Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Giá thịt lợn đang tiếp tục tăng hàng ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại tại các tỉnh phía Nam. Trong khi đó, các mặt hàng thực phẩm có sử dụng thịt lợn hay các quán ăn cũng đã tăng giá theo.
Giá lợn hơi tăng cao kỷ lục
Ghi nhận tại một số tỉnh phía Nam, giá thịt lợn hơi hiện nay đã tăng lên 80.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng so với tuần trước), đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong khi đó, tại các chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh, giá thịt lợn bán lẻ tăng từ 25.000 - 50.000 đồng/kg từ đầu tháng 11 đến nay. Cụ thể, thịt lợn ba rọi hiện đang ở mức 190.000 - 210.000 đồng/kg, thịt sườn non có giá 200.000 - 220.000 đồng/kg…
Giá các loại thịt gia cầm về chợ truyền thống cũng được điều chỉnh tăng theo giá thịt lợn.
Chị Đỗ Minh Lan, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Phước Bình (quận 9, TP Hồ Chí Minh) cho biết, giá thịt lợn tăng liên tục, ngày hôm sau tăng cao hơn ngày hôm trước. “Tính riêng từ đầu tháng 11 đến nay, giá thịt lợn đã tăng 20.000 - 40.000 đồng/kg. Thông thường, giá thịt lợn chỉ tăng cao vào thời điểm cận tết nhưng cũng không ở mức đắt đỏ như hiện nay. Không chỉ vậy, thịt lợn có dấu hiệu khan hiếm, nhiều khi không có thịt để bán”, chị Lan nói.
Không chỉ giá thịt lợn tươi tăng cao, nhiều mặt hàng chế biến từ thịt lợn như chả lụa, chà bông (ruốc), lạp xưởng… đều tăng 20.000 - 40.000 đồng/kg trong thời gian gần đây, lên mức bình quân 150.000 - 240.000 đồng/kg tùy loại. Cụ thể, giá chả lụa tùy chất lượng dao động từ 170.000 - 220.000 đồng/kg, lạp xưởng có giá 160.000 đồng/kg, chà bông có giá từ 180.000 - 240.000 đồng/kg…
Theo các tiểu thương bán thực phẩm chế biến, chưa bao giờ giá thực phẩm chế biến có thịt lợn lại tăng cao như thời điểm hiện nay. Anh Lê Hữu Mạnh, tiểu thương chuyên bán giò chả tại chợ Căn Cứ (quận Gò Vấp), cho biết anh mới tăng giá bán chả lụa, chà bông, lạp xưởng thêm 20.000 - 30.000 đồng/kg cách đây một tuần. “Các mặt hàng này đều phải tăng theo giá thịt lợn. Tôi chưa biết giá các mặt hàng này sẽ tăng thêm bao nhiêu vì mỗi ngày mỗi giá nên rất khó đoán. Chỉ sợ đến tết không có chả mà bán do thiếu thịt lợn”, anh Mạnh nói.
Giá thịt lợn tăng đã khiến các quán ăn, nhà hàng cũng tăng giá khá mạnh với các mặt hàng có sử dụng nguyên liệu thịt lợn. Chẳng hạn, tô bún giò lợn bán ở vỉa hè tại các quận 9, Gò Vấp, Bình Thạnh, quận 3… cũng tăng thêm 5.000 - 7.000 đồng/tô, ở mức 30.000 - 40.000 đồng/tô; đĩa cơm tấm sườn lợn cũng tăng thêm 2.000 - 7.000 đồng, lên mức 30.000 - 45.000 đồng hay ổ bánh mì cũng đã tăng lên từ 2.000-5.000 đồng/ổ...
Người tiêu dùng băn khoăn khi giá thịt lợn liên tục "leo thang" tại các tỉnh phía Nam.
