nhà nên cân nhắc có thể để trẻ ở nhà tự điều trị; những trường hợp có biểu hiện nặng mới cần phải nhập viện. Chỉ có khoảng 1- 2% bệnh nhi có bệnh mạn tính, béo phì hay thiếu cân có thể trở nặng. Một số bệnh nhi mắc COVID-19 kèm theo bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng cần được theo dõi kỹ.

Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Lê Quang Trung cho hay, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang tiếp nhận, điều trị nhiều trẻ em mắc COVID-19, trong đó có không ít ca bệnh nặng, nguy kịch, phải thở máy, lọc máu… Đã có 3 bệnh nhi tử vong do bệnh quá nặng.

Để tập trung nguồn lực điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Sở Y tế đề nghị các bệnh viện, trung tâm y tế sẵn sàng tổ chức tiếp nhận điều trị bệnh nhi mắc COVID-19 thể nhẹ và vừa, nhằm giảm tải cho Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để bệnh viện này tập trung nguồn lực điều trị cho bệnh nhi nặng, nguy kịch.

TPHCM: Nhóm bệnh nhi trở nặng tăng

Theo số liệu được Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM công bố, tính đến hết ngày 6/12, thành phố có 497 bệnh nhân COVID-19 là trẻ em dưới 16 tuổi đang được theo dõi, điều trị tại các bệnh viện tầng 2 và tầng 3. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM có hơn 110 bệnh nhi đang được điều trị, tăng gấp đôi so với tháng trước. Nhóm bệnh nhi trở nặng tăng, đa số là trẻ có bệnh nền, sinh non nhẹ cân, chậm phát triển…

ThS.BS Huỳnh Minh Thu, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết: “Sau nới lỏng giãn cách từ tháng 10 đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc COVID-19. Do chưa được đi học nên trẻ trong giai đoạn này thường lây chủ yếu từ gia đình, tỷ lệ nhiễm cao cũng trong tầm dự đoán của chúng tôi vì giãn cách”.

TPHCM có hơn 668.000 trẻ từ 12 - 17 tuổi cơ bản đã được chích đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, cho biết, dự kiến đầu năm 2022, Bộ Y tế sẽ cho phép triển khai chích ngừa cho trẻ từ 3 - 11 tuổi. Nếu bao phủ được vắc xin cho trẻ ở độ tuổi này, thành phố sẽ hoàn thành chích ngừa cho mọi lứa tuổi có chỉ định tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM, số ca mắc COVID-19 ở trẻ em có xu hướng tăng là do ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao. Tuy nhiên, phân tích số liệu tử vong hằng ngày trong tuần qua cho thấy không ghi nhận trường hợp tử vong ở trẻ dưới 16 tuổi.

Bà Mai cho rằng, nguyên nhân khiến xu hướng trẻ em mắc bệnh đang gia tăng là do trẻ nhiễm virus từ người lớn. Khi người thân trong gia đình nhiễm bệnh nhưng không được phát hiện sớm và cách ly, điều trị, trẻ dễ mắc COVID-19 bởi biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm rất cao. Nhiều gia đình có tất cả các thành viên đều nhiễm bệnh phải nhập viện.

BS Thu khuyến cáo phụ huynh không nên chủ quan khi thấy trẻ sốt, bởi khi mắc COVID-19 ở giai đoạn ủ bệnh, nhiều trẻ chưa có biểu hiện, nhưng cũng không ít trẻ có triệu chứng như: thở gấp, thở gắng sức, mệt mỏi, tím tái, một số trẻ có bệnh lý nền như bệnh về máu, rối loạn chuyển hóa, thần kinh, rối loạn hành vi, tim mạch hoặc trẻ sinh non, nhẹ cân, hen phế quản cũng cần được đưa đi khám sớm, tránh biến chứng xảy ra.

Nguồn TPO