Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ông Quốc cho rằng, đang có hiện tượng găm hàng xăng dầu chờ tăng giá hoặc làm khó, không cho doanh nghiệp vận tải thanh toán cuối kỳ như trước đây mà phải thanh toán ngay trong mỗi lần mua.
Giá nguyên liệu xăng dầu tăng cao thời gian gần đây nhưng các doanh nghiệp vận tải hàng hóa vẫn chưa dám tăng giá vì sợ mất khách hàng ( ảnh minh họa)
Với những biến động giá xăng dầu những ngày gần đây, nhiều người dự đoán sẽ kéo theo phí vận chuyển hàng hóa tăng, dẫn đến giá hàng hóa tăng và người tiêu dùng chịu thiệt thòi nhất. Thế nhưng dù giá xăng dầu tăng cao, nhưng doanh nghiệp hoạt động vận tải vẫn không dám tăng phí vận chuyển, nên tạm thời giá các mặt hàng chủ yếu chưa tăng.
Đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách đã rõ, do lượng hành khách mới tăng dần lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên doanh nghiệp vẫn chưa dám tăng giá vé.
Tuy nhiên đối với doanh nghiệp vận tải hàng hóa, chuyện tăng phí vận chuyển lại càng không thể vì hiện nay số lượng phương tiện hoạt động vận tải hàng hóa nhiều mà hàng hóa chưa phong phú như thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh. Vì vậy, chỉ cần doanh nghiệp này tăng giá cước, khách hàng sẽ tìm doanh nghiệp khác.
Anh Mai Huỳnh Tuấn Linh, ngụ phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành cho biết, anh có 6 ô tô tải loại lớn chở hàng hóa chủ yếu là gạo và thức ăn đi các tỉnh miền Tây và ngược lại. Những ngày qua, khi giá dầu tăng cao bất thường, anh phải “cắn răng” để cho xe hoạt động mà không dám tăng giá. Chỉ cần anh Linh tăng cước vận chuyển nhẹ, khách hàng sẽ tìm mối khác, vì hiện nay nhiều chủ xe đang cần hàng hóa để hoạt động.
Trước giá xăng dầu tăng cao dù rất muốn nhưng doanh nghiệp hoạt động vận tải hành khách cũng chần chừ chưa dám tăng giá vé do lượng hành khách chỉ mới bắt đầu phục hồi lại.
Theo anh Linh, do dịch bệnh hoạt động sản xuất hàng hóa bị ảnh hưởng khá nhiều nên hiện nay dù hồi phục nhưng chưa phong phú như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp vận tải đều vay tiền để mua sắm phương tiện hoạt động nên bằng mọi giá phải tìm hàng hóa cho xe “lăn bánh”. Chỉ cần xe không hoạt động khoảng 1 tuần là doanh nghiệp khó khăn vì phải giải quyết bài toán chi phí hoạt động như lương nhân viên, lãi ngân hàng…Đó là lý do mà doanh nghiệp vận tải hàng hóa trong tỉnh không dám tăng giá cước vận chuyển.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Trần Ngọc Quốc- Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vận tải XNK Trần Quốc cho rằng, từ khi tái mở cửa kinh tế sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, chi phí sản xuất của doanh nghiệp vẫn ở mức cao, giá thành sản phẩm cao. Xăng dầu tăng đẩy chi phí vận chuyển tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Do "Xăng dầu trên đà tăng giá, doanh nghiệp vận tải lập tức bị ảnh hưởng, nếu không tăng giá thì họ sẽ bị lỗ, ngưng vận hành, còn nếu tăng giá sẽ tác động dây chuyền đến giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác vì tất thảy hàng hóa đều phải vận chuyển để lưu thông trên thị trường".
Theo nhận định của ông Quốc, câu chuyện giá xăng tăng không chỉ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa trong nước mà còn tác động trực tiếp đến hàng xuất khẩu Việt Nam. "Giá xuất khẩu bột mì là 10.500 triệu đồng/tấn. Nay giá xăng dầu tăng dẫn đến chi phí vận chuyển tăng, doanh nghiệp xuất khẩu muốn giữ giá bán như cũ để cạnh tranh với sản phẩm cùng chủng loại của các nhà xuất khẩu đến từ những quốc gia khác trong khu vực thì phải chấp nhận giảm lợi nhuận hoặc ép giảm giá mua nguyên liệu. Cuối cùng, doanh nghiệp và nông dân sẽ chịu thiệt". Ông Quốc cho biết, về lâu dài, doanh nghiệp vận tải cũng sẽ gặp khó khăn vì điều chỉnh giá không kịp với tốc độ tăng giá xăng dầu trong nước.
Ông Quốc cho rằng, đang có hiện tượng găm hàng xăng dầu chờ tăng giá hoặc làm khó, không cho doanh nghiệp vận tải thanh toán cuối kỳ như trước đây mà phải thanh toán ngay trong mỗi lần mua. Nếu không can thiệp nhanh, ngay thì dễ dẫn đến đứt gãy không chỉ khu vực vận tải mà tất cả lĩnh vực, bởi xăng dầu tăng giá. Khi đó theo quy luật thị trường thì tất cả sản phẩm hàng hóa, dịch vụ sẽ nối đuôi theo tăng giá.
Không chỉ các doanh nghiệp vận tải lớn đang “gồng” không dám tăng giá cước khi giá nguyên liệu tăng cao. Đến các hoạt động vận tải hàng hóa nhỏ, lẻ như xe “chành” nhận hàng nhỏ lẻ của khách hàng chở đi các địa phương trong tỉnh cũng không dám tăng giá cước mà phải đi kiếm khách hàng do nhu cầu gửi hàng của khách vẫn chưa cao như trước đây.
Thế Nhân