Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giá xăng dầu thấp kỷ lục, nhà sản xuất và phân phối ôm lỗ nặng
Thứ bảy: 09:45 ngày 02/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Do giá xăng dầu thế giới và trong nước sụt xuống mức thấp nhất trong hơn 10 năm, nhiều nhà sản xuất và phân phối mặt hàng này đang phải ôm những khoản lỗ nặng.

Kết quả kinh doanh quý I của nhóm doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ xăng dầu trong nước cho thấy việc giá dầu thô thế giới lao dốc cũng như giá xăng trong nước xuống mức thấp nhất 11 năm đang ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả kinh doanh của các công ty này.

Trong đó, những doanh nghiệp càng lớn, chiếm nhiều thị phần sản xuất tiêu thụ xăng dầu lại càng ôm những khoản lỗ nặng.

Đại gia bán lẻ xăng dầu ôm lỗ nặng

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I của Công ty CP Vật tư Xăng dầu (Comeco) - chủ sở hữu 37 cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM, trong 3 tháng đầu năm công ty này ghi nhận 859 tỷ đồng doanh thu, sụt giảm 8% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng chịu ảnh hưởng từ việc giá xăng dầu xuống thấp nhưng lợi nhuận sau thuế của nhà bán lẻ này vẫn ở mức 6 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kết quả kinh doanh của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) - nhà bán lẻ lớn thứ 2 thị trường với hơn 3.500 cửa hàng xăng dầu lại cho con số trái ngược.

Dù vẫn ghi nhận doanh thu tăng 4% trong quý I, đạt 17.686 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp chiếm hơn 20% thị phần phân phối xăng dầu trong nước lại lỗ ròng 538 tỷ đồng. Đây là khoản lỗ quý cao nhất mà công ty này từng vướng phải. Tính riêng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ cũng là âm 391 tỷ.

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu càng lớn với nhiều hàng tồn kho càng chịu nhiều thiệt hại khi giá thị trường xuống thấp. Ảnh: Hoàng Đông.

Nguyên nhân dẫn tới khoản thua lỗ kỷ lục nói trên chính là việc giá vốn xăng dầu tăng mạnh khiến biên lãi gộp của PV Oil giảm từ 3,54% kỳ trước xuống còn vỏn vẹn 0,36%. Kết quả, lợi nhuận gộp quý I của công ty đã giảm 89%. Tính bình quân, mỗi ngày PV Oil thu về gần 200 tỷ tiền bán xăng dầu nhưng lại lỗ gần 6 tỷ/ngày.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp, do ảnh hưởng của giá dầu thế giới, sản lượng kinh doanh xăng dầu nội địa quý I đã giảm 11%, sản lượng bán lẻ giảm 6% so với mức bình quân năm trước.

Cũng trong quý I, giá dầu thô Brent trên thị trường thế giới giảm 78% khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước giảm xuống mức thấp nhất 11 năm. Điều này khiến giá bán trên thị trường thấp hơn giá gốc hàng tồn kho của PV Oil và là nguyên nhân khiến giá vốn xăng dầu tăng mạnh. PV Oil đã phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho gần 434 tỷ đồng trong quý I.

Chưa công bố kết quả kinh doanh quý, nhưng báo cáo của Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trước đó cũng cho biết Petrolimex (nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước với hơn 50% thị phần) ước tính sẽ lỗ khoản 572 tỷ đồng trong quý I.

Nguyên nhân thua lỗ do phải trích lập dự phòng hàng tồn kho như trường hợp của PV Oil nói trên. Con số lỗ này dựa trên tính toán doanh thu quý I của công ty ước đạt 28.449 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp sản xuất cũng lao đao

Không riêng các nhà bán lẻ gặp khó, trước diễn biến giá trên thị trường xăng dầu. Ngay cả Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - nhà sản xuất xăng dầu lớn nhất cả nước - cũng rơi vào khoản cảnh tương tự với khoản lỗ 2.348 tỷ đồng quý I.

Cụ thể, 3 tháng đầu năm, doanh thu của doanh nghiệp này đã giảm 22%, nhưng vẫn đạt gần 18.000 tỷ. Tuy nhiên, như tương tự các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, việc giá xăng dầu trên thị trường xuống thấp hơn giá trong kho đã khiến BSR phải kinh doanh dưới giá vốn. Kết quả, nhà sản xuất này lỗ gộp 1.991 tỷ, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 856 tỷ đồng.

Khoản lỗ gộp này cộng với hàng trăm tỷ chi phí mà công ty phải bỏ ra để vận hành hoạt động khiến lợi nhuận sau thuế đạt mức âm 2.348 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gần 600 tỷ). Riêng lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ cũng là âm 2.330 tỷ.

Theo lãnh đạo công ty này, hồi đầu năm 2019, giá dầu thô Brent tăng lên 66,12 USD/thùng bình quân tháng 3 đã giúp công ty hoạt động thuận lợi do hàng tồn kho có giá thấp hơn thị trường.

Tuy nhiên, trong quý I năm nay giá dầu thô đã giảm mạnh từ 67,02 USD/thùng bình quân tháng 12/2019 xuống còn 31,83 USD/thùng bình quân tháng 3/2020.

Với đặc thù là doanh nghiệp sản xuất, nhà máy luôn phải duy trì một lượng dầu thô và cần thời gian chế biến để cho ra sản phẩm xuất bán. Điều này dẫn đến khi giá dầu thô và sản phẩm giảm thì giá vốn bị ảnh hưởng do tồn kho có giá cao hơn thị trường.

Ngoài ra, chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính cũng suy giảm nghiêm trọng dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh quý I năm giảm mạnh.

Lãnh đạo BSR cũng cho biết dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu sản phẩm lọc hóa dầu trong nước giảm rất mạnh quý I. Các khách hàng của công ty gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm, tồn kho tăng rất cao.

Nguồn Zing

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục