Kinh tế   Thông tin thị trường

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giá xăng dầu tiếp tục giảm 

Cập nhật ngày: 18/07/2024 - 18:14

Trên cơ sở điều hành của liên bộ Công Thương - Tài chính, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh giá xăng dầu kể từ 15h hôm nay (18/7).

Giá xăng RON95-III về sát mốc 23.000 đồng/lít
Tại kỳ điều hành này, liên bộ không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu điêzen, dầu hỏa, dầu mazut.

Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:

Xăng E5RON92 không cao hơn 22.174 đồng/lít (giảm 108 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.004 đồng/lít.

Xăng RON95-III không cao hơn 23.178 đồng/lít (giảm 116 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành).

Dầu điêzen 0.05S không cao hơn 20.504 đồng/lít (giảm 330 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành).

Dầu hỏa không cao hơn 20.664 đồng/lít (giảm 374 đồng/lít so với giá cơ sở hiện hành).

Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 17.611 đồng/kg (giảm 173 đồng/kg so với giá cơ sở hiện hành).

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11/7/2024 và kỳ điều hành ngày 18/7/2024 là: 92,73 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 0,614 USD/thùng, tương đương giảm 0,66%); 97,15 USD/thùng xăng RON95 (giảm 0,614 USD/thùng, tương đương giảm 0,63%); 98,606 USD/thùng dầu hỏa (giảm 2,168 USD/thùng, tương đương giảm 2,15%); 99,308 USD/thùng dầu điêzen 0,05S (giảm 1,906 USD/thùng, tương đương giảm 1,88%); 514,498 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 6,246 USD/tấn, tương đương giảm 1,2%).

Bộ Công Thương giữ quan điểm doanh nghiệp tự tính giá xăng dầu
Tại dự thảo vừa gửi Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương giữ quan điểm doanh nghiệp tự tính giá xăng dầu theo các yếu tố Nhà nước công bố.

Theo đó, Nhà nước sẽ không điều hành giá bán lẻ nhiên liệu trong nước mà doanh nghiệp (đầu mối, phân phối kinh doanh xăng dầu) tự tính, quyết giá bán lẻ trên cơ sở các yếu tố do Nhà nước công bố.

Cụ thể, cơ quan quản lý sẽ công bố giá thế giới bình quân 7 ngày một lần và một số chi phí cố định (tỷ giá ngoại tệ, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, thuế nhập khẩu).

Dựa trên những dữ liệu này, doanh nghiệp đầu mối sẽ cộng thêm các khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức để tính giá bán tối đa. Song, giá bán lẻ tới người tiêu dùng không được cao hơn mức tối đa này. Giá bán lẻ tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được tăng thêm tối đa 2%.

Tuy nhiên, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ phải kê khai giá, thông báo với cơ quan quản lý để giám sát.

Với thương nhân phân phối, trong dự thảo lần này, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án. Phương án 1 quy định doanh nghiệp phân phối chỉ được mua xăng dầu từ đầu mối, không được mua bán chéo của nhau. Phương án 2 là doanh nghiệp phân phối được quyền mua bán xăng dầu với nhau như hiện tại.

Song Bộ Công Thương nghiêng về phương án 1, tức không nên cho phép đơn vị phân phối mua bán xăng dầu lẫn nhau.

Ngoài ra, dự thảo lần này tiếp tục giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu; đồng thời quy định, trong trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường hoặc trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường... 

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá 2023.

Hiện tại, dư địa quỹ bình ổn giá xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối vẫn ghi nhận mức dương lớn do nhiều kỳ điều hành gần đây không sử dụng quỹ.

Tính đến ngày 11/7, Petrolimex ghi nhận mức dương quỹ 3.078 tỷ đồng; Saigon Petro dương 328 tỷ đồng; Petimex dương 460 tỷ đồng, PV Oil âm quỹ hơn 138 tỷ đồng...

Nguồn nguoiduatin