Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giá xăng dầu giảm, giá hàng hoá vẫn nằm yên 

Cập nhật ngày: 08/08/2022 - 00:34

BTN - Trong những phiên điều hành từ ngày 11.7 đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm tổng cộng hơn 7.000 đồng/lít (tương đương hơn 20%), thế nhưng đến thời điểm hiện tại, giá nhiều loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu vẫn neo cao, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Giá thịt heo tại các chợ vẫn không giảm theo giá xăng.

Xăng dầu là mặt hàng nhiên liệu đầu vào quan trọng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành của hầu hết các loại hàng hoá, dịch vụ. Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh tăng, khiến cho giá nhiều loại hàng hoá, dịch vụ tăng theo.

Trong những phiên điều hành từ ngày 11.7 đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm tổng cộng hơn 7.000 đồng/lít (tương đương hơn 20%), thế nhưng đến thời điểm hiện tại, giá nhiều loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu vẫn neo cao, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Người dân kỳ vọng các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có biện pháp giúp hạ nhiệt giá cả hàng hoá, dịch vụ trên thị trường.

Giá cước vận tải vẫn chưa giảm

Khi giá xăng dầu liên tục lập đỉnh thì giá cước vận chuyển cũng được điều chỉnh tăng theo, thế nhưng gần một tháng qua, giá mặt hàng xăng đầu được cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh giảm, nhưng hiện giá cước vận tải của các đơn vị trên địa bàn tỉnh vẫn giữ nguyên khiến nhiều người dân búc xúc.

Chị Võ Nguyễn Thuỳ Trang- sinh viên một trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, giá vé xe khách tuyến bến xe Tây Ninh - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại bắt đầu nhích lên từ đầu tháng 4.2022, giá vé hiện tại đã gần gấp đôi so với trước đây. “Giá xăng dầu tăng thì giá vé tăng là bình thường, nhưng hiện tại xăng dầu đã giảm giá mà giá vé không giảm?”- chị Trang thắc mắc.

Theo ông Tạ Ngọc Thương, ngụ xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, khi giá xăng dầu tăng cao thì các đơn vị vận tải tăng giá cước, thế nhưng khi giá xăng đã giảm thì những đơn vị này cố tình không giảm để “móc túi người tiêu dùng” kiếm thêm lợi nhuận, trong khi các cơ quan chức năng vẫn không có biện pháp xử lý.

Theo tìm hiểu của người viết, giá cước vận tải hành khách của một số đơn vị vận tải hành khách tại bến xe khách Tây Ninh hiện vẫn bằng với thời điểm đầu tháng 7.2022, Trong đó, tuyến bến xe Tây Ninh - TP. Hồ Chí Minh vẫn phổ biến từ 120.000 - 130.000 đồng/vé.

Người viết đã tìm cách liên hệ với một lãnh đạo doanh nghiệp vận tải có tiếng tại Tây Ninh nhưng người này từ chối trả lời phỏng vấn với lý do: “Chúng tôi chưa có kế hoạch giảm nên đừng hỏi”.

Người dân lựa chọn mua sắm trong các siêu thị có niêm yết giá.

Giá cả hàng hoá thiết yếu giảm nhỏ giọt

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, khi xăng dầu tăng thì hàng hoá bán lẻ sẽ tăng theo. Nhưng dù giá xăng dầu những ngày qua đã liên tiếp giảm, giá các mặt hàng rau củ, thịt cá không hề giảm.

Tại một số chợ truyền thống, giá bán các mặt hàng thiết yếu như: gạo, đường, nước mắm, bột ngọt, dầu ăn đều không giảm. Trong khi đó, giá các loại thịt lại có phần tăng thêm. Giá bán lẻ thịt heo tại các chợ dao động 100.000 - 150.000 đồng/kg tuỳ loại. Thịt bò từ 240.000 - 300.000 đồng tuỳ loại. Thịt gà công nghiệp vẫn giữ mức 60.000 - 80.000 đồng tuỳ loại, gà ta 120.000 - 150.000 đồng/kg (nguyên con chưa làm thịt). Cá điêu hồng giá 60.000 - 70.000 đồng/kg... Rau cải xanh 25.000 đồng/kg.

