BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giấc mơ dẫn đầu về smartphone của Huawei giờ ra sao 

Cập nhật ngày: 09/06/2020 - 20:41

Hai năm trước, Huawei đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới vào năm 2020, nhưng giấc mơ này đang dần bị dập tắt.

Năm 2020 chưa kết thúc và Huawei vẫn còn thời gian biến giấc mơ thành hiện thực. Tuy nhiên, chặng đường 6 tháng phía trước được đánh giá sẽ đầy chông gai.

Tháng 11/2018, Richard Yu, CEO ngành hàng kinh doanh tiêu dùng của Huawei, tuyên bố sẽ đánh bại Apple và Samsung trên toàn cầu bằng chiến lược bán điện thoại hướng tới những khách hàng giàu có. "Năm 2019, chúng tôi sẽ tiến gần tới vị trí cao nhất, có thể sánh ngang với Samsung. Ít nhất một năm sau, tức 2020, chúng tôi có cơ hội chạm tới ngôi vị số một", ông Yu nói.

Dù tham gia thị trường điện thoại thông minh muộn hơn Samsung và Apple, Huawei vươn lên đầy mạnh mẽ, nhất là tại Trung Quốc và châu Âu, để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới. Trước mặt họ chỉ còn một đối thủ là Samsung. Và đó là lúc lệnh cấm của Mỹ được đưa ra.

Từ giữa tháng 5/2019, Mỹ đưa Huawei vào danh sách thực thể và có nhiều động thái cản trở hãng công nghệ số một của Trung Quốc. Tuy nhiên, ngôi vị á quân của Huawei vẫn chưa bị lung lay. Theo thống kê của IDC trong quý I/2020, Huawei vẫn bán được 49 triệu smartphone, chiếm 17,8% thị phần, còn Samsung đạt 21% và Apple là 13,3% thị phần. Dù vậy, thành tích này của Huawei chủ yếu đạt được nhờ Trung Quốc và một số thị trường mới nổi, trong khi họ đã đánh mất vị thế tại những khu vực quan trọng, trong đó có châu Âu.

Khó khăn bủa vây Huawei. Ảnh: Reuters.

Thành công ngắn hạn

Tháng 5 năm ngoái, các doanh nghiệp Mỹ bị cấm hợp tác kinh doanh với Huawei. Hãng đã tìm nhiều cách "đi vòng" nhằm giải quyết vấn đề linh kiện. Tuy nhiên, họ không còn được cấp phép sử dụng dịch vụ Google trên các thiết bị di động.

Cú ngáng đường này đã được các chuyên gia công nghệ mổ xẻ trong suốt một năm qua. Nói chung, lệnh cấm của Mỹ không ảnh hưởng nhiều tới doanh số của Huawei tại Trung Quốc - nơi đa số ứng dụng, dịch vụ của Google đều bị chặn. Ngược lại, việc không có YouTube, Gmail, Google Maps... khiến người dùng quốc tế nghi ngại và kém mặn mà khi chọn mua điện thoại Huawei. 

Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei, cho biết doanh thu năm 2019 của họ giảm 12 tỷ USD so với kế hoạch ban đầu, chủ yếu xuất phát từ bộ phận điện tử tiêu dùng. 

Huawei vẫn duy trì được ngôi á quân, nhưng giấc mơ đứng trên đỉnh cao được cho là đã trở nên xa vời. Doanh số smartphone của hãng chưa tuột dốc chủ yếu là nhờ chiến lược thúc đẩy những mẫu điện thoại cũ, ra đời trước khi có lệnh cấm và vẫn tích hợp dịch vụ Google, tới các thị trường mới nổi.

"Ở thị trường bên ngoài Trung Quốc, việc thiếu dịch vụ Google trên dòng điện thoại cao cấp là vấn đề lớn. Huawei có thể tạm thời tập trung vào những phiên bản cũ, giá rẻ cho thị trường đang phát triển, nhưng chiến lược này không thể kéo dài và cũng không giúp họ tiến xa", Bryan Ma, Phó chủ tịch IDC, nói.

Không chỉ phải đối đầu với Samsung và Apple, Huawei còn phải cạnh tranh với các đối thủ trong nước như Oppo và Xiaomi. Thị phần của Huawei tại Tây Âu đã giảm mạnh từ 24,3% trong quý I/2019 xuống 18,2% trong ba tháng đầu năm nay. Tương tự ở Ấn Độ, thị phần của Huawei chỉ còn 0,4% trong quý I/2020, giảm từ 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương lai bất định

Giới công nghệ nhận định, điểm yếu nhất của Huawei là phần mềm. Để tồn tại trên thị trường smartphone, họ buộc phải tự cứu mình. Đầu tháng 2, hãng ra mắt ứng dụng Huawei Search, hiện đổi tên thành Petal Search. Công cụ tìm kiếm này cùng với hệ sinh thái ứng dụng HMS cho thấy tham vọng của Huawei trong việc cạnh tranh trực tiếp với GMS (Google Mobile Services) và iOS của Apple, hình thành nên thế "chân vạc" trong ngành công nghiệp smartphone.

Dù được quan tâm, HMS vẫn còn mới mẻ để so sánh với hàng tỷ người dùng hàng tháng trên Google Search, Chrome, Gmail, YouTube, Google Drive và các ứng dụng khác. Nói cách khác, hệ sinh thái của Huawei còn quá yếu.

Giữa lúc Huawei còn đang loay hoay phát triển phần mềm, Mỹ đã giáng đòn tiếp theo liên quan tới phần cứng. Quy định mới của Mỹ, được ban hành tháng trước, khiến cho hàng tỷ USD mà hãng Trung Quốc đầu tư cho việc tự thiết kế và phát triển chip trở nên vô nghĩa. Tất cả ý tưởng sáng tạo về vi xử lý của Huawei sẽ chỉ nằm trên giấy bởi nếu muốn sản xuất, đối tác của Huawei sẽ cần đến công nghệ và trang thiết bị của Mỹ và phải được Mỹ cấp phép.

Theo Neil Shah, Giám đốc nghiên cứu của Counterpoint Research, Huawei đang đối mặt với tương lai đầy thách thức và khó có thể tung ra các sản phẩm đủ sức cạnh tranh khi bị "đánh" cả về phần cứng và phần mềm.

Nguồn VNE (theo CNBC)

Từ khóa
HuaweiRichard YuCEO


Liên kết hữu ích