Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tháng 5.2009 (giá cố định 1994) đạt 473 tỷ đồng, giảm 5,68% so tháng trước. Đáng chú ý là tất cả các khu vực kinh tế đều giảm: kinh tế Nhà nước giảm 3,65%; kinh tế ngoài quốc doanh giảm 10,6%; kinh tế có vốn ĐTNN giảm 1,28%.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Tây Ninh, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tháng 5.2009 (giá cố định 1994) đạt 473 tỷ đồng, giảm 5,68% so tháng trước. Đáng chú ý là tất cả các khu vực kinh tế đều giảm: kinh tế Nhà nước giảm 3,65%; kinh tế ngoài quốc doanh giảm 10,6%; kinh tế có vốn ĐTNN giảm 1,28% (trong đó riêng Khu Công nghiệp Trảng Bàng tăng 1,1%). Về giá trị sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ yếu, hầu hết các ngành có tăng trưởng nhưng tăng trưởng thấp, tỷ trọng chiếm trong giá trị sản phẩm không cao, cho nên tác động tăng trưởng chung thấp. Một số ngành có tỷ trọng tương đối cao trong giá trị sản xuất nhưng tỷ lệ thực hiện giảm so với tháng trước như: sản xuất lương thực thực phẩm và đồ uống giảm 20,78%, dệt may giảm 2%, điện giảm 9,6%.
Luỹ kế 5 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 2.632 tỷ đồng (giá cố định 1994), tăng 12% so cùng kỳ năm trước (5 tháng đầu năm 2008 tăng 10,23% so với 5 tháng 2007). Các khu vực kinh tế đều tăng trưởng, tăng trưởng cao nhất là khu vực kinh tế Nhà nước tăng 23,67% (Nhà máy xi măng Fico đã đi vào hoạt động, đóng góp giá trị sản xuất khu vực Nhà nước hơn 77 tỷ đồng); khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng hơn 20%; khu vực có vốn ĐTNN tăng 2,2% (riêng Khu Công nghiệp Trảng Bàng tăng 19%). Giá trị sản phẩm 1 số ngành chủ yếu phần lớn đều tăng từ 1% đến 118% (dệt may 51,6%, sơ chế da 14,4%, sản xuất chất khoáng phi kim loại 118%, sản xuất tủ bàn ghế 17%, điện 18,6%). Một số ngành có giá trị giảm: 3 nhà máy đường 22%, sản phẩm sản xuất từ cao su 8,3%, sản phẩm sản xuất từ kim loại 9,4%. Khối lượng sản phẩm 5 tháng năm nay nhiều sản phẩm chủ yếu tăng hơn cùng kỳ năm trước: bột củ mì 226 tấn, tăng 30%; muối ớt 597 tấn, tăng 76%; quần áo các loại tăng 74%; gạch các loại 127 triệu viên, tăng 30%, Clinker 146 ngàn tấn. Một số sản phẩm giảm như: đường 23%, giày thể thao 9,7%, vỏ ruột xe các loại 23,6%. Khó khăn nhất trong một số ngành công nghiệp hiện nay là thiếu nguyên liệu nông sản để chế biến và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm...
V.D Q