Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giải bài toán chống thất thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử
Thứ sáu: 15:25 ngày 30/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ước tính tỉ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến ở Việt Nam chiếm trên 90%, trong khi tốc độ tăng trưởng của TMĐT luôn ở mức cao, trên 20%/năm. Nhưng số thuế nộp ngân sách nhà nước từ lĩnh vực này chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Số thuế nộp từ kinh doanh TMĐT chưa tương xứng với tiềm năng

Thời gian qua, thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể bởi những lợi ích to lớn mà hoạt động này mang lại. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước.

Tuy nhiên, so với thu nhập và doanh thu khủng, số thuế nộp ngân sách nhà nước từ lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, gây thất thu ngân sách nhà nước. Hơn thế nữa, điều này đang gây mất bình đẳng giữa những người kinh doanh.

Tỉ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến ở Việt Nam chiếm trên 90%. (Ảnh minh họa: KT)

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết, hoạt động TMĐT là một hoạt động thương mại mới. Có rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý thuế. Cụ thể, khó khăn trong quản lý đầy đủ nguồn thu và đối tượng nộp thuế. Người nộp thuế có thể bất kể là tổ chức hoặc cá nhân. Bên cạnh đó là việc tính thuế, rất khó phân biệt các loại thu nhập. TMĐT có nhiều loại như: phí dịch vụ, phí bản quyền… có rất nhiều loại chi phí cần làm rõ để phân biệt tính làm cơ sở đánh thuế.

“Khó khăn tiếp theo là quản lý các đối tượng. Vì có thể đối tượng đánh thuế là tổ chức hoặc cá nhân, 1 cá nhân có thể mở nhiều gian hàng trên các trang mạng xã hội cũng có thể bán hàng trên nhiều nền tảng TMĐT khác nhau. Khó khăn nữa là quản lý dòng tiền. Vấn đề này không hề đơn giản vì tại Việt Nam việc giao dịch tiền mặt vẫn phổ biến, có thể nói giao dịch tiền mặt vẫn khá nhiều so với qua ngân hàng…”, bà Nguyễn Thị Lan Anh chỉ rõ.

GS.TS Hoàng Văn Cường-Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Đồng quan điểm về những khó khăn mà ngành thuế đang gặp phải trong việc triển khai thu thuế TMĐT, GS.TS Hoàng Văn Cường Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, đây không phải là thách thức với riêng Việt Nam mà với cả các nước phát triển. Việc quản lý thu thuế với hệ thống TMĐT hiện đang rất lúng túng, đặc biệt là vấn đề kinh doanh xuyên biên giới.

"Tuy vậy, chúng ta nhìn thấy thành công của Việt Nam trong quản lý thuế trên TMĐT đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ngành Thuế là ngành tiên phong và là ngành đầu tiên được đánh giá cao, đi đầu trong chuyển đổi số của Việt Nam. Nhờ nền tảng chuyển đổi số trong quản lý thuế, khi những hoạt động giao dịch không còn là vật lý, cơ học bình thường nữa, mà đã chuyển sang môi trường mạng thì công cụ quản lý thuế cũng phải thay đổi để thích nghi. Tôi cho rằng quá trình này được ngành thuế thực hiện khá nhanh, đó là nền tảng rất quan trọng", GS. Cường nói.

Cần triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT

Cũng theo bà Lan Anh, vừa qua, ngành thuế đã triển khai rất đồng bộ các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT như: tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế tự kê khai chịu trách nhiệm đặc biệt hướng dẫn người nộp thuế là các nhà cung cấp nước ngoài có thể kê khai, nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của ngành thuế. Bên cạnh đó, hoàn thiện quy định, chính sách pháp luật về thuế để tăng cường khả năng trách nhiệm của các sàn TMĐT trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh các cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh thông qua sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến và cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để quản lý thuế.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế.

“Tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý thuế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế theo hình thức điện tử trực tiếp tại Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, ngày 21/3, Bộ Tài chính đã khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và triển khai Ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho các cá nhân”, bà Lan Anh thông tin.

Còn theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, để chống thất thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử, biện pháp đầu tiên là phải củng cố nền tảng về mặt pháp lý để đảm bảo đầy đủ các cơ sở pháp lý thực hiện các biện pháp quản lý. Bởi có rất nhiều sản phẩm diễn ra trong quá trình giao dịch trên nền tảng mạng thì không thuộc vào các sản phẩm hàng hóa đã quy định như các hàng hóa thông thường, cho nên phải quy định về mặt luật pháp để đưa những sản phẩm ấy vào đối tượng thu thuế.

“Trong giao dịch hàng hóa thông thường thì đối tượng người nộp thuế, người chịu thuế có hiện diện ở tại nơi quản lý thuế, nhưng trên không gian mạng, đặc biệt là xuyên biên giới thì những người nộp thuế không hiện diện ở đây, nên việc quản lý không phải quản lý con người tham gia vào giao dịch mà là quản lý hoạt động kinh tế.

Hoạt động kinh tế có diễn ra thì dù anh ở đâu, nhưng anh có hoạt động kinh tế trên địa bàn của tôi thì tôi sẽ đưa ra các tiêu chí đánh giá và phân khu pháp luật và anh phải chịu trách nhiệm nộp thuế”, GS.TS. Hoàng Văn Cường phân tích, đồng thời cho rằng, cần phải có khuôn khổ pháp lý để thực thi công tác quản lý đảm bảo sự đồng bộ giữa pháp luật trong nước và đặc biệt đảm bảo yếu tố quốc tế.

Bên cạnh đó, công tác thiết lập tổ chức, con người, phải có con người thực thi. Trước đây, quản lý thuế thường sử dụng bộ máy con người như thanh tra quản lý, kê khai trực tiếp thì bây giờ chuyển sang bộ phận ngồi quản lý thông qua hệ thống điện tử.

"Bộ máy điện tử này không dừng lại là cơ quan thuế, mà có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa cơ quan thuế và các cơ quan khác, ví dụ như ngành công thương, thông tin truyền thông hay ngành ngân hàng. Bộ máy đó gần như liên thông với nhau để có thể tạo ra được một cơ quan có trách nhiệm kiểm soát và thực thi các biện pháp quản lý. Tôi cho rằng có lẽ đấy là các biện pháp mà mà hầu hết các nước đang tiến tới sử dụng trong nội bộ", GS. TS. Cường bày tỏ.

Ngoài ra, GS.TS Hoàng Văn Cường cũng cho biết, trong hợp tác quốc tế, các nước bắt tay với nhau để tránh những chuyện chuyển giá, chuyển thuế, tránh tình trạng các quốc gia cho thuế thấp xuống để trốn thuế, gọi là thiên đường trốn thuế nên người ta bắt tay với nhau.

“Công cụ về liên kết quốc tế là yếu tố rất quan trọng để chúng ta quản lý được tất cả các hoạt động dù là chủ thế đó diễn ra trong nước hay là nước ngoài”, ông Cường nhấn mạnh./.

Nguồn VOV.VN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục