Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giá vật tư xây dựng tăng cao, ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công? 

Cập nhật ngày: 25/04/2022 - 00:26

BTNO - Việc giải ngân vốn xây dựng cơ bản là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mang tính then chốt để kích thích phát triển kinh tế, là đòn bẩy để phát triển sau dịch. Thực hiện tốt công tác này sẽ giúp giải phóng nguyên vật liệu, giải quyết việc làm, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.

Giá nhân công tăng cùng giá vật liệu ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng các dự án có vốn đầu tư công.

Thế nhưng trong năm 2021, việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch đề ra, đồng thời việc mời gọi thầu cho các công trình đầu tư công cũng gặp khó khăn không kém, đòi hỏi các ngành, chính quyền địa phương phải có giải pháp đẩy mạnh quyết liệt công tác đầu tư công nhằm bảo đảm nhiệm vụ chính trị quan trọng được tỉnh đề ra.

Mới đây, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Tây Ninh mở 4 gói thầu mời thầu cho các công trình xây dựng đầu tư công trên địa bàn thành phố Tây Ninh. Bất ngờ là, không có nhà thầu nào tham gia. Vì sao?

Theo đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Tây Ninh (BQLDA), việc nhà thầu không còn “mặn mà” với các công trình đầu tư công, nhất là các công trình giao thông đường bộ có nhiều nguyên nhân như giá vật liệu xây dựng, giá nhân công tăng cao nhiều so với giá dự án được duyệt, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công... Trong khi đó, việc điều chỉnh tăng giá vật tư xây dựng cho các công trình đầu tư công là một vấn đề nan giải.

Đại diện BQLDA ngành giao thông cho biết, những biến động giá cả thời gian qua dẫn đến nhiều nhà thầu thi công các công trình đầu tư công đã trúng thầu trước đó hiện tại phải chịu lỗ để công trình kịp tiến độ. Có nhiều công trình khi mở thầu, giá dầu chỉ khoảng 17 ngàn đồng/lít, chỉ trong một thời gian ngắn, giá dầu tăng lên cao bất thường trên 25 ngàn đồng/lít khiến các nhà thầu không kịp trở tay.

Thi công các công trình giao thông đường bộ, giá xăng dầu ảnh hưởng rất lớn đến giá cả các nguyên liệu khác như chi phí vận chuyển vật tư; giá vật tư lên cao; giá bê tông nhựa tăng, giá đá phục vụ công trình thời gian qua cũng tăng dẫn đến các công trình đội giá khá cao.

Chi phí nguyên liệu xăng dầu lên gây áp lực không nhỏ cho các nhà thầu.

Dù biết thi công là phải chịu lỗ nhưng các nhà thầu vẫn phải đẩy nhanh tiến độ vì “càng dây dưa càng lỗ”, còn điều chỉnh để tăng giá cả vật liệu không phải chủ đầu tư muốn là có thể điều chỉnh mà phải chờ các quy định từ Trung ương.

Cũng theo BQLDA ngành giao thông tỉnh, với tình cảnh khó khăn hiện nay, nhiều dự án giao thông đường bộ do đơn vị này làm chủ đầu tư cũng gặp không ít khó khăn, chỉ biết động viên, chia sẻ với các nhà thầu. Tuy nhiên, dù rất thông cảm, nhưng vấn đề bảo đảm chất lượng, tiến độ thi công vẫn được BQLDA chú trọng. BQLDA xử lý các nhà thầu thi công cố tình chây ỳ thi công để đợi giá vật tư xuống.

Điều mà các chủ đầu tư hiện nay đang khá đau đầu với các dự án các công trình giao thông là việc giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà thầu thi công. Có những công trình do ảnh hưởng của việc giải phóng mặt bằng ở một vài vị trí mà công trình bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ. Theo thời gian, giá cả biến động, vật tư tăng cao nhiều lần.

BQLDA ngành giao thông tỉnh cho biết, đối với các công trình mới và đã trúng thầu hoặc đang chuẩn bị mời gọi thầu trong năm 2022, giá cả vật tư xây dựng được cập nhật đến cuối năm 2021 nên cũng đỡ hơn những công trình trúng thầu trước đó. Tuy nhiên so với thời điểm hiện tại, giá vật liệu tiếp tục tăng cao, đây cũng là khó khăn cho các nhà thầu phải tính toán để tham gia dự thầu.

