Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Từ năm 2015 đến nay, khi Việt Nam gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới, ngành VLXD nói riêng, ngành công nghiệp của tỉnh nói chung bị ảnh hưởng rất lớn do phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại, thị phần tiêu thụ giảm, do đó, giá trị sản xuất tăng không đáng kể so với mức tăng của các ngành công nghiệp khác.
Một góc Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh.
Theo số liệu thống kê, giá trị sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng (VLXD) của Tây Ninh tăng dần trong giai đoạn 2016-2020 và năm 2021. Tuy nhiên, tỷ lệ giá trị sản xuất công nghiệp VLXD so với toàn ngành công nghiệp lại giảm dần, do suy giảm vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản và giao thông là 2 lĩnh vực có sử dụng nhiều vật liệu xây dựng.
Từ năm 2015 đến nay, khi Việt Nam gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới, ngành VLXD nói riêng, ngành công nghiệp của tỉnh nói chung bị ảnh hưởng rất lớn do phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại, thị phần tiêu thụ giảm, do đó, giá trị sản xuất tăng không đáng kể so với mức tăng của các ngành công nghiệp khác.
Từ các số liệu trên cho thấy, mặc dù có vai trò quan trọng, không thể thiếu trong thành phần kinh tế, nhưng giá trị mang lại từ ngành khai thác và sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là không cao, tỷ trọng đóng góp vào ngành công nghiệp của tỉnh thấp (3% - 5%/năm). Đồng thời, tỷ lệ đóng góp vào toàn ngành công nghiệp của tỉnh luôn giảm trong cả giai đoạn 2011-2020 và nhất là năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Hiện nay, sản phẩm VLXD của Tây Ninh chưa phong phú, chủ yếu là các loại VLXD thông thường như: xi măng, gạch đất sét nung, gia công tấm lợp kim loại, khai thác cốt liệu xây dựng và vật liệu san lấp.
Các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh sử dụng 4 loại vật liệu lợp phổ biến là ngói đất sét nung, ngói không nung, tấm lợp kim loại và tấm lợp xi măng - amiăng. Tuy nhiên, hiện tại trên địa bàn tỉnh chỉ sản xuất, gia công được 2 chủng loại, gồm ngói không nung (1 cơ sở với công suất thiết kế 100.000m2/năm) và tấm lợp kim loại (8 cơ sở gia công với tổng công suất thiết kế khoảng 1.250.000m2/năm). Các chủng loại vật liệu lợp khác là ngói nung và tấm lợp xi măng - amiăng thì được nhập từ các tỉnh khác.
Có thể thấy, với các chủng loại vật liệu được sản xuất hiện nay ngoài xi măng, các chủng loại VLXD khác chỉ có thể tự đáp ứng được một phần nhu cầu cho các công trình xây dựng của tỉnh.
Nhiều sản phẩm chưa được sản xuất trên địa bàn tỉnh hoặc được sản xuất với sản lượng rất thấp, không đáp ứng được nhu cầu như: vật liệu xây, tấm lợp không nung, bê tông các loại, đặc biệt là các chủng loại vật liệu cho trang trí hoàn thiện, vật liệu cao cấp (như gạch ốp lát, đá ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng...). Các mặt hàng này đều được cung ứng từ các tỉnh khác trong vùng, trong nước hoặc nhập từ nước ngoài.
Những năm gần đây, ngành sản xuất VLXD nói riêng và các ngành công nghiệp nói chung của Tây Ninh đã hướng tới đầu tư các công nghệ thiết bị hiện đại, tiên tiến, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, trong sản xuất VLXD hiện tại vẫn tồn tại nhiều cấp công nghệ khác nhau.
Một số cơ sở sản xuất VLXD có trình độ công nghệ cao và tiếp cận được với trình độ của quốc tế như công nghệ sản xuất xi măng của Công ty CP Xi măng Fico. Tuy nhiên, công nghệ sản xuất thủ công vẫn còn khá phổ biến trong sản xuất gạch đất sét nung, trong sản xuất gạch không nung, trong hoạt động khai thác đá và cát xây dựng...
Theo kết quả khảo sát, niên giám thống kê tỉnh Tây Ninh năm 2020 và số liệu thống kê của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, các doanh nghiệp, số lao động khai thác khoáng sản và sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh năm 2020 khoảng 2.000 người.
Nhìn chung, lực lượng lao động làm việc trong ngành sản xuất VLXD đều là lao động phổ thông, làm việc theo kinh nghiệm là chủ yếu. Lực lượng lao động đã qua đào tạo, có trình độ cao làm việc trong ngành sản xuất VLXD có số lượng rất ít và tập trung chủ yếu tại cơ sở sản xuất xi măng.
AN KHANG