Chị Nguyễn Thanh Thảo, chủ một cửa hàng bánh mì tại quận 3, cho biết gần một tháng nay giá giò chả tăng cao khiến chị Thảo phải “bấm bụng” giữ giá để giữ khách. Tuy nhiên, ba ngày qua, giá giò chả tiếp tục tăng đã khiến chị phải thông báo với khách giá bánh mì kẹp thịt sẽ tăng thêm 3.000 đồng/ổ. “Khi thông báo tăng giá bánh mì, khách cũng hiểu và thông cảm bởi giá thịt lợn đang tăng cao chứ không phải mình cố ý tăng giá. Tuy vậy, một số quán ăn, nhà hàng vẫn còn cầm cự không dám tăng giá vì sợ mất khách, thay vào đó họ sẽ giảm lượng thức ăn để bù vào khoản chi phí đầu vào đang tăng”, chị Thảo cho biết thêm.
Đảm bảo nguồn cung dịp Tết
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, giá thịt lợn vẫn đang vận động theo mức cung – cầu thị trường. Cụ thể, giá thịt lợn hơi trên địa bàn đang ở mức 68.000 - 75.000 đồng/kg, tuy nhiên một số nơi cũng tăng cục bộ, lên tới 80.000 đồng/kg, do nguồn cung chưa đồng đều.
“Số lượng doanh nghiệp găm hàng thịt lợn để chờ giá mặc dù có nhưng không nhiều. Mặt khác, giá thịt lợn tại các tỉnh phía Bắc cũng cao hơn giá thịt lợn ở các tỉnh phía Nam nên một số tiểu thương cũng gom hàng đem ra phía Bắc bán, dẫn đến giá lợn hơi tại các tỉnh phía Nam tăng cao. Đó là chưa kể các tiểu thương còn gom hàng xuất sang Trung Quốc, bởi giá lợn hơi của Trung Quốc ở mức 13 -15 triệu đồng/tạ, chênh gấp đôi so với giá lợn hơi tại Việt Nam.
Từ trước tới nay, Việt Nam vẫn xuất thịt lợn qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, vì vậy khó có thể khẳng định thương lái không gom lợn sang Trung Quốc khi mà giá chênh lệch quá lớn. Hiện nay, khi lợn trong nước khan hiếm do đợt dịch bệnh vừa qua mà lại "dành" cho xuất tiểu ngạch thì vô tình cũng sẽ đẩy giá thịt lợn lên cao”, ông Công nói.
Các doanh nghiệp lớn tại TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị nguồn hàng thịt lợn để đảm bảo nguồn cung trong dịp Tết Nguyên đán 2020.
Nói về nguồn cung thịt lợn vào dịp cuối năm và Tết Canh Tý 2020, nhiều doanh nghiệp lớn tại TP Hồ Chí Minh cho biết vẫn đang đảm bảo nguồn cung và cố gắng duy trì mức giá ổn định, nhất là vào tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Các doanh nghiệp cũng cho biết sẽ tính tới phương án nhập khẩu nếu thị trường thịt lợn có biến động lớn.
Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết, từ tháng 9 đến nay, giá thịt lợn biến động mạnh buộc đơn vị phải tăng giá thực phẩm chế biến từ thịt lợn, như chả lụa tăng 10% từ ngày 15/11. Công ty cũng đã liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi, trang trại và nhập thịt lợn để tăng nguồn cung cấp cho thị trường. Bên cạnh đó, Vissan cũng lên kế hoạch dự trữ 3.600 tấn thịt lợn trong thời gian 45 ngày và nhập khẩu thịt nếu có biến động lớn.
Đại diện công ty TNHH San Hà cũng cho biết sẽ tăng lượng cung ứng lên 200 tấn thịt gà/ngày và 25 tấn thịt lợn/ngày vào những tháng cuối năm, đồng thời trữ đông 1.500 tấn thịt lợn và gà nhằm đảm bảo nguồn cung dịp Tết nguyên đán Canh Tý sắp tới.
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết tại TP Hồ Chí Minh nguồn cung thịt lợn bình ổn thị trường vẫn đảm bảo, ở mức là 4.091 tấn/tháng và sẽ tăng lên 5.148 tấn/tháng Tết, chiếm khoảng 21% thị phần toàn thành phố. Hiện TP Hồ Chí Minh không ngừng bám sát thị trường giá cả, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn để ổn định thị trường, tránh tình trạng găm hàng đẩy giá lên cao.
Nguồn Báo Tin tức