Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trước tình hình giá dầu thế giới lao dốc về dưới 100 USD/thùng, nhiều doanh nghiệp dự báo giá bán lẻ xăng dầu trong nước có thể giảm trong kỳ điều hành tới.
Theo dữ liệu từ Trading Economics, giá dầu thô thế giới lúc 21h ngày 15/3 tiếp tục lao dốc. Cụ thể, giá dầu Brent đã giảm xuống còn 98,15 USD/thùng, tương đương 7,8%. Dầu WTI xuống còn 94,5 USD/thùng, tương đương 8,09%.
Đây đều là mức giá thấp nhất tính từ đầu tháng 3 đến nay. Giá dầu thế giới xuất hiện động thái quay đầu điều chỉnh từ hôm 9/3 khi giảm hơn 15 USD/thùng xuống ngưỡng dưới 115 USD/thùng. Trước đó, giá hai loại dầu đều dao động trên dưới 130 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Từ đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước đã tăng 25-40%. Ngày 11/3, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước tăng thêm gần 3.000 đồng/lít, đưa giá xăng RON 95 và E5 RON 92 lên mức cao nhất lịch sử là 29.820 đồng/lít và 28.985 đồng/lít.
So với đầu năm, giá xăng, dầu đã tăng 4.625-7.030 đồng/lít, kg tuỳ loại, trong khi đó, giá thành phẩm xăng dầu thế giới biến động tăng 44-60% khi giá dầu leo thang.
Có thể giảm 1.500 đồng/lít
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng, dầu thành phẩm trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 14/3 giảm khoảng 8-27 USD/thùng so với ngày 10/3. Cụ thể 125,41 USD/thùng đối với xăng RON 92, xăng RON 95 là 129,34 USD/thùng, dầu diesel 123,07 USD/thùng...
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM cho biết sau ngày 11/3, giá dầu thế giới có xu hướng giảm theo những tín hiệu khả quan từ các cuộc đàm phán.
Giá dầu thô WTI và Brent bất ngờ lao dốc giúp thị trường xăng dầu trong nước hạ nhiệt, mức chiết khấu của doanh nghiệp tăng. Ảnh: Chí Hùng.
So với 4 ngày trước, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đang cao hơn giá thành phẩm tại Singapore là khoảng 1.000 đồng/lít đối với xăng và 3.000 đồng/lít đối với dầu diesel. Tuy nhiên vẫn thấp hơn giá thành phẩm tại Singapore 10 ngày trước khoảng 100-130 đồng/lít.
Nếu 6 ngày tới giá dầu thô tiếp tục giảm như hiện nay thì giá xăng trong kỳ điều hành ngày 21/3 tới có thể được giữ nguyên hoặc giảm. Điều này còn tùy thuộc vào cơ quan điều hành tính toán có trích lập quỹ bình ổn hay không trong bối cảnh quỹ này của nhiều doanh nghiệp đầu mối đang âm nặng.
Tương tự, chủ một doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại miền Bắc dự đoán giá dầu thô thế giới sẽ lùi về khoảng 93-95 USD/thùng sau đó lại quay đầu tiếp tục tăng.
"Về kỳ điều chỉnh ngày 21/3 sắp tới, sẽ có 2 phương án. Thứ nhất, nếu trong điều kiện giá dầu thô duy trì như hiện nay thì giá bán lẻ xăng trong nước sẽ giảm quanh mức 1.500 đồng/lít và dầu quanh mức 2.000 đồng/lít. Thứ 2, nếu dầu thô bật tăng lại mức 110-130 USD/thùng thì giá các mặt hàng này vẫn sẽ tiếp tục tăng", lãnh đạo doanh nghiệp này nói với Zing.
Theo nhiều đại lý, doanh nghiệp phân phối xăng dầu, hiện mức chiết khấu đã tăng lên ở mức 1.200-1.300 đồng/lít đối với xăng, dầu. Đồng thời, nguồn hàng cũng cải thiện hơn trước.
Còn bất cập về điều hành giá
Nhìn lại đà tăng lịch sử của giá xăng dầu trong 6 kỳ điều hành vừa qua, chủ doanh nghiệp phân phối xăng dầu đánh giá cơ quan điều hành cụ thể là Bộ Công Thương chưa chủ động linh hoạt, thiếu các kịch bản ứng phó thích hợp khi giá xăng dầu vượt dự đoán.
"Nguồn cung trong nước không thiếu mà chủ yếu do Bộ Công Thương điều chỉnh giá xăng dầu 'lạc nhịp' so với thị trường. Nghĩa là giá thế giới tăng rất mạnh nhưng giá trong nước điều hành chậm khiến doanh nghiệp, đại lý thua lỗ nặng tới 4.000 đồng/lít và không mặn mà bán", ông nói.
Theo vị lãnh đạo này, nếu Bộ Công Thương chủ động thì có thể 5 ngày điều chỉnh/lần, tránh tình trạng tăng giá "sốc" như vừa qua. "Điều này sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp. Bởi giá dầu thô thế giới thì tăng hàng ngày trong khi giá trong nước vẫn điều hành theo quy định 10 ngày/lần", ông nói.
Người dân TP.HCM đổ xô đi mua xăng trước dự báo giá xăng tăng kỷ lục sát mốc 30.000 đồng/lít. Ảnh: Chí Hùng.
Tại cuộc họp chiều 14/3, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thông qua đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, chắc chắn từ nay đến cuối năm giá xăng dầu của chúng ta sẽ thấp hơn các nước xung quanh.
Do vậy, ông yêu cầu các địa phương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan bảo vệ pháp luật tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống thẩm lậu xăng dầu qua biên giới.
Sáng nay (16/3), Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên sẽ trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của ngành, trong đó có sản xuất, cung ứng, nhập khẩu xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua.
Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội ngày 15/3, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đánh giá thực trạng khả năng sản xuất, cung ứng xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn và thống nhất trước mắt, kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý II cho thị trường trong nước không bao gồm nguồn cung từ nhà máy này.
Bộ trưởng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện về thủ tục và tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối để kịp thời nhập khẩu xăng dầu theo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm 2022 và lượng phân giao bổ sung.
Với Bộ Tài chính, Bộ trưởng Công Thương kiến nghị rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế cho phù hợp, nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu.
Nguồn Zing