Bà N.T.B, tiểu thương kinh doanh thịt heo tại chợ Tây Ninh (phường 2, thành phố Tây Ninh) cho biết, mặc dù giá xăng dầu đã giảm nhiều so với trước đây, nhưng do đơn vị cung cấp không giảm nên bà cũng không thể giảm giá bán.

Một tiểu thương tại chợ Tây Ninh đã gay gắt trả lời: “Xăng dầu giảm nhưng giá cước vận chuyển có giảm đâu mà kêu chúng tôi giảm”.

Không chỉ thực phẩm tươi sống, mà giá nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng chưa có dấu hiệu giảm kể từ đầu tháng 7.2022 đến nay. Theo các cơ sở kinh doanh, việc điều chỉnh giảm đối với mặt hàng tiêu dùng là chính sách của nhà sản xuất và nhà phân phối. Vì vậy, "độ trễ" của việc giảm giá ít nhất 10 - 15 ngày mới có thể đến các đại lý bán lẻ.

Chị Trang- chủ một cửa hàng kinh doanh gạo tại phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành cho biết, hiện tại nguồn hàng nhập về vẫn chưa được điều chỉnh giảm giá với lý do những đợt thu mua và xay xát lúa trúng vào thời điểm giá xăng dầu tăng cao nên các doanh nghiệp đầu mối phải bán hết đợt hàng, nếu thời gian tới giá xăng tiếp tục giảm thì giá gạo mới được điều chỉnh giảm theo. Nếu tự giảm giá, chúng tôi phải bỏ tiền túi ra bù lỗ nên đại lý không thể thực hiện được.

Hàng hóa ngoài chợ truyền thống vẫn chưa giảm.

Người nông dân bị ép giá

Trong khi giá xăng dầu tăng cao là nguyên nhân để tiểu thương và doanh nghiệp đưa ra để giải thích cho việc tăng giá bán thì cũng chính lý do đó lại được thương lái đem ra để ép giá nông dân.

Ông Võ Thành Tài, ngụ xã Phước Bình cho biết, việc sản xuất nông nghiệp của nông dân hai năm qua liên tục gặp khó khăn, phần vì dịch bệnh, phần vì giá vật tư nông nghiệp đầu vào quá cao trong khi giá cả nông sản xuống thấp, khó tiêu thụ.

Theo ông Tài, gia đình ông đang canh tác hơn 1 ha lúa, 0,6 ha bầu và chăn nuôi 13 con heo. Trong khi ra chợ, giá cả các loại thực phẩm đều tăng theo giá xăng dầu, nhưng khi gia đình ông xuất bán heo và nông sản thì thương lái đều nói giá thu mua giảm do phải chi thêm tiền xăng dầu vận chuyển, chi phí chế biến tăng để ép giá.

“Tôi cũng bức xúc với cách giải thích ấy, nhưng nếu không bán cho họ (thương lái) thì bán cho ai? Không lẽ bỏ chín rục ngoài đồng hay sao?”- ông Tài thở dài nói.

Theo người dân, các tiểu thương “mua tận gốc” thường ép giá người bán, bởi hàng hoá sản xuất ra nhiều, nếu không bán cho họ thì biết bán cho ai. Còn khi về các chợ dân sinh thì họ bán “theo giá làng” cao ngất ngưởng, người mua cứ phải mua vì vẫn phải tiêu dùng hằng ngày.

Cứ thế, chỉ người sản xuất, người tiêu dùng thiệt, còn người trung gian là các tiểu thương, chủ doanh nghiệp kinh doanh hàng hoá thì lãi lớn. Lợi nhuận thu được cao hơn thì không lý do gì họ dễ dàng giảm giá hàng hoá.

Thực tế qua nhiều lần tăng, giảm giá xăng, dầu cho thấy, khi mặt hàng này tăng thì nhiều mặt hàng khác tăng rất nhanh để bù lại chi phí vận chuyển hoặc tranh thủ “té nước theo mưa”, tuy nhiên khi giá xăng dầu giảm thì hàng hoá khác rất ít khi giảm theo và có chăng chỉ giảm theo kiểu “nhỏ giọt”.

Để công bằng cho người tiêu dùng, các cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp mạnh mẽ nhằm ổn định thị trường, tạo môi trường kinh doanh và tiêu dùng lành mạnh.

Nguyên An