Đại diện một công ty xây dựng tham gia dự thầu nhiều dự án đường giao thông, công trình trụ sở có vốn đầu tư công chia sẻ, giá xăng dầu tăng kéo theo hàng loạt chi phí tăng, trong đó chủ yếu là những vật liệu có yếu tố quyết định để thi công công trình như đá, nhựa đường, phí vận chuyển… Nói cách khác, hiện nay các nhà thầu “càng làm, càng lỗ” (!?), công trình lớn lỗ lớn, công trình nhỏ lỗ nhỏ. Dù biết vậy nhưng các công ty vẫn phải tham gia dự thầu để có công trình thi công nhằm nuôi quân, hơn nữa đó còn là uy tín đối với chủ đầu tư – vốn không dễ gì tạo được nên không thể vì khó khăn trước mắt mà tạm ngưng hoạt động.

Giá nhựa đường tăng cao được cho là bài toán đau đầu cho các nhà thầu.

Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng tại thông báo số 2430/TB-VP ngày 13.4.2021 nêu rõ, về kết quả thực hiện Kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2021, theo Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân chính thức Kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2021 của tỉnh đến hết ngày 31.1.2022 là 4.033,182 tỷ đồng, đạt 88,59% KH HĐND tỉnh giao.

Tỷ lệ giải ngân chưa đạt theo yêu cầu đã được đặt ra đầu năm 2021 (ước đạt 100% kế hoạch được giao) và số liệu báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại phiên họp HĐND tỉnh cuối năm 2021 (ước giải ngân đạt 96,21% kế hoạch được giao), thấp hơn về số tuyệt đối là 348,66 tỷ đồng, tương đương khoảng 8%.

Về nguyên nhân do các chủ đầu tư, các địa phương không hoàn thành đúng cam kết đã đăng ký với UBND tỉnh (có những đơn vị giải ngân thấp hơn rất nhiều với số liệu đã đăng ký); công tác giải phóng mặt thực hiện chậm, một số dự án phải gia hạn thời gian thực hiện nhiều lần (đa số là các đự án trọng điểm) dẫn đến công tác bố trí vốn cho các dự án nhóm B, nhóm C có thể không bảo đảm theo quy định tại Luật đầu tư công. Ngoài ra, thực tế trong thời gian qua công tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án khởi công mới vẫn còn chưa kịp thời, chủ yếu do lỗi chủ quan; các đơn vị đã không bám sát, không quyết liệt để chỉ đạo kiểm tra.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của các đơn vị thì việc chậm giải ngân là do một số dự án khởi công mới đang trong hoàn thiện thủ tục đấu thầu, chấm thầu thương thảo hợp đồng. Tuy nhiên, có thể thấy rằng việc chậm giải ngân chủ yếu do nguyên nhân chủ quan, các tồn tại, hạn chế trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện; nhất là công tác đền bù giải phóng mặt bằng.

Một số sở, ban, ngành, địa phương, thiếu quyết tâm, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy tích cực, công tác lập kế hoạch vốn chưa với sát thực tế và khả năng giải ngân; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh...

Trong thực tế cùng một cơ chế, chính sách có những đơn vị, địa phương giải ngân rất tốt, có nơi lại rất thấp, thậm chí chưa giải ngân. Ngoài ra, một yếu tố khách quan đang tác động đến tiến độ giải ngân vốn là giá vật tư, vật liệu xây dựng, sắt thép, cát đá, xi măng ... tăng làm cho tiến độ thi công dự án bị chậm lại, có thể xảy ra tình trạng dự án thi công cầm chừng, tạm dừng do tâm lý chờ giá nguyên vật liệu giảm xuống hoặc chờ thương thảo, điều chỉnh lại giá gói thầu dẫn đến việc chậm triển khai thi công; các dự án đang chuẩn bị đấu thầu có thể không thu hút được sự quan tâm của nhà thầu do giá gói thầu chưa cập nhật theo giá thị trường, dẫn đến việc chậm triển khai các dự án khởi công mới.

Thế Nhân