Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Không chỉ vậy, từ đầu năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng mạnh, đẩy giá thành các sản phẩm chăn nuôi lên cao, gây khó khăn cho người chăn nuôi lẫn người tiêu dùng.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra công tác chăn nuôi.
Tăng chóng mặt
Theo chủ một đại lý tại ấp Thanh Ðông, xã Thanh Ðiền, huyện Châu Thành, giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm bắt đầu tăng mạnh từ những tháng cuối năm 2020 đến nay, với nhiều đợt tăng liên tiếp, trung bình mỗi lần tăng từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/bao (25kg). Hiện mức chênh lệch đã lên đến hơn 40.000 đồng/bao so với trước đó.
Còn theo ông Tiến, chủ một đại lý tại phường 1, thành phố Tây Ninh, giá các loại thức ăn chăn nuôi heo, gà, vịt đều tăng. Các công ty cung cấp giải thích do dịch bệnh Covid-19 tác động đến hoạt động logistics toàn cầu, giá cước vận chuyển nhiều mặt hàng tăng mạnh.
Bên cạnh đó, tình hình thời tiết không thuận lợi dẫn đến việc sản xuất lúa, bắp (ngô), đậu của nhiều nước trên thế giới gặp nhiều khó khăn, năng suất và sản lượng điều giảm khiến giá các loại nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng mạnh.
Bà N.T.L, chủ một đại lý tại thị trấn Dương Minh Châu cho biết, giá thức ăn gia súc, gia cầm tăng, ảnh hưởng đến người chăn nuôi- nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ bởi các hộ này phải mua qua các đại lý cấp 2, 3, giá mỗi bao đã cao hơn từ 5.000 - 10.000 đồng so với đại lý cấp 1.
Trong khi đó, hầu hết các trang trại lớn đều có ký hợp đồng với các công ty sản xuất thức ăn, ngoài việc hưởng mức giá sỉ ngang bằng với đại lý cấp 1, còn được thưởng phần trăm vào cuối năm. “Hiện chỉ có giá heo là cao, bảo đảm cho người nuôi được lợi nhuận; giá gà, vịt, cá gần như không tăng. Trong khi đó, chỉ trong thời gian ngắn (hơn 3 tháng gần đây), giá thức ăn chăn nuôi đã tăng trên 20%, rất khó để người nuôi kiếm lời” - bà N.T.L chia sẻ thêm.
Người chăn nuôi lo lỗ
Khi giá các mặt hàng thức ăn gia súc, gia cầm biến động (tăng hoặc giảm), sẽ có tác động rất lớn đến chi phí sản xuất và lợi nhuận của người chăn nuôi.
Với kinh nghiện hơn 20 năm chăn nuôi heo, ông Bền, ngụ xã Long Thuận, huyện Bến Cầu cho biết, để nuôi một con heo đạt đủ tạ (100kg), mỗi con trung bình tiêu thụ hơn 10 bao thức ăn (loại 25kg/bao), trị giá khoảng 3 triệu đồng.
Ðó là chưa kể chi phí vaccine phòng ngừa bệnh, hoá chất vệ sinh khử trùng tiêu độc... Do đó, giá thức ăn tăng sẽ khiến các hộ chăn nuôi rơi vào khó khăn, thậm chí thua lỗ nếu thời gian tới, giá heo quay về mức dưới 6 triệu đồng/tạ.
Ông T.Q.V, ngụ ấp Chòm Dừa, xã Ðồng Khởi, huyện Châu Thành cho biết, trong đợt tết vừa qua, ông xuất bán khoảng 1.000 con gà thịt. Sau khi khấu trừ chi phí đầu tư, tính ra ông thu về được gần 20 triệu đồng lợi nhuận.
Theo ông V, từ những tháng cuối năm 2020, giá thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng, ban đầu chỉ 5.000 đồng/bao nhưng tăng liên tục từ đó đến nay, trung bình khoảng 3 tuần đến 1 tháng tăng một lần, tổng cộng mức giá tăng đến nay gần 30.000 đồng/bao. Với mức giá này, ông quyết định “treo chuồng”, tạm thời không tái đàn lứa tiếp theo vì lo ngại sẽ thua lỗ.
Tại một số đại lý ở các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu, Bến Cầu, Gò Dầu và thành phố Tây Ninh, mức giá các loại thức ăn gia súc, gia cầm tăng khoảng 20% so với thời điểm cuối tháng 10.2020. Trong đó, giá thức ăn cho heo tăng nhiều nhất, một số thương hiệu tăng cao là Greenfeed, deheus, Hi-gro, Cargill…
Ðặc biệt là thức ăn hỗn hợp cho heo con thấp nhất cũng trên 400.000 đồng/bao, rẻ nhất là thức ăn cho heo nái có giá khoảng 230.000 - 270.000 đồng/bao, còn những loại thức ăn cho heo thịt có giá dao động từ 260.000 - 330.000 đồng/bao, tuỳ thương hiệu và trọng lượng heo sử dụng. Giá các loại thức ăn cho gà, vịt, cá ở mức trên 260.000 đồng/bao.
Người dân lo thua lỗ vì giá thức ăn tăng chóng mặt (ảnh: Thuý Hằng).
Theo một nhân viên tiếp thị thức ăn chăn nuôi tại thành phố Tây Ninh, giá các loại nguyên liệu đầu vào như bắp, đậu, mì... đều tăng, bên cạnh đó hoạt động nhập nguyên liệu từ nước ngoài về cũng gặp khó khăn vì dịch bệnh, nên giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng thêm.
Ðây không chỉ là vấn đề riêng của người chăn nuôi mà còn là nỗi lo của các doanh nghiệp chế biến, vì giá thức ăn chăn nuôi tăng sẽ kéo theo chi phí chăn nuôi tăng, trong khi tình hình dịch bệnh còn nhiều phức tạp, giá bán thực phẩm không thể tăng theo. Tình trạng này nếu kéo dài không chỉ khiến người chăn nuôi “treo chuồng”, mà các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi cũng sẽ thiệt hại không ít.
Hiện nay, tình hình chăn nuôi trên đà phục hồi sau dịch bệnh, giá các sản phẩm thịt, nhất là thịt heo ở mức cao nên người chăn nuôi vẫn còn có lãi. Tuy nhiên, trong thời gian tới, diễn biến thị trường sẽ rất khó đoán khi dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp. Do vậy, các cơ quan chức năng cần có giải pháp bình ổn thị trường, góp phần hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn.
Minh Dương