Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Giá dầu Brent và dầu WTI cùng giảm hơn 1,5 USD mỗi thùng do lo ngại về cuộc khủng hoảng tài chính đang nhen nhóm tại các nền kinh tế lớn.
Giá dầu thế giới
Đầu ngày 19/3, giá dầu Brent giao dịch ở mức 72,97 USD/thùng, giảm 1,73 USD, tương ứng giảm 2,32%; dầu WTI giao dịch mức 66,74 USD/thùng, giảm 1,61 USD, tương đương giảm 2,36%. Tính từ 13-17/3, giá dầu WTI đã giảm 13%, trong khi dầu Brent mất giá 11,9%, căn cứ các hợp đồng giao tháng trước.
Theo giới phân tích, giá dầu chịu áp lực giảm trong bối cảnh các nhà giao dịch ngày càng lo ngại rằng tình hình hỗn loạn trong ngành ngân hàng Mỹ và châu Âu có thể khiến triển vọng kinh tế trở nên u ám, từ đó tác động đến nhu cầu năng lượng.
Cụ thể, sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) tại Mỹ do mất tính thanh khoản, đã làm gia tăng lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính, có thể dẫn tới suy thoái kinh tế.
Thêm nữa, giá dầu cũng chịu sức ép do những dấu hiệu kinh tế Trung Quốc phục hồi yếu hơn dự kiến, bất chấp việc nước này đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế dịch bệnh nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, giá dầu lao dốc sau khi nhà đầu tư lớn nhất của Credit Suisse (CS, Thụy Sĩ) là Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia cho biết không thể cung cấp thêm bất kỳ hỗ trợ tài chính nào, đẩy cổ phiếu của CS và các cổ phiếu châu Âu khác trượt giá.
Giá xăng dầu trong nước
Hiện giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh theo hướng tăng đồng loạt các mặt hàng từ 13/3. Cụ thể, giá xăng RON95 tăng 493 đồng/lít lên 23.818 đồng/lít, xăng E5 RON92 tăng 385 đồng/lít lên 22.806 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel tăng 247 đồng/lít lên 20.502 đồng/lít, dầu hoả tăng 241 đồng/lít lên 20.715 đồng/lít, dầu mazut tăng 724 đồng/kg lên 15.279 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành giá vừa qua, nhà điều hành trích lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON92 ở mức 300 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 300 đồng/lít, dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazut không trích lập. Đồng thời không chi quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu (như kỳ trước).
Theo các cơ quan quản lý, thị trường xăng dầu thế giới trong kỳ điều hành lần này chịu ảnh hưởng của các yếu tố như dữ liệu về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc mang lại hy vọng về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ; việc Nga cắt giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày trong tháng 3; nguy cơ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng đẩy lãi suất điều hành lên cao hơn dự kiến để kiểm soát lạm phát…
Nguồn vtc